Định hình liên minh Nga - Syria

Thế giới - Ngày đăng : 06:24, 23/10/2015

(HNM) - Trong một động thái hiếm có nhằm thể hiện sự gắn bó với Nga sau quyết định can thiệp quân sự vào Syria, Tổng thống Bashar al-Assad đã đến Mátxcơva và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Syria, Tổng thống V.Putin khẳng định: Nga sẵn sàng các hành động quân sự chống khủng bố và tiếp tục ủng hộ về chính trị đối với Damascus. Đáp lại, ông B.Assad cho rằng, nếu không có sự ủng hộ kịp thời của Nga, chủ nghĩa khủng bố sẽ ngày càng lớn mạnh và "nuốt chửng" đất đai của Syria. Hai nhà lãnh đạo đã tiến hành các cuộc hội đàm diện hẹp và mở rộng với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao Nga. Những động thái này cho thấy, Syria hoàn toàn tin tưởng vào Nga như con đường duy nhất có thể giúp quốc gia Trung Đông này thoát khỏi khủng hoảng.

Tổng thống Nga V.Putin tiếp đón Tổng thống Syria B.Al-Assad tại Mátxcơva.



Chuyến thăm được truyền thông phương Tây nhìn nhận như một sự trở lại trạng thái tự tin của Tổng thống Syria sau nhiều năm bị vây hãm cũng như đánh dấu sự thắt chặt quan hệ Nga - Syria. Việc ông B.Assad lựa chọn Mátxcơva là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên kể từ sau khi bùng nổ nội chiến thay vì Iran, có thể được xem là dấu hiệu cho thấy đối với Damascus hiện nay, Nga là đồng minh quan trọng nhất. Bởi lẽ, chuyến thăm Nga dù là chớp nhoáng nhưng "đã bảo đảm tương lai chính trị" cho ông B.Assad ở Syria, cũng như chứng minh một thực tế: Nga đang lấy lại vai trò trung tâm ở Trung Đông. Tổng thống V.Putin muốn có chuyến thăm Mátxcơva của ông B.Assad để chứng tỏ tiềm năng dàn xếp một giải pháp chính trị và quân sự cho cuộc nội chiến Syria; đồng thời, có thể chấm dứt được cuộc khủng hoảng nhập cư ở Châu Âu. Quan trọng hơn, Nga muốn nhấn mạnh hơn nữa vai trò của B.Assad trong các giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

Không thể phủ nhận, sự hỗ trợ của nước Nga đã giúp ông B.Assad củng cố vị thế đáng kể trong mắt giới chính trị phương Tây. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rằng, trong các cuộc đàm phán về việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria nên có sự tham gia của Tổng thống B.Assad. Điều này có thể báo hiệu về một sự thay đổi lập trường của Chính phủ Đức - quốc gia trước đó từng mạnh mẽ yêu cầu nhà lãnh đạo Syria phải từ chức. Dường như sự thất vọng với phe đối lập bị chia rẽ từ lâu với Syria nói chung cũng như làn sóng người nhập cư tràn vào Lục địa già đã khiến các nhà ngoại giao phương Tây phải làm dịu sự thù địch của họ đối với chế độ của chính quyền B.Assad. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây cũng cho biết trong một giải pháp được thương lượng, việc ra đi của nhà lãnh đạo Syria không nhất thiết phải diễn ra "vào một ngày của một tháng nào đó".

Trong những năm gần đây, Nga tích cực bảo vệ quyền hợp pháp của Tổng thống B.Assad tại Syria. Và đến thời điểm này, lần đầu tiên trong 5 năm nội chiến ở Syria, tổng thống của hai nước đã có một cuộc gặp riêng. Điều này khẳng định sự sẵn sàng tương tác trực tiếp giữa hai đối tác. Không nghi ngờ gì, chuyến thăm Mátxcơva của ông B.Assad cho thấy sự mở rộng hợp tác với Nga, một lực lượng có vai trò chủ chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria ngày nay và trong tương lai. Sự có mặt của ông B.Assad tại Mátxcơva cũng cho thấy Điện Kremlin không giấu giếm việc củng cố vị thế của chính quyền tổng thống đương nhiệm Syria. Nó cũng đánh dấu một giai đoạn mới trong chính sách của Nga tại quốc gia Trung Đông sau khi đã triển khai chiến dịch không kích IS khá thành công và dự báo sẽ có một số thay đổi trong cuộc chiến sắp tới. Nếu Nga đạt được mục đích của mình và tạo ra một giải pháp chấm dứt chiến tranh từ những thắng lợi trên chiến trường, như thế có nghĩa sẽ có được tầm ảnh hưởng lớn hơn tại Trung Đông. Có điều, thực tế đó thách thức trực tiếp vai trò của Mỹ tại khu vực chiến lược này.

Thùy Dương