Vòi rồng cao hơn trăm mét trên biển Vũng Tàu

Đời sống - Ngày đăng : 19:56, 23/10/2015

Sáng 23/10, anh Nguyễn Thành Trung (ngụ TP Vũng Tàu) cùng bạn bè đang tắm biển thì bầu trời tối sầm, mây đen ùn ùn kéo đến. Phía ngoài biển mưa lất phất, sau đó xuất hiện vệt đen thẳng đứng. Vài phút sau, vệt đen lớn dần, anh Trung và mọi người mới biết là vòi rồng.

Sáng 23/10, anh Nguyễn Thành Trung (ngụ TP Vũng Tàu) cùng bạn bè đang tắm biển thì bầu trời tối sầm, mây đen ùn ùn kéo đến. Phía ngoài biển mưa lất phất, sau đó xuất hiện vệt đen thẳng đứng. Vài phút sau, vệt đen lớn dần, anh Trung và mọi người mới biết là vòi rồng.

"Lúc đó gió và sóng biển rất dữ dội. Vòi rồng di chuyển ngày càng gần khiến nhiều người lo ngại sẽ tiến vào bờ. Nó liên tục quần thảo dữ dội, hút nước biển lên cao hàng trăm mét tạo thành cơn mưa rào", anh Trung kể. Sau 30 phút, vòi rồng tan biến trên biển, không đi vào đất liền.

Hồi tháng 5, vòi rồng cũng xuất hiện trên vùng biển Long Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hơn hai tháng trước, hiện tượng này cũng xuất hiện ở Hải Phòng và Kiên Giang.



Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, vòi rồng xuất hiện từ những ổ mây giông rất mạnh ở trên cao, nên ở đâu có dông dữ dội là ở đó có thể có hiện tượng này. Vòi rồng xuất phát từ chân đám mây theo hình trôn ốc rồi hạ thấp xuống đất liền hoặc trên biển.

Hiện tượng này thường xuất hiện vào đầu và trong mùa mưa. Miền Nam có nhiều mưa giông nên vòi rồng nhiều hơn miền Bắc. Những vùng biển thường xuất hiện là Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt nhiều là vùng biển Rạch Giá - Kiên Giang - Thổ Chu, có khi 4 vòi rồng xuất hiện một lúc. Tuy nhiên, vòi rồng ở Việt Nam thường không quá mạnh.

Cũng theo bà Lan, vòi rồng rất nguy hiểm vì đi thành vệt kéo dài khoảng vài chục đến vài trăm mét. Đường đi của nó y như một cơn bão nhưng phạm vi nhỏ hơn (khoảng 1/1000). Khi hiện tượng này xuất hiện trên biển thường có sóng cao, gió giật, tàu bè có thể bị cuốn vào, đẩy ra xa.

"Hiện tượng này xảy ra rất nhanh nên khó phòng tránh. Ngay cả dự báo cũng rất khó mà chỉ có thể cảnh báo. Trong những trường hợp khẩn cấp, người trên tàu bè chỉ có thể nhảy xuống nước để thoát thân", bà Lan cho biết.

Theo Vnexpress