Chuyển biến việc cưới, việc tang ở Đông Anh
Xã hội - Ngày đăng : 07:42, 24/10/2015
Đông Anh trở thành một trong những huyện dẫn đầu của thành phố về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Những năm trước đây, việc cưới, việc tang ở Đông Anh còn tổ chức rườm rà, phô trương với nhiều hủ tục. Năm 2008, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 30 và UBND huyện ban hành Kế hoạch số 59 về thực hiện việc tang văn minh tiến bộ, gồm 4 nội dung: Giảm ăn uống linh đình, xóa bỏ hủ tục, quy hoạch nghĩa trang và vận động hỏa táng.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho biết: Để thực hiện hiệu quả nghị quyết của HĐND huyện, các đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn 200 buổi tọa đàm về thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ cho gần 17.000 lượt người; đã phát 75.000 tờ rơi đến từng hộ gia đình; tổ chức lấy hơn 50.000 lượt ý kiến. Tuy nhiên, để người dân thực sự tin và làm theo chủ trương của huyện, lãnh đạo huyện Đông Anh đã khuyến khích cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Tại xã Bắc Hồng, hai năm đầu thực hiện tang văn minh, toàn xã không có trường hợp nào hỏa táng. Đến khi người thân của một số cán bộ xã qua đời và chọn biện pháp hỏa táng, người dân thấy được cái hay, cái lợi nên mới thực hiện theo.
Ở xã Nam Hồng, trong khoảng 6 năm trở về trước, việc đưa người chết đi hỏa táng còn là điều xa lạ với người dân bởi họ cho rằng làm như thế là có tội với người đã mất. Chỉ đến khi cán bộ thôn, cán bộ xã hoặc những gia đình trí thức trong làng thực hiện hỏa táng cho người thân của họ khi qua đời thì bà con mới tin tưởng làm theo. Bí thư Đảng ủy xã Nam Hồng Tạ Xuân Hòa cho biết, khi các gia đình có người thân qua đời, xã cử cán bộ tư pháp xuống tận gia đình trao giấy báo tử; đồng thời trực tiếp liên hệ với Đài hóa thân Hoàn vũ, thống nhất xe đưa đón, ngày giờ đưa đi hỏa táng, gia đình chỉ việc cử người đi theo và mang hài cốt về chôn cất.
Sự quan tâm đặc biệt này đã giúp việc tang ở Nam Hồng chuyển biến hằng năm. Nếu như năm 2008, số ca đi hỏa táng mới đạt 48% thì đến nay đã là 80%, đặc biệt ở Thôn Vệ, tỷ lệ hỏa táng đạt 100%. Hiện nay, 100% đám tang trên địa bàn huyện không mời thuốc lá, không cử nhạc tang sau 23h. Việc làm cỗ mời khách ăn trong ngày tang, cúng tuần 49 ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng giảm 60-70%. Các hủ tục lạc hậu như lăn đường, khóc mướn, bắt tà, trừ ma, chèo đò... đã được xóa bỏ. Cùng với đó, huyện tiến hành quy hoạch đồng bộ hệ thống nghĩa trang cấp xã và cấp thôn, các ngôi mộ đã được quy định thống nhất về vị trí, kích cỡ, màu sắc, cải tạo hệ thống cổng, đường vào, tường rào và nhà quản trang, lắp đặt điện và trồng cây xanh...
Thực hiện tang văn minh trở thành nền nếp tại huyện Đông Anh sau khi HĐND và UBND huyện có nghị quyết và kế hoạch chuyên đề. Khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 04 về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015", việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện Đông Anh tiếp tục có những chuyển biến mới. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết: Để chỉ đạo một cách toàn diện, huyện Đông Anh đã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cụ thể, tập trung định hướng nhân dân xây dựng lối sống, nếp sống, hành vi ứng xử trong thực hiện nếp sống văn minh.
Về việc cưới, huyện vận động các gia đình làm không quá 40 mâm cỗ (mỗi mâm không quá 6 người), không mời khách dự tiệc trong giờ làm việc; tổ chức tiệc cưới ở một nơi trong một ngày; bắc rạp trong phạm vi đất thuộc sử dụng của gia đình; không mở loa đài trước 5h và sau 22h. Cùng với đó, Quy ước làng văn hóa được sửa đổi bổ sung và triển khai đồng bộ trên toàn huyện, tập trung vào thực hiện nếp sống văn minh việc cưới, việc tang, lễ hội. Cán bộ, đảng viên từ huyện đến xã gương mẫu đi đầu trong tổ chức đám tang, đám cưới; các đám hỏi không còn tình trạng thách cưới…
Quyết tâm của huyện Đông Anh trong việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã góp phần quan trọng để mỗi năm trên địa bàn huyện có trên 88% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, nhiều thôn làng, tổ dân phố được trao tặng danh hiệu văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh.