Thủ khoa 9X xinh đẹp của Đại học Phòng cháy Chữa cháy

Xã hội - Ngày đăng : 14:14, 22/10/2015

Thùy Linh cho biết, chế độ tập luyện của các nữ chiến sĩ PCCC không “dễ thở” chút nào. Cô phải thực hành trên thao trường nắng gắt và sẵn sàng nhận lệnh không quản ngày đêm.

Thùy Linh (sinh năm 1995, Ninh Bình) trở thành nữ chiến sĩ PCCC một cách tình cờ. Ngày nhỏ, cô từng chứng kiến hình ảnh những anh lính dập lửa cứu dân, từ đó 9X mơ ước một ngày nào đó mình sẽ được làm công việc này.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Linh quyết tâm thi vào ngôi trường mà mình yêu thích. Trong đợt tuyển sinh năm 2013, cô trúng tuyển hệ trung cấp trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy Hà Nội với số điểm cao.

Ngày đầu bước vào ngôi trường mơ ước từ nhỏ, cô gái sinh năm 1995 không tránh khỏi bỡ ngỡ. Linh gặp nhiều khó khăn khi phải sống trong môi trường tập thể với những kỷ luật chặt chẽ đến hà khắc.

“Mọi thói quen sinh hoạt của mình bị đảo lộn hoàn toàn từ bữa ăn đến giấc ngủ. Chúng mình phải đi ngủ vào lúc 10h30 và thức dậy vào 5h sáng. Ban đầu mình không quen lắm nên thường bị phạt sau đó mọi thứ trở nên ổn định hơn”, cô nói.

Thùy Linh vinh hạnh được đứng trong hàng ngũ người chiến sĩ công an nhân dân Việt Nam. Ảnh: NVCC

Những ngày đầu nhập học, cô khóc rất nhiều vì nhớ nhà và bị sốc trước chế độ tập luyện gian khổ.


Thùy Linh cho biết, dù là nữ nhi nhưng lịch tập luyện của các nữ chiến sĩ PCCC không hề “dễ thở” chút nào. 9X ngán nhất là những bài tập chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

“Chúng mình phải vác cuộn vòi dài nặng chạy vòng quanh sân trường 3 - 4 vòng. Sau đó vượt qua những bức tường cao đến 2 m, thực hiện công tác chữa cháy. Việc điều khiển lăng (vòi rồng chữa cháy) cũng là thử thách khá lớn đối với con gái chúng mình, nếu không ghì chặt tay và đứng đúng tư thế thì sẽ khó kiểm soát được nguồn nước”.


Thùy Linh (ngoài cùng bên trái) và các nữ chiến sĩ PCCC tương lai. Ảnh: NVCC

Khi đã tiếp cận được đám cháy thì công việc quan trọng nhất là đưa người dân thoát khỏi vùng nguy hiểm. Để làm được điều này, mỗi học viên cần rèn luyện thể lực, có được sức khỏe dẻo dai nhất.


“Lính PCCC luôn có một sợi dây để cứu người trong lúc nguy kịch nhất. Với những kỹ năng được học tại trường, việc leo dây xuống mặt đất từ những tòa nhà 4 - 5 tầng là điều dễ dàng”, cô nói.

Hầu hết các nữ học viên trường Đại học PCCC thừa nhận công việc luyện tập ngoài thao trường đầy nắng, gió khiến làn da của họ đen xạm. Tuy nhiên, vì đam mê gắn bó với nghề họ vẫn quyết tâm vượt qua.

Thùy Linh chia sẻ: “Thầy giáo của mình vẫn thường trêu đùa rằng: Đen và đẹp lạ như nữ PCCC mà có người yêu thì đó mới là người thật lòng đáng quý. Đây cũng là câu nói mà chúng mình thường dùng để tự an ủi lẫn nhau sau mỗi giờ luyện tập ngoài thao trường”.

Ngoài các bài học cứu hộ cứu nạn, các nữ học viên trường Đại học PCCC còn được trang bị những kiến thức nền để thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân về phòng chống cháy nổ. Đây là việc làm cần thiết giúp người dân trang bị thêm kiến thức quan trọng, đảm bảo an toàn cho cá nhân, gia đình và xã hội.
Theo Thùy Linh đức tính quan trọng nhất để thành công với nghề này là siêng năng và dũng cảm đối mặt trước mọi khó khăn nguy hiểm.

Bí quyết trở thành thủ khoa PCCC

Gắn bó với ngành học nhiều vất vả nhưng cô gái sinh năm 1995 đã trở thành thủ khoa đầu ra của ngành. Đồng thời, 9X cũng là gương mặt tiêu biểu được đứng trong đội ngũ Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam khi mới 20 tuổi.

Chia sẻ về bí quyết học tập, cô cho biết, kiến thức nền tảng ở những năm đầu rất quan trọng, khi nắm vững được khối lượng bài vở này thì những năm tiếp theo, việc học sẽ đi vào khuôn khổ và dễ dàng hơn. Ngoài ra, để đánh giá một học viên đạt thành tích tốt, ngoài kiến thức sách vở những bài thực hành, chương trình ngoại khóa cũng rất quan trọng.

Trong quá trình học tập, Linh thích nhất môn tuyên truyền phòng cháy chữa cháy bởi môn học này mang tính ứng dụng cao, có thể hữu ích cho người dân. 9X cho biết phương pháp để có được một buổi tuyên truyền thuyết phục đó là nắm vững kiến thức nền và cách nói chuyện phải vui tươi, dí dỏm.

Ngoài các môn sở trường cô gái sinh năm 1995 cho biết: “Mình sợ nhất những môn liên quan đến võ thuật. Có lần đấu võ tình huống 1 đánh 4, mình cùng các bạn trong phòng tập luyện đến mức bầm tím cả tay chân. Rất may, đến ngày thi mình đã hoàn thành bài với số điểm 7,5”.

Trong hội thi Chỉ huy trung đội giỏi của trường, Thùy Linh trở thành nữ chỉ huy đầu tiên trong lịch sử của trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy (Hà Nội).

Theo An Viên/Zing.vn