Mua lại ngân hàng với giá 0 đồng là biện pháp sáng tạo

Kinh tế - Ngày đăng : 11:07, 24/10/2015

(HNMO) - Thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, đến nay, ngoài 9 ngân hàng TMCP đã sáp nhập, hợp nhất, 3 ngân hàng khác đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.


Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng là biện pháp sáng tạo nhằm chấm dứt tình trạng mắc cả, cò kè, để bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.

Đầu tiên là Ngân hàng TMCP Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNBC) được mua lại hồi tháng 2/2015, tiếp đến là Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vào tháng 4, và rồi Ngân hàng TMCP Dầu khí (GPBank) cũng chịu chung số phận với hai nhà băng trên sau chưa đầy 3 tháng. Các cổ đông của ba ngân hàng phải chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho NHNN, chấm dứt quyền, lợi ích và tư cách của các cổ đông hiện hữu. Cả bà trường hợp mua lại này, NHNN đều chỉ định một ngân hàng thương mại gốc quốc doanh tham gia quản trị, điều hành; trong đó, Vietinbank hỗ trợ hai nhà băng là OceanBank và GPBank, còn Vietcombank hỗ trợ VNCB.

Đây là những ngân hàng yếu kém, đã được NHNN cho thời hạn để khắc phục nhưng không có khả năng tự tái cơ cấu thành công, có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Vì vậy, NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Vì mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống, NHNN đã mua lại với giá 0 đồng.

Nói về cơ sở pháp lý mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng-NHNN cho hay, việc NHNN mua ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt với giá 0 đồng là đủ cơ sở pháp lý.

TS Lê Xuân Nghĩa: Hiện các ngân hàng đã được mua lại với giá 0 đồng hoạt động khá tốt


Cụ thể, theo điều 149 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN có quyền trực tiếp mua hoặc chỉ định TCTD khác mua lại ngân hàng yếu kém, những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nếu ngân hàng đó không thực hiện được việc tăng vốn theo quy định của NHNN. Việc thực hiện mua ngân hàng với giá 0 đồng còn dựa trên cơ sở Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, qua đó nêu rõ quyền của NHNN sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật, trong đó có việc buộc các TCTD yếu kém hợp nhất, sáp nhập, mua lại.

Ngoài ra, Quyết định số 255 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số biện pháp bổ sung về tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015, trong đó có nêu rõ chưa áp dụng các biện pháp phá sản theo quy định Luật Phá sản để giữ vững thị trường, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị. Vấn đề nữa là đã mua lại ngân hàng phải có mức giá cụ thể. Trong quy định của NHNN, phải thực hiện thuê các tổ chức tư vấn có chức năng định giá độc lập để xác định giá trị doanh nghiệp của ngân hàng, trên cơ sở đó xác định giá trị cổ phiếu của các ngân hàng một cách độc lập, khách quan.

Dựa trên giá trị thực về vốn điều lệ của quỹ dự trữ còn lại của các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt, NHNN sẽ quyết định mua lại trên cơ sở định giá độc lập. NHNN cũng yêu cầu các chủ sở hữu của các TCTD đó thực hiện việc tăng vốn để đáp ứng chuẩn mực về an toàn vốn tối thiểu. Nếu TCTD không tăng được vốn thì NHNN sẽ mua. Còn mua giá nào phải dựa trên cơ sở giá trị doanh nghiệp đã được NHNN quyết định.

Các ngân hàng được NHNN mua thời gian vừa qua hoàn toàn do công ty định giá độc lập tính toán định giá. Giá trị cổ phiếu của các ngân hàng này thậm chí là âm đồng, chứ không phải 0 đồng. Việc NHNN mua lại cổ phiếu của các ngân hàng yếu kém thời gian qua không phải ép buộc mà hoàn toàn trên cơ sở định giá doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu, đánh giá độc lập khách quan và là cơ sở để xác định giá.

Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng  cho hay, việc mua lại các ngân hàng yếu kém là để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và đảm bảo sự an toàn cho hệ thống. Đây là quan hệ mua-bán chứ không phải là quốc hữu hóa.

NHNN lấy đâu ra tiền mà mua? Trả lời câu hỏi này tại cuộc hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” vừa diễn ra hôm qua, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, thực ra NHNN không tốn đồng nào. “Họ mua không phải là “xòe tiền” ra mua lại tài sản, mà mua là để chấn chỉnh lại hệ thống của ngân hàng đó”. TS Lê Xuân nghĩa nói.

Ông cho biết thêm, trong trường hợp đặc biệt, NHNN cho vay tái cấp vốn đối với các ngân hàng đó nên các ngân hàng đã được mua lại không bị sụt giảm tiền gửi, hoạt động khá ổn định.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng này, NHNN mua lại ngân hàng thương mại với giá 0 đồng là biện pháp sáng tạo, là cách làm nhanh nhất không để các ngân hàng yếu kém cò kè, mặc cả, coi tài sản của họ là vàng, bảo vệ tài sản của họ nhưng không quan tâm đến lợi ích của người gửi tiền.

TS Lê Xuân Nghĩa tiết lộ, GPBank từng được kỳ vọng bán toàn bộ cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thương vụ này cuối cùng đã bất thành bởi nhà băng này nghĩ mình bị định giá thấp. Vì vậy, NHNN phải dùng biện pháp mạnh là mua lại.

Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank đánh giá, mua lại Ngân hàng giá 0 đồng là một sáng kiến, là “đánh chuột nhưng không vỡ bình”, tức “đánh” vào hội đồng quản trị và cổ đông ngân hàng, nhưng tiền của dân không mất-“bình không vỡ". Đây là điều chưa có tiền lệ.

Vậy số phận các ngân hàng bị mua lại sẽ ra sao? Được biết, việc NHNN mua lại ngân hàng yếu kém không nhằm tạo thêm và duy trì lâu dài ngân hàng thương mại Nhà nước vì mục tiêu lợi nhuận mà là nhằm cơ cấu lại ngân hàng yếu kém và bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD.

Sau khi những khó khăn, yếu kém được khắc phục một bước quan trọng và hoạt động của ngân hàng được NHNN mua lại về cơ bản ổn định và trở lại bình thường, giá trị doanh nghiệp và vốn chủ sở hữu của ngân hàng được mua lại gia tăng, NHNN sẽ tiến hành thoái vốn thông qua sáp nhập, hợp nhất với ngân hàng khác, trong đó ưu tiên sáp nhập vào ngân hàng thương mại Nhà nước để tăng quy mô và năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại Nhà nước, cổ phần hóa hoặc bán cho nhà đầu tư tiềm năng.

Hương Thủy