Hai trẻ suýt mất mạng vì rắn cắn

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:38, 28/10/2015

(HNMO) - Ngày 28-10, theo tin từ Trung tâm chống độc-Bệnh viện (BV) Bạch Mai, tại đây đang điều trị cho 2 cháu bé là Đinh Thị Huyền (5 tuổi, dân tộc Mường, ở xóm Ríc, xã Trung Sơn, Yên Lập, Phú Thọ) và Hoàng Văn Khiêm (8 tuổi, dân tộc Tày, ở thôn Nà Lầy, xã Cao Phong, huyện Nà Rì, Bắc Cạn) bị rắn lục xanh cắn,

Các bác sĩ Trung tâm chống độc-BV Bạch Mai đang chăm sóc cháu bé bị rắn cắn



Chị Đinh Thị Sạch (mẹ cháu Huyền) kể, cháu bị rắn cắn trên đường đi học về. Gia đình đưa cháu đến trạm y tế xã, rồi được chuyển tiếp lên BV huyện Yên Lập, BV Đa khoa Phú Thọ. Nhưng đến BV Đa khoa Phú Thọ không có huyết thanh truyền cho cháu nên tiếp tục chuyển lên Trung tâm chống độc BV Bạch Mai. Tại đây, cháu Huyền nhập viện trong tình trạng sưng mề toàn bộ chân bên trái, bầm tím cẳng chân trái, chảy máu trong cơ, vết cắn không có biểu hiện hoạt tử tại chỗ…

Tương tự, cháu Hoàng Văn Khiêm cũng nhập viện trong tình trạng muộn (sau 4 ngày bị rắn cắn) khiến toàn thân sưng nề bầm tím, xuất hiện dấu hiệu đông máu, nguy hiểm đến tính mạng. Anh Hoàng Văn Tướng (bố cháu Khiêm) kể, vì không có tiền đưa con đi BV điều trị nên gia đình đã đắp thuốc nam cho con, khiến bệnh tình con ngày càng trở nên trầm trọng. Khi vết cắn có biểu hiện hoại tử, gia đình mới đưa con lên BV Đa khoa huyện Na Rì, rồi tiếp tục đến BV Đa khoa Bắc Cạn.

Theo TS. BS Nguyễn Kim Sơn, phụ trách Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, nhiễm độc do rắn độc cắn là mức độ nguy hiểm xếp hàng thứ 5 trong các ngộ độc được đưa đến Trung tâm Chống độc. Các bác sĩ tại đây đã tiến hành truyền huyết thanh, tiêm kháng sinh, chống chảy máu cơ, chống suy thận... cho 2 bệnh nhân này. Hiện tại, 2 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn phải điều trị thêm một thời gian nữa.

Theo các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai, vào mùa mưa, số ca bị rắn cắn nhập viện bao giờ cũng tăng mạnh, cao điểm nhất là tháng 8-10 hằng năm. Không chỉ người dân ở khu vực nông thôn mà ngay cả trong các khu vực nội thành cũng có trường hợp bệnh nhân bị rắn cắn. Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nạn nhân sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, hạ thân nhiệt, suy tuần hoàn, rối loạn nhịp thở, giảm phản xạ gân xương, nguy cơ tử vong cao. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, nếu bị rắn hổ, cạp nia, hổ chúa cắn thì cần băng ép và bất động toàn bộ chi, không băng ép nếu bị rắn lục cắn. Hạn chế vận động, đi lại nếu có thể. Đồng thời, nhanh chóng đưa người bệnh đến viện cấp cứu. Đặc biệt cần dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu càng sớm càng tốt. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể phải thở máy cả tháng, tốn kém hàng trăm triệu. Nếu vết cắn bị hoại tử thì phải cắt lọc hoàn toàn, ghép da, dùng thuốc kháng sinh có hoạt phổ rộng để chống nhiễm khuẩn.

Gia Phong