Thêm một số hiểu biết về nhà máy điện hạt nhân
Công nghệ - Ngày đăng : 07:14, 22/10/2015
Trả lời:
Theo Trung tâm Thông tin năng lượng nguyên tử: Chất thải phóng xạ trong quá trình hoạt động của nhà máy ĐHN là một trong những yếu tố quyết định thái độ của xã hội đối với năng lượng nguyên tử nói chung. Và thực tế phải nhận thức được là: Chất thải phóng xạ có thể là một mối nguy hiểm không nhỏ. Nhưng mối nguy hiểm đó đã được nhận thức một cách đúng đắn. Các chuyên gia đã áp dụng mọi biện pháp để giảm nó xuống đến mức độ cho phép. Quá trình xử lý chất thải phóng xạ tại nhà máy ĐHN được chia làm 4 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất: Tính toán thống kê nghiêm ngặt và thu thập chất thải. Cần phải tính toán thống kê để bảo đảm an toàn và chắc chắn là chất phóng xạ không bị lọt ra môi trường xung quanh. Giai đoạn thứ hai là thu nhỏ, nghĩa là giảm tối đa thể tích chất thải. Chất thải lỏng được cho bay hơi, chất thải rắn được nén lại và đốt. Điều này làm giảm chi phí bảo quản và cách ly lâu dài chất thải.
Ví dụ, một nhà máy ĐHN cỡ lớn một năm thải ra 10.000m3 chất thải lỏng, số lượng này được cho bay hơi còn lại 100m3, loại bỏ hầu như hoàn toàn nước ra khỏi chất thải phóng xạ. Giai đoạn thứ ba là xử lý để chất thải trở thành bền vững về hóa học và an toàn về môi trường. Chất thải có lượng phóng xạ ít được phép bảo quản trong các thùng và các container. Còn các chất thải nguy hiểm hơn cần được bảo quản trong các khối bằng xi măng, nhựa bitum hay kính. Giai đoạn cuối cùng là vận chuyển chất thải phóng xạ đến những khu bảo quản đặc biệt và sau đó là đến khu cách ly lâu dài.
Trong khi đó, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng lấy ra từ lò phản ứng của các nhà máy ĐHN cũng được xử lý bằng phương pháp đặc biệt. Đầu tiên nó được cho vào bể ngâm chuyên dụng bảo quản vài năm, sau đó người ta đóng nó vào những container để vận chuyển đến kho bảo quản tập trung. Việc vận chuyển nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được tiến hành chủ yếu bằng tàu hỏa và ô tô, có khi sử dụng cả tàu thủy có cấu trúc đặc biệt. Hơn 50 năm qua, công tác vận chuyển nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng chưa để xảy ra sự cố nào.