Chất lượng Quốc hội: "Không đơn thuần trong 8 giờ làm việc!"
Chính trị - Ngày đăng : 17:05, 27/10/2015
ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Đoàn Hà Nội) |
Chiều 27/11, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tại đoàn Hà Nội, phần lớn các ý kiến tập trung góp ý về trách nhiệm của các đại biểu QH được quy định ở Điều 5, đặc biệt cho rằng cần phải cân nhắc quy định trường hợp đại biểu không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt trên 3 ngày làm việc tại mỗi kỳ họp QH thì gửi văn bản và nêu rõ lý do, thời gian vắng mặt đến Trưởng Đoàn đại biểu, đồng thời gửi văn bản đến Tổng thư ký QH để báo cáo Chủ tịch QH quyết định.
ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi cho rằng với các đại biểu vắng mặt không phải do thiếu trách nhiệm mà do công việc bất khả kháng. Do đặc thù đại biểu QH kiêm nhiệm lớn, nắm giữ trọng trách quan trọng của các bộ, ngành TƯ, tỉnh, thành, địa phương. Việc bàn giao công việc hoàn toàn là rất khó mà vẫn cần có chỉ đạo kịp thời. Hoặc các ĐB vắng là khi thảo luận về luật chuyên ngành, chuyên sâu. Còn khi thảo luận về kinh tế - xã hội hay biểu quyết thì tỷ lệ vắng không nhiều.
ĐB Trần Trí Dũng – Trà Vinh đồng tình quan điểm trên và cho rằng, không có một ĐB nào muốn vắng mặt họp QH để đi chơi cả, chỉ trừ khi có những công việc ở địa phương không thể vắng mặt thì ĐB mới nghỉ. Vì thế quy định này cần phải có biện pháp tính cho căn cơ, bài bản và lâu dài hơn vì các kỳ họp QH còn kéo dài.
ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cũng cho rằng trách nhiệm ĐB Quốc hội được quy định cụ thể trong Hiếp pháp và các luật. Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cần thiết chế lại để hợp lý hơn, không bị hành chính hoá. "Quan trọng là ý thức tự thân của đại biểu, những người được nhân dân tín nhiệm. Nếu chúng ta đưa vào quy định rồi thì phải mang tính hiệu lực, hiệu quả và phải khả thi, gắn liền với thực tiễn" -Bà Hường nói.
Với mỗi kỳ họp kéo dài trên 30 ngày, các ĐB phải giải quyết lượng công việc lớn |
Ngoài nội dung trên, quy định về công dân có quyền dự thính tại Điểm 5 điều 8 cũng được nhiều ĐB nêu kiến nghị. ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng nguyện vọng của nhân dân rất đông. Do đó, phải tính toán, lựa chọn, và ghi rõ trách nhiệm của công dân khi được mời dự thính các phiên họp QH.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đồng tình và nêu quan điểm phải có quy định cụ thể để bảo đảm trật tự, an ninh cho những người dự thính, tránh biến QH thành nơi lộn xộn, nơi tiếp ý kiến công dân...
Liên quan đến một nội dung khác, ĐB Trần Thị An (Hà Nội) nhận định, hoạt động của QH quan trọng nhất là thảo luận ở nghị trường. Do đó, đại biểu kiến nghị phải tăng thêm thời gian truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi được.