Bài 25: Giáo dục Thủ đô tiên phong đổi mới toàn diện

Giáo dục - Ngày đăng : 06:21, 22/10/2015

(HNM) - Giai đoạn 2010-2015 đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện của ngành Giáo dục Thủ đô. Cơ sở vật chất các nhà trường được đầu tư theo hướng đồng bộ, đạt chuẩn; tình trạng


Đây là những yếu tố nền tảng góp phần tạo nên chất lượng, hiệu quả giáo dục một cách bền vững, là cơ sở để giáo dục Thủ đô tự tin tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ.

Vững nền, bền chất lượng

Những phụ huynh có con độ tuổi mầm non ở phường Phương Mai, Láng Thượng, Ngã Tư Sở, Trung Liệt (quận Đống Đa) và Thanh Nhàn, Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) có lẽ không bao giờ quên cảm giác vui mừng, hạnh phúc khi có một ngôi trường mới cho riêng cư dân trên địa bàn. Trong hai năm vừa qua, ít nhất hơn 7 nghìn bé trong độ tuổi mẫu giáo của 6 phường này đã có ngôi trường của riêng mình, các bé được chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt hơn. Mối lo về việc tìm chỗ gửi con sang trường mầm non của phường lân cận mỗi mùa tuyển sinh không còn. Trong giai đoạn 2010-2015, với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực vào cuộc từ nhiều phía, Hà Nội đã hoàn thành việc xóa trắng trường mầm non công lập ở 6 phường nêu trên.

Đó chỉ là một trong rất nhiều đầu việc Hà Nội đã làm trong 5 năm qua, nhằm tạo môi trường tốt nhất cho việc chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có thuận lợi về quy mô, điều kiện, song cũng đối mặt với không ít khó khăn, bởi nhiều trường học ở miền núi, vùng sâu, điều kiện dạy học còn thiếu thốn. Để thực hiện nhiệm vụ "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực", việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được đặc biệt quan tâm và là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn này. Hơn 5.700 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp đã được xây mới, thay thế, vượt hơn 30% kế hoạch, ngoài ra còn xây bổ sung hơn 1.000 phòng học còn thiếu. Mức kinh phí đầu tư cho riêng phần việc này là gần 2.000 tỷ đồng. Diện mạo của các trường học, nhất là ở khu vực ngoại thành của Hà Nội có sự thay đổi rõ rệt, tạo không khí phấn khởi, tác động tích cực đến tinh thần thi đua dạy tốt - học tốt ở các nhà trường.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, giáo dục là ngành đặc thù với "sản phẩm" là những chủ nhân tương lai của Thủ đô, đất nước. Để tạo ra những "sản phẩm" đạt chuẩn thì các điều kiện tạo ra "sản phẩm" cũng phải đạt chuẩn. Bởi thế, ngoài việc bổ sung phòng học, Hà Nội đã tập trung đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Hơn 500 trường đạt chuẩn đã được xây dựng trong giai đoạn này, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia hiện nay của Hà Nội lên 50% tổng số trường.

Coi trọng yếu tố con người

Trong bất kỳ giai đoạn nào, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục luôn được Hà Nội quan tâm. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo được xây dựng theo lộ trình, với những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, trong đó đặc biệt lưu ý đến những mặt mạnh, điểm yếu ở từng địa bàn, từng giai đoạn để có giải pháp phù hợp. Căn cứ kết quả đạt được trong công tác xây dựng đội ngũ những năm trước, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 111/KH-UB về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giai đoạn 2011-2016.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho rằng, chất lượng đội ngũ nhà giáo là yếu tố gốc, tác động trực tiếp và toàn diện đến chất lượng, hiệu quả giáo dục. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ. Yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn mới đòi hỏi đội ngũ nhà giáo không chỉ hoàn thiện về trình độ đào tạo, mà còn phải vững về nghiệp vụ, có phẩm chất tốt, phong cách đẹp, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Một trong những giải pháp cốt lõi được toàn ngành tập trung triển khai trong giai đoạn này là, tổ chức đánh giá thường xuyên đối với từng vị trí công việc theo chuẩn chức danh và chuẩn nghề nghiệp. Việc xem xét, đánh giá giáo viên không chỉ căn cứ vào chuẩn trình độ đào tạo, mà còn coi trọng kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm và sự tiến bộ của học sinh. Kết quả đánh giá là căn cứ để Hà Nội xây dựng kế hoạch sắp xếp, luân chuyển, bố trí, sử dụng đội ngũ và thực hiện chế độ chính sách phù hợp. Việc triển khai các khâu này được gắn kết, tạo điều kiện để phát huy tối đa năng lực và ưu thế của từng người, góp phần tạo nên sức mạnh của toàn đội ngũ.

Mặc dù còn một năm nữa mới kết thúc lộ trình theo Kế hoạch 111/KH-UB, song đến nay, hầu hết chỉ tiêu đặt ra đều đã đạt và vượt, trong đó có những chỉ tiêu vượt khá xa như chỉ tiêu về trình độ đào tạo trên chuẩn với giáo viên trung cấp chuyên nghiệp (vượt 14% kế hoạch), giáo dục thường xuyên (vượt 6%), giáo viên THPT (vượt 5%). Đây cũng là giai đoạn số lượng giáo viên được bổ sung nhiều nhất, với trên 25.000 giáo viên các cấp học, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu các môn học, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới giáo dục. Chế độ, chính sách với nhà giáo được quan tâm, điển hình là việc tuyển dụng đặc cách và có cơ chế cho 26.000 giáo viên mầm non hợp đồng được hưởng chế độ, chính sách như viên chức nhà nước. Kế hoạch về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên cũng đang được tập trung triển khai, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới. Cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đây là hành trang để ngành giáo dục tự tin, tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn tiếp theo.

Thống Nhất