Sân bay Tân Sơn Nhất có thể phải đóng cửa do... ngập!
Kinh tế - Ngày đăng : 07:33, 21/10/2015
Rác đầy lòng mương
Theo Cảng HKQT TSN, 2 lần ngập vừa xảy ra, khu vực cảng nội địa bị ngập tới 20cm. Đây là điều lạ bởi trước năm 2015 sân bay không bao giờ bị ngập. Cảng HKQT TSN đang chủ động làm bao cát để chặn nước vào khu vực sân bay và huy động máy bơm trong tình huống cần thiết. "Hệ thống cống hộp ngầm phía nhà ga quốc nội được thi công trước năm 1975 nhằm thoát nước ra mương A41. Đài Chỉ huy cũ cũng xây trước năm 1965 nhưng qua nhiều lần sửa chữa nâng nền, hiện trạm phát điện nguồn (tại Đài Chỉ huy cũ) chỉ cách mặt đường 20cm. Nếu ngập 40cm, trạm phát điện nguồn tại Đài Chỉ huy cũ khu vực nhà ga quốc nội sân bay TSN sẽ bị ảnh hưởng và hệ thống điều hành bay sẽ không thể hoạt động được, sân bay có thể bị đóng cửa", ông Phạm Vũ Cường, Phó Giám đốc Cảng HKQT TSN lo lắng.
Mương A41, nhánh chính thoát nước cho nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất ngập trong rác. |
Con mương A41 (Phường 4, quận Tân Bình) chịu trách nhiệm thoát nước cho ga quốc nội (phía tây sân bay) đang bị "bức tử". Mương A41 dài hơn 2km, bắt đầu từ hai cống thoát nước trong khu vực Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) hợp dòng tại khu vực đường Giải Phóng, tiếp tục dẫn nước ra đường Cộng Hòa rồi đổ vào hệ thống cống ngầm về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ông Trần Văn Hai, chạy xe ôm nhiều năm nay tại khu vực này cho hay, hằng ngày người dân sống dọc tuyến mương vẫn xả rác thường xuyên, khiến dòng chảy bị chặn lại. Đặc biệt, năm nay, nhiều trận mưa lớn đã gây ngập úng từ 10 đến 30cm tại khu vực, điều chưa từng xảy ra trong những năm trước. Theo ông Phạm Vũ Cường, Phó Giám đốc Cảng HKQT TSN, chính quyền địa phương đã làm rào chắn nhưng nhiều người dân thiếu ý thức vẫn cứ xả rác bừa bãi. Nhiều đoạn mương bị lấn chiếm chỉ còn một nửa, thậm chí có đoạn dân chiếm đến 2/3 bề rộng lòng chảy. Theo ông Cường, đây là điều rất đáng báo động, bởi mùa mưa năm nay chưa kết thúc và hoàn toàn có nguy cơ ngập nặng.
Trong khi, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam khẳng định, nếu khu vực sân đỗ bị ngập sâu, chắc chắn uy hiếp khu vực đặt máy phát điện trạm nguồn tại Đài Chỉ huy cũ sân bay (cấp điện cho đường băng và đài rađa sân bay). Cũng theo ông Mậu, hiện cơ quan chức năng liên quan của TP Hồ Chí Minh đang tiến hành khơi thông dòng chảy và tuyên truyền người dân không xả rác xuống mương nước A41 nhằm bảo đảm dòng chảy thông suốt. Về giải pháp lâu dài, ông Mậu cho hay: "Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng liên quan cần quy hoạch và đầu tư thay mới hệ thống cống thoát nước đã quá cũ kỹ, đồng thời giải tỏa các hộ dân đang lấn chiếm dòng mương". Trước đó, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND quận Tân Bình, Sở GTVT thành phố, trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, cùng các đơn vị liên quan, giải tỏa các khu vực xây dựng lấn chiếm và nạo vét hệ thống mương.
Quy trách nhiệm từng đơn vị liên quan
Liên quan đến việc này, Cảng HKQT TSN khẳng định đã có văn bản gửi UBND quận Tân Bình và Trung tâm chống ngập hai lần trong 2 tháng gần đây nhưng vẫn chưa thấy chuyển động. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý thoát nước (Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh - đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ chống ngập) cho biết, trung tâm đang tổng hợp và sẽ có báo cáo cụ thể trong vài ngày tới.
Theo TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, để xảy ra tình trạng ngập, trước hết, trách nhiệm thuộc về các đơn vị quản lý liên quan của sân bay TSN, bởi vài năm trước đã có hiện tượng ngập, không thể tự nhiên mà ngập nặng như hiện nay. Các đơn vị này có thể đã không chủ động và không dự báo được tình hình ngập đã "âm ỉ" trong những năm trước đó. Nếu theo dõi sát sao, chủ động báo cho chính quyền địa phương để phối hợp triển khai các giải pháp khắc phục thì không thể xảy ra ngập hiện nay.
Còn PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cần xử phạt nặng dân xả rác xuống hệ thống kênh, mương quanh sân bay. Thời gian tới, cần mở rộng lòng kênh, mương, giải tỏa dân ra khỏi lộ giới để bảo đảm thoát nước tại khu vực.