Kinh doanh đa cấp với Thiên Ngọc Minh Uy: Ai hưởng lợi?
Đời sống - Ngày đăng : 05:15, 27/10/2015
Chỉ cần dùng một sản phẩm duy nhất của công ty sẽ được cấp thẻ hội viên của TNMU là có cơ hội thu nhập cao. Khi đó, ngồi nhà cũng được hưởng lợi theo cấp số nhân từ các nhánh kinh doanh tiếp nối. Liệu sự thật có lĩnh vực kinh doanh nào "một vốn bốn lời", "ngồi mát ăn bát vàng" như quảng cáo của TNMU?
Mô hình bán hàng đa cấp của công ty Thiên Ngọc Minh Uy (theo VTV) |
Cái gì cũng bán!
Lần đầu tiên có mặt tại cơ sở TNMU ở ngõ Thông Phong (quận Đống Đa) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước số lượng sản phẩm kinh doanh quá nhiều tại đây. Từ các loại hàng kim khí điện máy như máy tạo khí ozone, hàng gia dụng như nồi áp suất, bếp hồng ngoại, hàng may mặc, phổ biến nhất là hơn 20 loại thực phẩm chức năng và 50 loại mỹ phẩm. Có thể nói là "hầm bà làng" tất cả các hàng hóa. Đa số các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan.
Cùng với các tên gọi sản phẩm mỹ miều như dung dịch làm đẹp kỳ diệu, dung dịch giữ ẩm tinh chất vàng, viên nang Hồng Biến Thiên, dầu Hải Cẩu… là đơn giá toàn tiền triệu trở lên, trung bình từ 2 triệu đến 9,9 triệu đồng/sản phẩm. Ngoài việc mua và sử dụng các sản phẩm đang bày bán tại TNMU, khách hàng có thể tham gia vào các chương trình trị liệu chăm sóc sức khỏe với số tiền 10 triệu đồng/liệu trình 12 ngày.
Trong khi các chuyên viên kinh doanh đang có mặt tại trụ sở còn lặng lẽ theo dõi thái độ hành vi của chúng tôi thì một bác lớn tuổi đã tham gia vào mạng lưới bán hàng TNMU lại nhiệt tình mời chào. Bác này hướng dẫn cách thức để trở thành hội viên được cấp thẻ của TNMU rất đơn giản, chỉ cần mua một sản phẩm bất kỳ là đủ điều kiện tham gia. Cách mua hàng trực tiếp với TNMU hay mua gián tiếp qua người giới thiệu đều được. Nhưng khi thấy chúng tôi vặn vẹo nhiều câu hỏi thì bác lấy cớ bận để rút lui. Thậm chí, chúng tôi còn không được biết tên, chức danh của bác, điều này là không tuân thủ quy định bán hàng tại TNMU.
Nhập nhèm tư vấn bán hàng
Gặp gỡ thêm nhiều người đến với TNMU, chúng tôi nhận thấy cách hiểu của họ còn sơ sài, thậm chí hiểu nhầm công dụng, tác dụng của sản phẩm đa cấp. Bà Nguyễn Thị T. (quận Đống Đa) cho biết, đã tham gia vào TNMU từ hơn 1 năm nay với gói trị liệu chăm sóc sức khỏe bằng cách xoa bóp, đả thông huyệt đạo và đắp thuốc. Tuy nhiên, khi làm việc với người phụ trách nghiệp vụ cơ sở Hoàng Minh (thuộc Công ty TNMU) - ông Trần Xuân Cường cho biết, công ty không hề bán thuốc chữa bệnh, các loại thực phẩm chức năng đang bán tại cơ sở không phải là thuốc, sản phẩm dùng cho bà T. chỉ là tinh chất thảo mộc.
Cách hiểu lầm "tai hại" này là do đâu? Liệu có sự nhập nhèm nói quá công dụng sản phẩm với các ngôn từ mỹ miều như chữa được bách bệnh, đánh đồng các khái niệm thuốc với thực phẩm chức năng từ phía chuyên viên kinh doanh trong quá trình tư vấn khách hàng nhằm đạt doanh số bán hàng cao. Ông Trần Xuân Cường trả lời: Cơ sở chỉ dám bảo đảm nội dung tư vấn bán hàng đúng từ chuyên viên kinh doanh đã qua đào tạo của TNMU, từ các tầng kinh doanh tiếp theo thì không thể chắc chắn nên không biết thông tin đến người tiêu dùng cuối cùng ra sao.
Trong khi phương thức hoạt động của đa cấp là càng có thêm "n" tầng tiếp theo thì lợi nhuận càng nhiều. Mà TNMU không giám sát được đến số "n" tầng cuối thì sao biết là hệ thống kinh doanh của mình bảo đảm hay không?
Ngoài ra, giá cả sản phẩm đa cấp cao ngất ngưởng cũng là vấn đề. Trong bảng giá sản phẩm niêm yết tại cơ sở TMNU, chia làm 3 mức giá: Mức giá cao nhất bán trực tiếp đến người tiêu dùng, giá bán cho các chuyên viên kinh doanh được giảm từ 100.000 đồng - 300.000 đồng. Mức giá cuối cùng mà hệ thống đa cấp đặt tên là "Trị PV" (Personal Value) chỉ vào khoảng trên dưới 60% giá bán sản phẩm. Ví dụ, một sản phẩm bán đến người tiêu dùng với giá 11.900.000 đồng thì bán đến chuyên viên kinh doanh với giá 11.600.000 đồng, nhưng giá tính theo Trị PV chỉ còn 6.000.000 đồng, giảm đến 50%.
Những ai đã tham gia vào hệ thống đa cấp sẽ hiểu rõ khái niệm "Trị PV", nhằm để theo dõi cấp bậc và tính thù lao cho các cấp chuyên viên kinh doanh. Tuy nhiên, nếu được biết thêm, chỉ số Personal Value được thiết lập dựa trên sự cân đối về giá vốn của sản phẩm, giá thành của sản phẩm tương đương trên thị trường và mức lợi nhuận hợp lý của công ty, thì không khỏi ngỡ ngàng giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng cao gấp nhiều lần giá sản phẩm mà công ty đã tính toán để có lãi.
Cũng bà T. cho biết, từ khi tham gia vào TMNU, bà chưa được hưởng những khoản thu siêu lợi nhuận như được tư vấn vì bà chưa mời được thêm người vào hệ thống. Hiện tại, bà T. vẫn chỉ là người tiêu dùng đơn thuần, trả tiền mua hàng để sử dụng. Mà tiêu dùng một sản phẩm có giá đắt, công dụng không như mong muốn thì có lợi hay hại đối với người tiêu dùng?
Theo các chuyên gia kinh tế, khó có một loại hình kinh doanh chân chính nào mang lại siêu lợi nhuận như hoạt động bán hàng đa cấp. Bản chất của kinh doanh đa cấp không làm ra sản phẩm của cải cho xã hội, không gia tăng giá trị hàng hóa mà chỉ là lấy tiền của người sau trả người trước trong cùng hệ thống. Đối tượng được kinh doanh đa cấp nhắm đến là các sinh viên chưa có việc làm muốn làm giàu nhanh mà không vất vả, những người già đã về hưu, có chút vốn tích lũy, cần được quan tâm chăm sóc. Người có kiến thức trí tuệ không những không quan tâm mà còn tẩy chay hoạt động đa cấp. Nếu không tỉnh táo, người tham gia hoạt động đa cấp sẽ từ nạn nhân chuyển thành đối tượng vi phạm bởi quá trình bán hàng đã nói không đúng về sản phẩm để lôi kéo, dụ dỗ thêm người tham gia.