Thị trường Trung Đông, Châu Phi: Cơ hội cho nhà đầu tư Việt Nam

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:46, 25/10/2015

(HNM) - Với diện tích hơn 36 triệu ki lô mét vuông, dân số gần 1,5 tỷ người, Trung Đông - Châu Phi (TĐ-CP) đang nổi lên như một thị trường tiềm năng với các nhà đầu tư Việt Nam.

Làm thế nào để khai thác được thế mạnh của mỗi bên là nội dung hội thảo khoa học quốc tế "Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước TĐ-CP" do Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Tập đoàn Viettel vừa khai trương mạng di động tại Tanzania với thương hiệu Halotel.


Nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư

Tuy cách xa về địa lý, nhưng Việt Nam và các nước TĐ-CP lại có quan hệ chặt chẽ, từng tích cực ủng hộ, giúp đỡ nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia Trung Đông, 52/55 quốc gia Châu Phi. Việt Nam có 17 cơ quan đại diện ngoại giao tại khu vực này và 19 nước TĐ-CP đã mở cơ quan đại diện tại Hà Nội. Đây là cơ sở quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực.

Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công thương) cho biết, 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và TĐ-CP đã tăng gấp 8 lần, từ 2 tỷ USD năm 2005 lên 15,7 tỷ USD năm 2014. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại hai bên đạt 8,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 6,6 tỷ USD sang các nước TĐ-CP và nhập khẩu 2,1 tỷ USD từ các nước khu vực. Về hợp tác lao động, giai đoạn 2008-2014, Việt Nam đã đưa gần 80 nghìn người sang làm việc tại các nước TĐ-CP. Nhiều nhà đầu tư Việt Nam thành công khi đầu tư vào khu vực này như: Dự án liên doanh thăm dò khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tại Algeria; các dự án viễn thông của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tại Mozambique, Cameroon và mới đây nhất là Tanzania.

Đánh giá cao mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước TĐ-CP, Tổng Thư ký Chương trình LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Mukhisa Kituyi mong muốn hội thảo sẽ tìm ra những giải pháp mới, củng cố và hoàn thiện các cơ chế pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên tìm kiếm đối tác, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực. Nhấn mạnh về những cơ hội tại thị trường rộng lớn này, ông Mukhisa Kituyi cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh để đứng vững và mở rộng hoạt động kinh doanh tại TĐ-CP.

Không ít thách thức

Là một trong những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm đầu tư tại khu vực TĐ-CP, bà Thái Kiều Hương, Giám đốc đầu tư nước ngoài Công ty Xuân Thiện Việt Nam cho biết: "Khi xem xét các cơ hội và thách thức ở Châu Phi, điều quan trọng chúng ta nên nhớ đây là một lục địa chứ không phải quốc gia duy nhất. Khu vực này có 55 quốc gia phát triển ở mức độ cũng như nền chính trị khác nhau. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam nên xác định rõ mình sẽ tập trung vào nước nào. Kinh nghiệm cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư vào lĩnh vực mà Châu Phi đang cần như: Hạ tầng; nông nghiệp và nguồn tài nguyên thiên nhiên; dịch vụ và hàng tiêu dùng…".

Là một trong những đơn vị đi tiên phong đầu tư tại TĐ-CP, ông Đinh Văn Sơn, thành viên HĐQT Petrovietnam cho biết, Tập đoàn đã tìm hiểu thực tế đầu tư tại một loạt quốc gia như Angola, Mozambique, Sudan, Algeria, Iran, Iraq… Tuy nhiên, mỗi quốc gia có một khó khăn, thách thức khác nhau mà các doanh nghiệp cần lường trước để tránh rủi ro. Ví dụ: Angola giàu tiềm năng dầu khí nhưng rất khó tiếp cận, phí hoa hồng cao. Mozambique dù trải thảm đỏ cho Petrovietnam nhưng lại ít dầu, khó khăn về thị trường và hạ tầng cơ sở. Nigeria lại có vấn đề về an ninh và hệ thống pháp luật…

Hiểu rõ những cơ hội cũng như những thách thức mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt khi đầu tư tại TĐ-CP, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: "Chính phủ Việt Nam mong muốn các nước TĐ-CP tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác, đầu tư tại khu vực này. Chúng ta đã có tiềm năng hợp tác to lớn. Điều chúng ta cần là sự nỗ lực và quyết tâm hơn nữa từ cả Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác hai bên lên tầm cao mới theo hướng thực chất và hiệu quả hơn".

Đình Hiệp