“Nút thắt” tái cơ cấu ngân hàng

Tài chính - Ngày đăng : 14:20, 23/10/2015

(HNMO) - Sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đến nay cơ bản việc tái cơ cấu được triển khai theo đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình đề ra. Tuy nhiên, công cuộc tái cơ cấu này  vẫn còn nhiều “nút thắt”.


Tại đây, những thành công sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu (TCC) các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được chỉ ra. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, quá trình TCC vẫn còn những tồn tại cần giải quyết.

Ngân hàng phải “trả giá” cho những sai lầm

Mở đầu cuộc hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, phải nhìn lại quá trình TCC các TCTD mới thấy TCC khó khăn như nào, đồng thời cũng cho thấy không thể TCC theo kiểu “đánh cờ một nước”, “rối đâu gỡ đấy”, “đau đâu tiêm đấy”.

PGS.TS Trần Đình Thiên nói như vậy bởi ngân hàng không phải chỉ xử lý vấn đề riêng của từng ngân hàng và của hệ thống mà còn phải góp phần tháo gỡ các vấn đề chung như vực dậy hàng nghìn, hàng chục nghìn doanh nghiệp yếu kém và dự án có vấn đề. “Thêm vào đó, hệ thống ngân hàng phải xử lý các vấn đề của mình trong bối cảnh, tình thế chung của nền kinh tế với nhiều doanh nghiệp phá sản, sa sút, ngân sách thiếu hụt…”, PGS.TS Thiên  nhấn mạnh.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Không thể tái cơ cấu ngân hàng theo kiểu “đau đâu tiêm đấy""


Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng thừa nhận, những năm vừa qua, nền kinh tế và hệ thống ngân hàng phải “trả giá” cho những sai lầm, những yếu kém, non nớt của giai đoạn trước để lại. Đó là hậu quả của giai đoạn phát triển “nóng” của hệ thống ngân hàng, trong nhiều trường hợp có nguyên nhân từ việc đánh giá không đúng mức những rủi ro tiềm năng trong quá trình tạo lập và phát triển hệ thống. Đó còn là hậu quả mà hệ thống ngân hàng phải gánh do cách tăng trưởng của nền kinh tế trong thời kỳ trước, cũng là cách tăng trưởng dễ dãi, dựa nhiều vào nguồn cung vốn dễ và cách kinh doanh nặng tính đầu cơ, chộp giật của nhiều doanh nghiệp. Vay dễ, phục vụ “phong trào” đầu cơ bất động sản và chứng khoán, tạo nên các “bong bóng”. “Di sản” trực tiếp để lại cho hệ thống ngân hàng là khối lượng nợ xấu lớn, “cục máu đông” rất khó tan của “cơ thể” kinh tế được cấu trúc chủ yếu từ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, rất non trẻ và yếu kém.

Tại hội thảo, ông Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng và Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, đã chỉ ra 4 nét nổi bật của quá trình TCC các CTD giai đoạn 2011-2015.

Thứ nhất, giải quyết kịp thời vấn đề thiếu thanh khoản của hệ thống. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, lạm phát phi mã, vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trở nên nghiêm trọng khi lãi suất liên ngân hàng có lúc đã lên đến 30% và đẩy lãi suất huy động lên đến 18-20% vào thời điểm cuối năm 2011 đầu năm 2012, vượt xa mức trần mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra. Nhiều ngân hàng gần như rơi vào tình trạng mất thanh khoản, có nguy cơ đổ vỡ, đe doạ sự an toàn và ổn định của hệ thống.

Việc hỗ trợ thanh khoản thông qua hoạt động thị trường mở, một mặt đã giúp cải thiện tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng, khai thông ách tắc của thị trường liên ngân hàng, nhưng mặt khác lại không gây ra sức ép lạm phát do những biện pháp hút tiền về đúng kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nhờ vậy, tình trạng thanh khoản của các tổ chức trong hệ thống đã được cải thiện, trở nên ổn định và khá dồi dào từ giữa năm 2012.

