Giảm tần suất xe buýt, phạt nghiêm nhà thầu thi công ì ạch

Giao thông - Ngày đăng : 06:30, 23/10/2015

(HNM) - Đại diện Công an thành phố Hà Nội nhận định, áp lực giao thông trong những tháng cuối năm sẽ còn diễn biến phức tạp.

Diễn biến phức tạp

Trong gần hai tháng qua, các cơ quan chức năng của thành phố đã triển khai hàng loạt biện pháp đồng bộ, từ đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông; hạn chế xe taxi hoạt động giờ cao điểm; điều chỉnh tín hiệu đèn, tăng cường lực lượng tại các nút giao trọng điểm giờ cao điểm, chấn chỉnh các đơn vị thi công dự án… Đặc biệt, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố cho rằng, sau khi huy động 100% cảnh sát giao thông (CSGT), cùng cảnh sát cơ động, công an các quận, huyện, thị xã, dân phòng phối hợp bảo đảm giao thông giờ cao điểm trên 16 tuyến trọng điểm, từ ngày 19-10, tình hình giao thông ở các "điểm nóng" đã có chuyển biến, ùn tắc giảm, đường đã thông hơn.

Ùn tắc giao thông ở tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) diễn biến phức tạp. Ảnh: Nhật Nam


Tuy nhiên, đại diện Công an thành phố nhận định, áp lực giao thông trong những tháng cuối năm sẽ còn diễn biến phức tạp. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 11 dự án, trong đó 23 điểm rào chắn có nguy cơ gây UTGT. Đặc biệt, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông; tuyến Nhổn - Ga Hà Nội thường xuyên xảy ra UTGT. Trong khi đó, việc tổ chức giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Sở GT-VT Hà Nội cần phải tính toán, phân tuyến để các phương tiện ô tô đi đường vòng, đặc biệt là xe buýt, để giảm ùn ứ.

Liên quan đến hoạt động của xe buýt, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, đang nghiên cứu giảm một số chuyến xe buýt chạy qua khu vực đường có rào chắn vào giờ cao điểm. Cụ thể, trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú hiện có 9 tuyến xe buýt chạy. Dự kiến sẽ điều chỉnh tần suất của 5 tuyến (02; 21; 27; 22; 39) không đi qua trục đường Nguyễn Trãi. Tuyến đường Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy có 12 tuyến xe buýt chạy. Dự kiến điều chỉnh 5 tuyến (16A; 16B; 27; 34; 49) không đi qua trục Xuân Thủy - Cầu Giấy. Xe buýt chạy qua các tuyến này sẽ lưu thông qua đường Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông. Trên tuyến đường Nguyễn Trãi, xe buýt đang vận chuyển khoảng 70 lượt/giờ, đường Cầu Giấy xe buýt vận chuyển khoảng 60 lượt/giờ. Nếu điều chỉnh, trên đường Nguyễn Trãi sẽ giảm xuống còn 30 lượt/giờ; đường Cầu Giấy giảm 30 lượt/giờ. Tuy nhiên, việc giảm xe buýt vào giờ cao điểm không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu đi lại của hành khách.

Cam kết thi công rồi... để đấy


Qua kiểm tra 2 dự án đường sắt đô thị đang thi công là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội, lực lượng chức năng đã lập 4 biên bản vi phạm, xử phạt 79 triệu đồng. Tại hai dự án hầm chui nút giao Thanh Xuân và nút giao Trung Hòa cũng lập 2 biên bản vi phạm, xử phạt 29 triệu đồng. Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội cho biết, mặc dù đã kiểm tra, chấn chỉnh, song một số nhà thầu vẫn rất ì ạch. Tại tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, nhà thầu Dealim đã được cấp phép thi công từ ngày 23-7 và đã rào chắn lòng đường nhưng tiến độ thi công rất chậm, nhiều thời điểm không tổ chức thi công. Tại khu vực thi công Ga La Thành, Thanh tra Sở đã lập 2 biên bản vi phạm (gần nhất là ngày 21-10) nhưng tiến độ thi công dường như không có tiến triển, đơn vị thi công cứ cam kết rồi… để đấy.

Cũng liên quan đến các dự án giao thông, Đại tá Đào Vịnh Thắng chỉ rõ: Tại 23 điểm có công trường, đơn vị thi công không cử người phân luồng hướng dẫn giao thông, trong khi luật quy định chủ đầu tư, nhà thầu phải chịu trách nhiệm bảo đảm ATGT khu vực công trường của mình. Thậm chí, tại điểm trước cổng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thuộc dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, gần như không thi công. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, lập biên bản nhưng không có người của nhà thầu ký. Sở GT-VT Hà Nội phải thường xuyên kiểm tra rào chắn, xử lý các đơn vị không chấp hành quy định an toàn; yêu cầu phải bố trí công nhân đứng cảnh báo ở hai bên đầu công trường trong lúc thi công; nghiên cứu rào chắn di động, khi nào công trường thi công thì rào lại, khi nào không thi công thì di chuyển vào trong và tháo rào, trả lại lòng đường cho người dân đi lại.

Tại cuộc họp, đại diện đơn vị chủ đầu tư các dự án đường sắt đô thị khẳng định sẽ chấn chỉnh đơn vị thi công, đồng thời cũng đề nghị lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát nếu phát hiện vi phạm xử lý thật nghiêm. Bản thân chủ đầu tư và nhà thầu cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án nhằm giảm phiền hà tới việc đi lại của nhân dân.

Hiện trên địa bàn thành phố có 8 tuyến đường chính thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm, gồm: Tuyến Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng; Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông); Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu; Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng; tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy; đường từ cầu Vĩnh Tuy đến dốc Vĩnh Hưng; đường gầm cầu Thăng Long; đường Giải Phóng.

Lương Ninh Giang