Nước cờ “gây bão” cho sự nghiệp chính trị của bà Merkel

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 15:30, 28/10/2015

(HNMO) - Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel được dự báo sẽ trở thành chính trị gia thành công nhất thế giới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nhập cư đã gây chia rẽ nước Đức và có khả năng đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của bà Merkel.


Tuy nhiên, theo một bài phân tích trên trang Financial Times, cuộc khủng hoảng nhập cư đã gây chia rẽ nước Đức và có khả năng đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của bà Merkel.

Chỉ tính riêng trong năm nay nước Đức sẽ tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn. Sự bất an của người dân Đức ngày càng gia tăng, cùng với đó là những lời chỉ trích chính sách nhập cư của bà Merkel ngày càng nhiều hơn. Một số thành viên thân cận của bà Merkel thừa nhận rằng, có thể bà Merkel sẽ phải rời nhiệm sở trước khi cuộc tổng tuyển cử được tiến hành vào năm 2017.

Thủ tướng Đức Angela Merkel.


Xét trên phương diện nào đó, điều này là không công bằng. Bà Merkel không gây ra cuộc nội chiến tại Syria, hay những xung đột tại Eritrea hay Afghanistan. Việc nước Đức dang tay đón nhận hàng triệu người tị nạn bị mất nhà cửa do chiến tranh được đánh giá là một hành động từ bi. Thủ tướng Đức đã nỗ lực tiếp tục kế thừa những truyền thống tốt đẹp nhất thời kỳ hậu chiến, đó là tôn trọng nhân quyền và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Vấn đề đối với chính quyền của Thủ tướng Merkel nằm ở chỗ, họ đã không thể kiểm soát được tình hình. Các quan chức Đức luôn tuyên bố: “Chúng tôi có thể làm được điều này”. Thế nhưng, trên thực tế, chi phí đội lên nhiều, chất lượng các dịch vụ xã hội giảm sút, tỷ lệ tín nhiệm bà Merkel sụt giảm trong khi bạo lực lại liên tục gia tăng.

Tờ tạp chí Der Spiegel bình luận: “Nước Đức ngày nay là nơi mà con người sống trong sự thù ghét và tâm lý bài ngoại”.

Khi nhiều xáo trộn xảy ra trong xã hội Đức, những ý kiến về tác động tích cực của người nhập cư đối với nền kinh tế và lực lượng lao động nước Đức đã không còn chiếm ưu thế. Trái lại, người dân Đức lo ngại về tác động lâu dài về mặt chính trị và xã hội khi quá nhiều người nhập cư ồ ạt vào nước này. Theo số liệu thống kê, khoảng 10.000 người tị nạn nhập cư vào Đức mỗi ngày, trong khi một quốc gia khác tại châu Âu là Anh chỉ chấp nhận 20.000 người tị nạn Syria trong vòng 4 năm.

Những cuộc biểu tình phản đối nhập cư đã trở thành cảnh tượng thường thấy tại nước Đức.


Sự mất kiểm soát này hoàn toàn trái ngược với sự bình tĩnh của bà Merkel khi dẫn dắt châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu hay vấn đề Nga sáp nhập Crimea. Khi đó, nhiều cử tri Đức đã hoàn toàn đặt niềm tin vào các quyết sách của Thủ tướng.

Cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay lại khiến nhiều cử tri cho rằng, chính phủ đã sai lầm khi mở cửa biên giới đất nước cho dòng người nhập cư ồ ạt. Trong tháng trước, Đức đã quyết định không trả người nhập cư về quốc gia an toàn đầu tiên mà họ đặt chân tới, đồng nghĩa với việc nhiều người tị nạn tìm mọi cách để vào quốc gia này sau khi đặt chân tới châu Âu.

Một số người Đức nêu ý kiến, cách duy nhất để nhanh chóng xoay chuyển tình thế đó là xây dựng hàng rào dọc biên giới giống như điều mà chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban đã làm. Tuy nhiên, bà Merkel lại không đồng tình với cách làm này của Hungary. Bà cho rằng, một chính sách như vậy sẽ đặt dấu chấm hết cho sự đi lại tự do giữa các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU), đồng thời gây bất ổn tại khu vực Balkan, nơi đông đảo người tị nạn đang tập trung.

Điều mà bà Merkel mong muốn là một giải pháp mang tính toàn diện hơn ở quy mô EU. Đức đề ra cơ chế chia sẻ người nhập cư tại EU, đồng thời thành lập một quỹ khẩn cấp để chia sẻ chi phí làm việc này. Tuy nhiên, kế hoạch phân bổ lại vấp phải sự phản đối gay gắt từ nhiều quốc gia thành viên khác.

Hậu quả là, mối quan hệ giữa Đức với các quốc gia khác trong EU, vốn đã căng thẳng bởi cuộc khủng hoảng nợ công, lại càng trở nên sứt mẻ.

Liệu bà Merkel có thể thay đổi tình thế?

Nếu chính phủ Đức may mắn, mùa đông sắp tới sẽ làm chậm dòng chảy người nhập cư, việc tổ chức, bố trí nơi ở cho người nhập cư cũng dễ thở hơn và Đức có thể đạt được thỏa thuận mới về việc phân bổ người nhập cư tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn trong trường hợp người tị nạn tiếp tục đổ về Đức với mức độ như hiện nay, và bà Merkel tiếp tục cam kết mở cửa biên giới, sức ép yêu cầu bà từ chức sẽ ngày một tăng mạnh. Hiện tại, chưa xuất hiện một đối thủ chính trị nặng ký nào, nhưng nếu cuộc khủng hoảng này tiếp diễn, sẽ có thêm nhiều gương mặt chính trị gia đối lập đe dọa vị thế của bà Merkel.

Rõ ràng, cuộc khủng hoảng tị nạn đã đánh dấu một bước ngoặt mới. Thập kỷ sau khi bà Merkel lên nắm quyền năm 2005 đã đưa đến một thời kỳ hòa bình, thịnh vượng và nâng cao vị thế quốc tế cho nước Đức. Thế nhưng, thời kỳ hoàng kim đó giờ đây dường như đã qua rồi.

Thanh Hà