Xây dựng Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ: Chủ trương đúng nhưng cần có lộ trình
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:34, 22/10/2015
Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại. |
Với mục tiêu cung cấp xơ sợi nhằm thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, bởi khi chủ động về nguyên liệu sẽ giảm thiểu lượng ngoại tệ phải nhập khẩu, đồng thời tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần phát triển KT-XH.
Thị trường bất lợi…
Thời điểm xây dựng NMXS Đình Vũ được triển khai đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng kinh thế giới (năm 2008), giá nguyên nhiên liệu có sự biến động mạnh, tăng giảm bất thường. Vì vậy, so với thời điểm lập dự án, nhiều thông số tính toán hiệu quả kinh tế đã có sự thay đổi, khác biệt theo chiều hướng xấu đi so với thời điểm lập dự án khả thi. Mặt khác, đây là dự án có quy mô mà tính chất công nghệ phức tạp, hoàn toàn mới đối với Việt Nam, nên mặc dù đã được đào tạo nhưng đội ngũ chuyên gia vận hành chưa có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, để phát huy và làm chủ máy móc công nghệ cần có lộ trình ít nhất là 5 năm (đến năm 2018 PVTEX mới có khả năng cắt lỗ). Đây là vấn đề mà tất cả các NMXS trên thế giới đều gặp phải không riêng gì PVTEX.
Từ tháng 5-2014, NMXS Đình Vũ chính thức hoạt động thương mại. Trong đó, vận hành sản xuất khoảng 12 tháng, còn lại bảo dưỡng định kỳ và bảo dưỡng cơ hội mất khoảng 3 tháng. Đợt vận hành sản xuất của nhà máy gần đây nhất kéo dài gần 3 tháng (dừng máy ngày 17-9-2015). Nguyên nhân chính dẫn đến việc PVTEX quyết định dừng sản xuất là việc biến động quá bất lợi của thị trường xơ sợi trong nước và quốc tế. Sự biến động giá này xuất phát từ một số nguyên nhân, như giá dầu thế giới "lao dốc", dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào của xơ sợi cũng biến động theo. Việc trượt giá của VND so với USD cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của PVTEX khi sản phẩm PVTEX bán trong nước bằng VND, nhưng nguyên liệu phải nhập khẩu lại trả bằng USD.
Đó là chưa kể, việc Trung Quốc thả nổi tỷ giá nhân dân tệ gần đây đã thúc đẩy các NMXS Trung Quốc và một số nước khác đồng loạt phá giá xơ sợi để tiến vào "cuộc chiến" chiếm thị trường. Mặt khác, một số nguyên nhân bất khả kháng như việc gia tăng giá điện sản xuất, chi phí quản lý, thuế mặt hàng xơ sợi PVTEX phải chịu vẫn cao, chưa nhận được bất cứ ưu đãi nào về thuế TNDN, VAT… Đặc biệt là việc nguồn điện trong khu công nghiệp Đình Vũ thiếu ổn định. Các sự cố về điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm, thời gian vận hành, thiết bị của NMXS Đình Vũ... Những thiệt hại này PVTEX không thể kiện ai.
Để giảm thiểu khó khăn trong thời điểm hiện nay, đồng thời bảo đảm hiệu quả SXKD lâu dài của NMXS Đình Vũ, sau khi đã sản xuất bảo đảm đủ hàng cho các đối tác chiến lược, các khách hàng ký hợp đồng lâu dài phục vụ sản xuất đến hết năm 2015, lãnh đạo PVTEX đã quyết định sớm ngừng sản xuất, tiến hành bảo dưỡng nhằm tạo cơ hội chuẩn bị cho đợt sản xuất hàng mới.
Lối thoát nào cho NMXS Đình Vũ?
Từ khi chính thức hoạt động thương mại đến nay, lãnh đạo và toàn thể CBCNV của PVTEX đã xây dựng bộ máy chuyên nghiệp, chuyển đổi mô hình công ty tự quản lý dự án sang công ty SXKD trực tiếp trên thị trường. Các hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến chất lượng sản phẩm, thương mại, tài chính đều được siết chặt và tiết giảm tối đa chi phí nhằm mục tiêu đạt hiệu quả SXKD.
Với sự hỗ trợ của PVN về công tác đào tạo, quảng bá sản phẩm, đàm phán với các tổ chức tài chính để giãn nợ… NMXS Đình Vũ đã hoạt động ổn định với công suất thiết kế, đã sản xuất được khoảng 140 nghìn tấn sản phẩm các loại, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, được các khách hàng lớn ghi nhận, đã khôi phục lại được thương hiệu PVTEX và chiếm lĩnh hơn 50% thị trường xơ sợi trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm trực tiếp cho hơn 1.000 lao động, đóng góp cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, hơn một năm qua, với nhiều lợi thế như chủ động nguồn hàng, giảm chi phí kho bãi, giao nhận hải quan, hạn chế biến động tỷ giá… so với hàng nhập khẩu, các đối tác, bạn hàng của NMXS Đình Vũ đều đánh giá tốt và hiệu quả.
Theo các chuyên gia, khi đánh giá về NMXS Đình Vũ cần có một cái nhìn tổng thể. Bởi, đây không phải chỉ là một nhà máy đơn lẻ mà nó đang đại diện cho cả một ngành công nghiệp phụ trợ quan trọng của nền kinh tế nước ta đang đi những bước đầu tiên trên con đường CNH-HĐH. Hơn thế, với việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP, thì NMXS cung cấp nguyên liệu sẽ mở ra một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp dệt may "nội" thoát khỏi sự lệ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Khi chúng ta tham gia vào các hiệp định thương mại, để có thể "chơi" bình đẳng thì phải có lực từ nội tại, không nên chỉ hô hào tham gia các "trò chơi vận động" có tính nguy hiểm, sống còn với nền kinh tế…
Đại diện Tập đoàn PVN khẳng định, một số nguyên nhân bất khả kháng khiến PVTEX vẫn phải chịu lỗ. Trong đó, việc Tổng thầu EPC thực hiện dự án chậm, dẫn đến nhà máy đi vào vận hành thương mại đúng thời điểm thị trường xơ sợi polyester trong và ngoài nước đang rơi vào chu kỳ đi xuống. Hơn nữa, giá dầu thô liên tục giảm sâu, không theo quy luật dự báo, thị trường bông và dệt may có sự biến động đi xuống làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh sản phẩm của PVTEX. Xơ sợi polyester là mặt hàng mới lần đầu tiên do các doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất, vì vậy cần phải có thời gian để hoàn thiện sản phẩm và xây dựng, phát triển thị trường, đồng thời mới hoạt động nên chi phí khấu hao và lãi vay lớn, không thể cạnh tranh giá thành với các nhà máy trong khu vực và thế giới. |