Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần thiết và cấp thiết!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 25/10/2015

(HNM) - Từ khi có sự tách bạch rõ ràng chương trình văn hóa nghệ thuật nào nhà nước cần tuyên truyền thì Nhà nước bỏ tiền đầu tư, còn lại là hoạt động theo hình thức xã hội hóa, Nhà nước tiết kiệm được ngân sách mà dân vẫn có cái để xem.

Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý và có nhưng chưa đồng bộ, ở những lĩnh vực có đầy đủ luật, nghị định điều chỉnh nhưng việc thực thi công vụ lỏng lẻo, thiếu thanh tra, kiểm tra nên môi trường hoạt động cho văn hóa, nghệ thuật thiếu lành mạnh, nạn xâm phạm bản quyền diễn ra nghiêm trọng. Nói đâu xa, điện ảnh Việt Nam có lịch sử khá lâu đời và từng có những giai đoạn phát triển rực rỡ nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa có ngành công nghiệp điện ảnh theo đúng nghĩa. Vài năm trở lại đây, các ca sĩ cho ra đời hàng nghìn đĩa hát mới nhưng Việt Nam chưa hề có ngành công nghiệp ghi âm. Nguyên nhân vì đĩa phát hành buổi sáng thì buổi trưa đã có đĩa lậu, bỏ ra một đống tiền nhưng nhiều ca sĩ chẳng thu được đồng nào. Bên cạnh đó, do các thủ tục hành chính lập các quỹ tư nhân về văn hóa, nghệ thuật quá nhiêu khê nên mới chỉ có vài mô hình quỹ với quy mô rất nhỏ, không đủ khả năng hỗ trợ để phát triển các ý tưởng độc đáo thành tác phẩm cũng như thực hiện các dự án nghệ thuật hay.

Thực tế vài năm qua cho thấy, những gì gọi là nghệ thuật phần lớn đều cũ kỹ về thẩm mỹ, rõ nhất là phim và âm nhạc nên không thể "ra biển lớn" được. Những bất cập về môi trường kinh doanh làm cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật loay hoay không thể phát triển. Cuối cùng, nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà không tự sống được mà phải trông vào sự hào phóng và cả ban ơn của doanh nghiệp tài trợ.

Những năm qua, có doanh nghiệp trong nước ý thức được trách nhiệm với đời sống tinh thần bằng cách chấp nhận không làm thương hiệu khi bỏ tiền mời các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến Việt Nam biểu diễn. Tuy nhiên, số này còn quá ít. Hiện phần lớn các doanh nghiệp tài trợ cho chương trình nghệ thuật nào đó hay bỏ tiền quảng cáo trong các phim phát sóng trên truyền hình vì lý do quảng bá cho thương hiệu và bán hàng. Cả hai bên cùng lợi nên không thể trách họ. Song, xem nhiều chương trình giải trí trên truyền hình thì thấy rõ bàn tay của họ đã can thiệp vào khá sâu. Họ yêu cầu nhà sản xuất chương trình phải mời MC này, giám khảo là diễn viên kia nên quanh đi quanh lại vẫn chỉ vài "ngôi sao" giải trí. Có tối bật kênh này cũng thấy giám khảo A, bật kênh kia cũng là giám khảo A. Bàn tay nhà tài trợ còn thể hiện khi họ chỉ mời những ca sĩ có số lượng người hâm mộ (fan) đông đảo và ca sĩ hát hay đến mấy nhưng có fan chọn lọc họ cũng không mời. Trong phim truyền hình cũng vậy, khi bắt đầu bấm máy, nhà sản xuất đã tính mời người mẫu này, MC kia vào vai này vai kia dù diễn xuất của họ không thể bằng các diễn viên chuyên nghiệp. Không làm vậy thì khi phim phát sóng doanh nghiệp sẽ không quảng cáo. Như vậy doanh nghiệp đã gián tiếp chi phối nhà sản xuất. Mùa giải nào cũng chỉ có từng ấy gương mặt, từng ấy chiêu trò đã làm méo mó thẩm mỹ nghệ thuật trong giới trẻ. Đó là mặt trái khi văn hóa, nghệ thuật nệ vào doanh nghiệp tài trợ.

Trong dự thảo "Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng XII" về văn hóa có đoạn "… Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa". Công nghiệp văn hóa không chỉ đóng góp cho tăng trưởng quốc gia mà còn góp phần giữ gìn và quảng bá văn hóa Việt ra thế giới. Như vậy, Đảng đã ý thức được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa trong thời đại ngày nay. Hy vọng khi Đại hội XII thông qua báo cáo chính trị thì cơ quan chức năng cần nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương đúng đắn này trong cuộc sống.

Thủy Tiên