Khi du lịch chưa "bắt tay" điện ảnh...

Văn hóa - Ngày đăng : 07:55, 24/10/2015

Khi bộ phim


Điện ảnh tạo đà cho du lịch

Ảnh hưởng của điện ảnh đối với ngành Du lịch đã được chứng minh một cách rõ ràng từ lâu, trên khắp thế giới. Tại Ấn Độ, sau khi bộ phim "Triệu phú khu ổ chuột" giành giải Oscar năm 2009, các khu ổ chuột ở Dharavi - bối cảnh của bộ phim - ngay lập tức trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Tại New Zealand, sau khi loạt phim "Chúa tể của những chiếc nhẫn" ra đời, trong ba năm, số khách du lịch đến đây tăng từ 1,6 triệu lên 2 triệu lượt người.

Hay như Forks, một thị trấn khai thác gỗ nhỏ thuộc bang Washington (Mỹ) đã chứng kiến mức tăng chưa từng thấy về lượng khách du lịch trong thời gian gần đây, kéo theo doanh thu du lịch tăng 1.000%. "Phép màu" đem lại cho các cư dân thị trấn chính là bộ phim về ma cà rồng mang tên "Trăng non" và "Chạng vạng". Forks là nơi mà đoàn làm phim chọn để quay "Chạng vạng", bộ phim kể về câu chuyện tình yêu giữa ma cà rồng Edward Cullen (diễn viên người Anh Robert Pattinson đóng) và cô gái xinh đẹp Bella Swan (Kristen Stewart thủ vai). Ngay sau khi bộ phim ra mắt khán giả, lập tức, hàng nghìn fan muốn đến trải nghiệm, hòa mình vào không gian đầy vẻ liêu trai trong phim. Họ đến thăm trường học của Bella, thăm bệnh viện Dr Cullen, đồn cảnh sát nơi bố Bella làm đồn trưởng...

Ngành Du lịch Thái Lan mỗi năm đạt doanh thu gần 10 tỷ USD, một phần nhờ tích cực quảng bá du lịch qua điện ảnh. Hằng năm, Thái Lan đón vài trăm đoàn làm phim nước ngoài đến để thực hiện các cảnh quay điện ảnh. Trước đây, quần đảo Phi Phi thuộc Phu-ket chỉ có khách du lịch ưa mạo hiểm tìm đến. Tuy nhiên, sau khi bộ phim "Nhiệm vụ bất khả thi" được quay tại đây, Phi Phi trở thành một điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua đối với du khách nước ngoài.

Ở Hàn Quốc, cảnh đẹp khó cưỡng của đảo Jeju, đảo Nami, Công viên Lotte World, bến phà Abai... từng xuất hiện trong các phim "Nàng Dae Jang Geum", "Nấc thang lên thiên đường", "Bản tình ca mùa đông", "Trái tim mùa thu"... Kết quả là du khách, đặc biệt là giới trẻ Châu Á, nườm nượp xếp hàng đợi chụp ảnh do bị hấp dẫn bởi những bộ phim này.

Điện ảnh đã góp công lớn vào doanh thu của ngành Du lịch như thế đấy!

Cần sự hợp tác chặt chẽ

Còn nhớ, các địa danh của TP Hồ Chí Minh như Bến cảng Nhà Rồng, khu phố người Hoa, Nhà thờ Đức Bà… đã xuất hiện trong bộ phim "Người tình" của điện ảnh Pháp. Nhà hát TP Hồ Chí Minh, phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội… từng được chọn làm bối cảnh chính trong phim "Người Mỹ trầm lặng" của điện ảnh Mỹ. Tuy nhiên, dù nhiều du khách biết "Người tình", "Người Mỹ trầm lặng" được quay ở Việt Nam, song, khi sang Việt Nam, đa số khách phải tự mày mò tìm đến những địa danh nói trên do không hề có sự chỉ dẫn hay quảng bá thông tin liên quan từ ngành Du lịch. Thậm chí chiếc cầu chữ U lâu đời mang vẻ đẹp Sài Gòn xưa, từng xuất hiện trong phim "Người tình", đã bị phá bỏ. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, ở các điểm từng được dùng làm bối cảnh phim, người ta dựng panô lớn để "khoe" ảnh diễn viên cùng lời chú thích thú vị để thu hút khách du lịch.

Theo các chuyên gia du lịch, chúng ta chưa biết cách tận dụng cơ hội truyền thông cho du lịch nhờ điện ảnh, đồng thời chưa biết mời gọi các nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam để quảng bá cho du lịch Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ qua bộ phim đậm màu sắc cổ tích "Pan và vùng đất Neverland" - tác phẩm của Hãng Warner Bros, được sản xuất với khoản kinh phí liên tới 150 triệu USD, được khởi chiếu trên toàn thế giới vào đầu tháng 10 này. Ở bộ phim này, lần đầu tiên, cả Ninh Bình, vịnh Hạ Long và Hang Én (Quảng Bình) xuất hiện cùng lúc trên màn ảnh. Tuy thế, điều đáng tiếc là rất ít khách quốc tế biết bộ phim này được quay ở Việt Nam vì ngành Du lịch đã không có kế hoạch quảng bá khi đoàn phim bắt đầu đặt chân đến đây.

Nhìn vào Thái Lan, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt ở điểm nói trên. Đất nước này lập một trang web để cung cấp mọi thông tin về thủ tục quay phim ở Thái Lan, tranh thủ mọi cơ hội có được tại các liên hoan phim quốc tế để giới thiệu, mời gọi các đoàn phim quốc tế vào Thái Lan. Tại Hàn Quốc cũng vậy, một đại diện của điện ảnh nước này chia sẻ kinh nghiệm rằng họ luôn tạo điều kiện cấp phép nhanh nhất, chỉ dẫn tận tình điểm đến thuận tiện cho việc quay phim, lưu giữ và bảo quản tốt các bối cảnh phim đáng giá sau khi đoàn phim ghi hình xong để đưa vào hoạt động quảng bá du lịch...

Trong cuộc họp báo sơ kết công tác ngành trong 9 tháng năm 2015, ông Nguyễn Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Du lịch thừa nhận rằng, mấy năm gần đây, ngành Du lịch đã bỏ lỡ nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam qua các dự án điện ảnh lớn. Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ có chương trình làm việc với Cục Điện ảnh nhằm lựa chọn những hình ảnh tiêu biểu của các điểm đến để giới thiệu cho các hãng phim quốc tế. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng nhấn mạnh, việc mời chào các nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam làm phim là một định hướng của ngành Du lịch trong thời gian tới.

Hy vọng rằng với quyết tâm của người đứng đầu ngành Du lịch, sự hợp tác giữa du lịch và điện ảnh sẽ chặt chẽ và ăn ý hơn, từ đó thúc đẩy ngành Du lịch phát triển.

Lâm Vũ