Thứ hai, sáng tạo và kiên quyết trong xử lý các TCTD yếu kém đảm bảo an toàn hệ thống. Các tổ chức có quy mô lớn hơn và có tình hình tài chính tốt đã tham gia vào việc tái cấu trúc các TCTD nhỏ hơn. Trong đó, đáng chú ý là việc khuyến khích thực hiện giải pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại giữa các TCTD, lành mạnh hoá tài chính, tăng quy mô và chất lượng vốn tự có.

Thứ ba, tạo được nền tảng và trụ cột cho phát triển bền vững hệ thống ngân hàng thông qua cơ cấu toàn diện các TCTD hoạt động bình thường. Các ngân hàng TMCP hoạt động bình thương cũng tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động; giản dần và hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như cho vay đầu tư, chứng khoán, bất động sản.

"Nút thắt"

Thứ tư, sáng tạo và thành công trong xử lý nợ xấu với các biện pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Về việc xử lý nợ xấu, trước một số ý kiến cho rằng việc bán nợ xấu cho VAMC chỉ là biện pháp kỹ thuật chứ chưa thực sự giải quyết được vấn đề, ông Đặng Ngọc Đức cho rằng ý kiến đó không sai “nhưng quan điểm của chúng tôi cho rằng làm như vậy đã là sự cố gắng lớn, không có bước đi ban đầu mang tính lộ trình thì rất khó xử lý nợ xấu, dẫu biết rằng nợ xấu chỉ có thể được xử lý triệt để khi bán ra thị trường, bán cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài".

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, việc TCC các TCTD bên cạnh thành công còn tồn tại một số vấn đề nổi bật như: Xử lý nợ xấu và sở hữu chéo chưa triệt để; chưa có sự đồng bộ về tái cơ cấu TCTD và tái cơ cấu kinh tế, chưa được gắn với TCC đầu tư công; cơ sở pháp lý cho TCC các TCTD và sở hữu chéo chưa đầy đủ, đồng bộ.

Để xử lý các “nút thắt” trên,  các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp TCC hệ thống các TCTD triển khai các biện pháp miễn, giảm thếu, phí liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay của TCTD được cơ cấu lại như: Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các TCTD sau khi thực hiện mua lại, sáp nhập, hợp nhất; miễn, giảm thuế, phí hợp lý đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp xử lý các “nút thắt” về tài sản đảm bảo, hỗ trợ các TCTD đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả xử lý tài sản đảm bảo phù hợp với các điều khoản thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống.

Việc xem xét tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước để tăng năng lực tài chính của các ngân hàng này, bảo đảm đủ mức vốn tự có theo tiêu chuẩn an toàn vốn khi hội nhập cũng cần được lưu ý.

Cuối cùng là cần có sự phối hợp đồng bộ giữa TCC các TCTD với TCC các doanh nghiệp Nhà nước, TCC đầu tư công, TCC nông nghiệp.

Sau chặng đường  hơn 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (giai đoạn 2011-2015) và đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam, đến nay, về cơ bản việc tái cơ cấu đang được triển khai theo đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình đề ra và đã đạt được một số kết quả đáng kể.

Trước TCC, tỷ lệ nợ xấu khoảng 17% (tháng 9/2012) thì đến 8/2015 nợ xấu ngân hàng còn 3,21%; ước tính đến ngày 30/9/2015, tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 3%.

Một trong những biện pháp cơ bản của tái cơ cấu là sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng trên nguyên tắc tự nguyện. Cho đến nay đã có 9 tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất vào TCTD khác; 4 TCTD được mua lại.

TCC các TCTD không dừng ở vấn đề xử lý TCTD yếu kém mà còn xử lý tình trạng đầu tư, sở hữu chéo. Nhờ đó, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp trong năm 2012 xuống chỉ còn 3 cặp hiện nay.


Thanh Hương