Điểm tựa từ những người thầy

Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 24/10/2015


Những người thầy không đứng trên bục giảng

Như một quy luật, thế hệ trước trao truyền, thế hệ sau đón nhận. Các thế hệ làm Báo Hànộimới cũng vậy, không biết bao nhiêu người viết đi sau đã trưởng thành nhờ sự dìu dắt, sẻ chia của người đi trước. Và bởi vậy, thế hệ đi trước, dù không đứng trên bục giảng ngày nào thì với lớp phóng viên đi sau, họ vẫn là thầy. Năm 2002 đánh dấu đợt tuyển dụng lớn của Hànộimới nhằm bổ sung lực lượng cho thế hệ nhà báo đã lăn lộn với tờ báo trong những tháng năm gian khó và nhiều biến động của Thủ đô cũng như cả nước. Hơn 10 năm qua, từ thuở ban đầu bỡ ngỡ, lớp phóng viên ngày ấy nay đã trưởng thành và cũng như những thế hệ năm xưa, họ lại tiếp nối hành trình đi, viết, làm dày thêm truyền thống đáng tự hào của một cơ quan báo Đảng Thủ đô.

Các cựu chiến binh, nhà báo là những thế hệ đi trước đã góp phần xây dựng thương hiệu Hànộimới


Lần đầu tiên tôi nhận bài của thầy tôi (một nhà báo kỳ cựu và là lãnh đạo ban, nay đã nghỉ hưu) gửi như một cộng tác viên đặc biệt. Tôi đọc bài của thầy tôi ở cương vị người biên tập, không thấy "oai" mà chỉ thấy không dừng được nỗi nghẹn ngào, xúc động. Bởi khi tôi "được" biên tập bài của thầy tôi nghĩa là thầy không còn trẻ nữa và thế hệ chúng tôi cũng bắt đầu... già. Nghĩa là không chỉ phía sau thầy tôi mà cả phía sau chúng tôi đã là dằng dặc những trang viết với nhiều kỷ niệm vui, buồn, có khi thành công, có khi sơ sảy, có những điều đã kín kẽ, đằm sâu và có thể cũng còn những điều chưa thật trọn vẹn với trọng trách của người làm nghề... Khi ấy, mờ nhòe trong tôi là hình ảnh nét bút biên tập của thầy từ cái thời Hànộimới cũng như nhiều tờ báo khác chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin. Bây giờ thì máy tính đã hỗ trợ đắc lực cho nhà báo và đặc biệt là mô hình tòa soạn điện tử được áp dụng, đặt người làm Báo Hànộimới trước những cơ hội mới và cũng là những thách thức mới.

Lại nhớ các cây bút của báo nhà năm xưa từng tác nghiệp trong những điều kiện thiếu thốn ngay từ trang giấy, cây bút, từ những chuyến đi thực tế trong đạn bom, khó nhọc, phương tiện hạn chế khi tác nghiệp, gửi tin bài... Từ đây, không thể lãng quên những dấu mốc quan trọng, gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành của báo: "Ngày 24-10-1957, Báo Thủ đô ra số đầu tiên. Báo in một màu, sáng sủa, chững chạc, khổ đầu tiên là 30x40cm..."; "Đầu năm 1968, bước ngoặt trong lịch sử báo chí Hà Nội là quyết định hợp nhất Thời Mới và Thủ đô Hà Nội thành tờ Báo Hànộimới đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội"... Cũng không thể không nhắc đến những bước đi đổi mới quan trọng của tờ báo sau này, từ một tờ báo giấy hằng ngày in đen trắng thành cơ quan báo đa phương tiện với 4 ấn phẩm là Hànộimới hằng ngày, Hànộimới Cuối tuần, Hà Nội Ngày nay, Hànộimới điện tử. Một cơ quan báo Đảng địa phương đầu tiên được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.

Từ ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, Hànộimới được sự cộng hưởng từ chặng đường hơn 40 năm xây dựng và phát triển của Báo Hà Tây (thành lập năm 1965). Lại có thêm kỷ niệm về những người thầy dù không đứng trên bục giảng, những nhà báo truyền nghề bằng nhiệt huyết, hết lòng trân trọng lớp sau.

58 năm, cộng lại những trang viết của các nhà báo nhiều thế hệ thì đã ra một phần lịch sử của Hànộimới, cũng là một phần lịch sử Thủ đô và đất nước suốt gần 6 thập niên qua.

Gương mặt văn hóa

Lịch sử Hànộimới ghi nhận sự đóng góp to lớn của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên như các nhà báo Đinh Nho Khôi, Dương Ngà, Nguyễn Hồng Lĩnh, Hồ Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Trình, Tạ Việt Anh, Hồ Quang Lợi... và thế hệ cán bộ, lãnh đạo Báo Hà Tây như các nhà báo: Lê Chúc, Đỗ Thế Gia, Nguyễn Đắc Hữu, Doãn Hảo, Nguyễn Xuân Hưng, Kiều Ngọc Kim... Còn rất nhiều nhà báo được xem là "thế hệ mở đường" mà sau này nhà báo Nguyễn Triều - cũng là một cây bút ghi dấu ấn đậm nét trong hành trình của Hànộimới - đã đúc kết nhận định về phẩm chất thấy rõ ở họ: "Nghiêm túc, cẩn trọng, trung thực, kiến thức sâu rộng, tôn trọng đồng nghiệp, độ lượng với lớp trẻ". Những cái tên như Yên Thao, Phấn Đấu... qua lời kể của các nhà báo hôm nay, bỗng hóa ra gần gũi.

Còn nhớ, dịp nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2015 vừa qua, nhà báo Trần Chiến (nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội) có nói, đại ý giải thưởng dành cho hai cuốn sách của ông là kết quả của quá trình sống, yêu đương, trải nghiệm, góp nhặt của người làm báo Thủ đô. Nghĩa là tờ báo này đã cho ông cơ hội trải nghiệm trọn vẹn hơn về Hà Nội. Chính từ những trang viết phần nhiều phải "cô đặc" trên trang báo, ông tiếp tục cuộc lãng du với Hà Nội bằng những trang viết dài hơi. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, một cây bút kỳ cựu của Hànộimới, cũng từng được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - kết quả của những cuộc kiếm tìm không ngừng nghỉ về đất và người Thủ đô, về lịch sử, văn hóa ở thành phố ta đang sống...

Lại ngược về lịch sử, năm 1991, trong số báo 100 ra ngày 10-2, Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn nêu quan điểm: "Tìm được hướng đi về nội dung, xác định lấy phong cách, xây dựng dần bản sắc - đó là một cuộc phấn đấu cật lực". Thấy rõ trong chặng đường lịch sử, các thế hệ người làm Báo Hànộimới đã một lòng với phương châm hành động "phải luôn ý thức tạo cho mình một gương mặt văn hóa thực sự". Những người thầy đi trước đã cùng nhau góp sức định hình phong cách làm nghề, phong cách của tờ báo Đảng Thủ đô Hà Nội và trao lại di sản đó cho thế hệ sau.

Báo chí - người chép sử thời đại, đã đành là tính thời sự, nhưng khi mỗi trang viết là một lần trăn trở, bởi trách nhiệm trước thời cuộc thì dù thời gian đã lùi xa, sự kiện trở thành quá khứ, chúng vẫn cứ là ký ức đẹp còn được bạn đọc, đồng nghiệp ghi nhớ mãi. "Những gương mặt văn hóa" lớp trước luôn để lại bài học làm nghề, làm người, là điểm tựa vững vàng cho thế hệ sau bước tiếp.

Thi Thi