Đừng biến đi nghiên cứu thành du lịch để nhà nước trả tiền!

Chính trị - Ngày đăng : 12:39, 22/10/2015

(HNMO)- Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng Quốc hội phải quyết liệt về tiết giảm chi tiêu thường xuyên cũng như mạnh dạn cắt nhiều khoản để có tiền tăng lương.

ĐB Trần Du Lịch đóng góp nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn tại buổi thảo luận


Bước sang ngày làm việc thứ ba, các đại biểu thảo luân ở tổ về 4 nội dung lớn, trong đó có kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

"Hội họp nhiều, chúng tôi còn sợ tốn thời gian"

Đó là chia sẻ của ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến khi đóng góp ý kiến về việc giảm chi thường xuyên, dồn ngân sách để tăng lương và đầu tư trọng điểm.

"Tôi hoàn toàn đồng tình về việc giảm các chi về hội họp, đi nước ngoài, lễ lạt không cần thiết. Chúng tôi sợ tốn thời gian, chưa nói là tiền bạc. Có bao nhiêu là lễ mà không biết "trốn" đi đằng nào vì giấy mời nhiều, các đơn vị tổ chức nhiều. Vấn đề này cần phải đưa vào nghị định, nghị quyết".

Trước đó, ĐB Trần Du Lịch đã thẳng thắn cho rằng muốn tăng lương thì phải tiết giảm chi tiêu và nêu ra hàng loạt các nội dung phải "cắt hết" như tiếp khách, giao lưu học tập, nghiên cứu kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, kỷ niệm, đi nước ngoài... "Chúng ta đừng biến đi nghiên cứu thành đi du lịch để nhà nước trả tiền... Đọc báo suốt ngày đủ loại kỷ niệm thì làm sao có tiền được, là tiền ngân sách hết. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội bàn thẳng vào phải cắt cái gì trong năm 2016 để giải quyết tiền lương" - ĐB nói. 

ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến


ĐB Nguyễn Văn Minh mong muốn Chính phủ giải trình rõ hơn nguyên nhân không thể tăng lương vào năm 2016 bởi chưa đồng tình với kế luận hiện nay là do khó khăn về ngân sách. Theo ông, cần thiêt giảm một số cụm chi khác để bảo đảm tăng lương theo đúng lộ trình

Đi vay đồng tiền "đực" không đẻ được

Đó là ví von của ĐB Trần Du Lịch khi phân tích vấn đề đáng lo nhất của ngân sách hiện nay là sau hàng chục năm đi vay nhưng cuối cùng thu chỉ đủ chi thường xuyên. "Chúng ta đi vay đồng tiền 'đực', không đẻ được trong khi đồng tiền 'cái' mới tạo giá trị. Tôi cho đó là vấn đề lớn nhất"

Theo báo cáo của Chính phủ, đến tháng 9/2015, nợ xấu còn 2,9% (tháng 9/2012 là 17,43%) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng . Tuy nhiên, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nếu đưa số nợ xấu về "chôn lấp" tại Công ty quản lý tài sản (VAMC) thì không thể khẳng định là tỷ lệ nợ xấu giảm. Do đó, ĐB  đề nghị Chính phủ giải trình lại về nội dung này. Về nợ công, theo ĐB cần quan tâm đến khả năng trả nợ và đánh giá hiệu quả sử dụng nợ công - "Hiện nay nợ công chủ yếu cho đầu tư công. Điều đó yêu cầu các dự án đầu tư công phải bảo đảm chất lượng, không có thất thoát hay xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, thường thì con số một đằng, đánh giá nhận định là một chuyện".

Tuy nhiên, đại đa số các ĐB đều bày tỏ vui mừng khi tình trạng nợ công hiện đã có độ an toàn hơn so với thời điểm cách đây một năm. Các khoản nợ nước ngoài cũng thấp hơn so với mức trần. Nhiều ĐB đề nghị Chính phủ đa dạng hoá nguồn trái phiếu, phát hành trái phiếu quốc tế.

Cử tri quan tâm đến suy thoái đạo đức, lối sống

ĐB Võ Thị Dung cho rằng, trong phát biểu khai mạc Kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng như ý kiến tổng hợp của cử tri cả nước, đều đề cập vấn đề xã hội nghiêm trọng là tình hình trật tự trị an, an toàn giao thông diễn biến phức tạp, nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội. Nhiều cử tri bất an trong cuộc sống. Tuy nhiên, báo cáo Chính phủ lại đề cập vấn đề này mờ nhạt cũng như không nêu rõ giải pháp khắc phục trong 5 năm tới. Nếu xã hội không ổn định, lành mạnh thì việc phát triển không ý nghĩa gì.

ĐB Huỳnh Minh Thiện


"Tôi đồng tình với một số ý kiến, nhiều đại biểu và cử tri quan tâm là vấn đề đạo đức, lối sống và văn hoá suy đồi trong một bộ phận chúng ta hiện nay là thực trạng báo động, đã đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, đất nước. Điều đáng nói, đạo sức, văn hoá suy đồi không chỉ thể hiện ở lĩnh vực an ninh trật tự mà còn ở văn hoá, kinh tế... mà còn ở hầu hết các lĩnh vực ở các mức độ khác nhau. Ví dụ tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tới 93% với hành vi, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hết sức dã man, tàn bạo như giết người hàng loạt, đốt xác phi tang... rất đáng báo động. Vi phạm về sản xuất hàng giả, trong dược phẩm, thực phẩm chức năng; vấn đề an toàn thực phẩm ... đụng đâu cũng nơm nớp lo sợ. Người sản xuất bán thứ họ không ăn và ăn thứ họ không bán... những điều này ai cũng thấy nhưng báo cáo Chính phủ lại không đề cập đến" - ĐB Huỳnh Minh Thiện nói.

Trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đe doạ an ninh chính trị chủ quyền... vấn đề đầu tiên là xây dựng nội lực Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam nhân ái. Có xây dựng môi trường văn hoá cộng đồng, văn hoá trong chính trị, kinh tế để phát huy sức mạnh dân tộc thì mới có thể giải quyết các vấn đề và phát triển bền vững" - ĐB Thiện đề nghị báo cáo Chính phủ phải có đánh giá thẳng thắn, sâu sắc về các thành quả trên lĩnh vực văn hoá và đề cập đến vấn đề văn hoá con người.

Bảo Hân