Nghiêm túc nhìn nhận để khắc phục

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:15, 22/10/2015

(HNM) - Mới đây, trang The Guide to Sleeping in Airports đưa ra danh sách những sân bay tốt nhất, tệ nhất Châu Á và thế giới. Điều đáng chú ý là trong khi Nội Bài, Đà Nẵng nằm trong nhóm đầu của châu lục thì Tân Sơn Nhất có năm thứ hai liên tiếp ở danh sách 8 sân bay tệ nhất Châu Á.


Được biết, khảo sát tiến hành dựa trên 6 điểm chính, trong đó có phần đánh giá tổng thể và chi tiết sân bay với 7 hạng mục: Chất lượng về vệ sinh, thiết bị (wifi), thực phẩm, an ninh và xuất nhập cảnh, chăm sóc khách hàng, khu vực nghỉ ngơi và buồng ngủ (nếu có). Với nhiều người thường xuyên phải di chuyển bằng đường hàng không, đến các sân bay trong khu vực thì thông tin nêu trên không làm họ bất ngờ.

Như mọi năm, trước những đánh giá thẳng thắn đó, đã có một số cuộc "họp khẩn" được tổ chức nhằm tìm ra nguyên nhân cũng như phương án khắc phục. Và rồi, những điệp khúc xưa cũ vẫn được nhắc lại: Do quá tải khách, đầu tư hạ tầng chậm được cải thiện… Thậm chí, một vị lãnh đạo Sân bay Tân Sơn Nhất nói với giới truyền thông rằng, không nên so sánh giữa Tân Sơn Nhất với Nội Bài và Đà Nẵng. Lý do là hai sân bay trên được đầu tư xây mới, mở rộng nhiều công trình hiện đại, còn Tân Sơn Nhất được cải tạo từ sân bay cũ, không còn đất để mở rộng. Không khó để nhận thấy, cách nói này không làm mếch lòng ai, thậm chí càng cho thấy sự cấp thiết phải xây dựng một sân bay mới để giảm tải cho Tân Sơn Nhất… Nhưng như vậy là chưa đủ.

Những năm gần đây, ngành Hàng không được đầu tư mạnh. Việt Nam đã có đội máy bay hiện đại, nhiều cảng hàng không được nâng cấp mở rộng, tăng trưởng khách luôn ở mức cao… là thực tế không thể phủ nhận. Nhưng đằng sau sự phát triển nhanh đó còn rất nhiều vấn đề như tình trạng mất cắp đồ của khách tại các sân bay, dịch vụ phòng chờ nghèo nàn… Để được lên máy bay, khách phải trải qua nhiều trạm kiểm soát, thủ tục rất mất thời gian. Chưa kể vẫn còn nhiều than phiền về thái độ phục vụ của nhân viên sân bay, phổ biến nhất là tình trạng "mặt nặng, mày nhẹ" với khách. Khẩu hiệu "4 xin - 4 luôn" tại sân bay (xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ) vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Sân bay là một trong những cửa ngõ đầu tiên để bạn bè quốc tế có cái nhìn về Việt Nam. Một chút mếch lòng về dịch vụ có thể dẫn đến những cái nhìn, những đánh giá không tốt về hình ảnh. Chúng ta có thể đổ lỗi cho tình trạng quá tải khiến dịch vụ kém chất lượng nhưng không thể đổ lỗi nếu như khách đánh giá rằng họ bị đối xử thiếu thân thiện. Và lòng hiếu khách không tự nhiên đến khi mà những dịch vụ thiết yếu, phổ cập nhất hiện nay như nước uống, nhân viên tận tình với khách, wifi cho khách trong lúc chờ lên máy bay…

Những đánh giá của The Guide to Sleeping in Airports dành cho Tân Sơn Nhất cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc trong hành trình nâng cao chất lượng phục vụ, tạo nên hình ảnh một Việt Nam thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế.

Đan Nhiễm