Mộc Canh Nậu - làng nghề, làng bụi!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:44, 21/10/2015

(HNM) - Là một trong những làng nghề có truyền thống làm nghề mộc, đằng sau sự phát triển về kinh tế, vấn đề ô nhiễm môi trường là vấn nạn mà người dân xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất) phải đối mặt hằng ngày.


Làng nghề - làng ô nhiễm

Đã gần 11 giờ trưa, nhưng những tiếng rè rè của máy cưa, máy cắt gỗ, tiếng chát chúa của tiếng gõ, đục vẫn ồn ã khắp các ngõ xóm, đường làng Canh Nậu. Dọc các con đường dẫn vào Thôn 3, Thôn 4, các xưởng gỗ mọc lên san sát, từng nhóm người đầu đội mũ, đeo khẩu trang, găng tay kín mít, mải mê bào, cưa, đánh bóng gỗ ngay phía trước các cửa hàng đồ gỗ nội thất. Chẳng rõ nghề mộc bén duyên với vùng quê này từ khi nào, nhưng bao năm qua nhờ nó mà cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, mức thu nhập trung bình của một người làm thuê khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, chủ xưởng thì khá hơn, khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng. Quanh làng xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại, đẩy những ngôi nhà ngói lụp xụp, tồi tàn vào quá khứ.

Nghề mộc ở Canh Nậu.


Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển về kinh tế, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn của người dân nơi đây. Khoa học kỹ thuật phát triển, máy móc đưa vào sản xuất ngày càng nhiều khiến cả làng Canh Nậu hiện nay chẳng khác gì một đại công trường. Tiếng gõ, đục lạch cạch, tiếng các loại máy móc ầm ầm suốt cả ngày. Bụi, mùn cưa từ các xưởng gỗ phi thẳng ra đường. Mỗi khi trời mưa, mùn cưa dính nước, vón thành từng cục, còn khi nắng ráo, bụi, mùn cưa bám theo xe cộ nhuộm vàng khắp các con đường làng. Chưa kể, mùi các loại sơn gỗ xộc thẳng vào mũi khiến cho những người lần đầu đến đây không tránh khỏi cảm giác nôn nao, khó chịu.

Làm nghề tính đến nay đã được gần 20 năm và cũng là người đầu tiên rời xưởng gỗ từ trong làng ra khu công nghiệp, chị Nguyễn Thị Hằng, Đội 6 cho biết: "Được thế này là may lắm rồi. Mấy năm trước, nhà nhà làm gỗ, bụi bay mù mịt, có khi người này đứng cách người kia vài chục mét mà không thấy mặt nhau. Hiện nay những hộ sản xuất lớn đã chuyển ra khu làng nghề, trong xóm chỉ còn những hộ sản xuất nhỏ lẻ nên xóm làng đỡ bụi, đỡ ồn hơn".

Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống cống rãnh thoát nước ở một vài thôn hiện nay đã xuống cấp. Nước thải sinh hoạt gần như được xả thẳng ra rãnh, nhiều nơi nước màu đen kịt, ứ đọng thành từng đoạn. Những chỗ thấp, trũng, nước từ rãnh chảy tràn ra mặt đường. Xung quanh khu vực ao, hồ của Thôn 4 cũng ngổn ngang túi nilông cỡ lớn, bên trong đựng đủ các loại rác thải sinh hoạt. Nước dưới ao xanh lét, bốc mùi, bao tải, vỏ bánh kẹo nổi lềnh phềnh. Hiện nay, nguồn nước sạch được coi là "của hiếm" ở làng Canh Nậu. Đa số người dân dùng nước giếng khoan để tắm rửa, giặt giũ, gần như không ai dám sử dụng nguồn nước này để nấu nướng vì sợ nhiễm bệnh. Họ phải mua các máy lọc nước sạch mini hoặc xây các bể lớn để tích nước mưa dùng dần. Chỉ tay vào xô nước vừa mới bơm, anh Nguyễn Duy Hưng, Thôn 4, lắc đầu ngán ngẩm: "Nước giếng khoan mới bơm lên thì rất trong, nhưng chỉ để khoảng vài tiếng sẽ chuyển sang màu lờ lờ như nước hến, thậm chí để lâu nước chuyển hẳn sang màu đỏ đục, mùi tanh rất khó ngửi. Nước sạch ở đây đã hiếm, nay càng ngày càng bị nhiễm bẩn. Thế nên ngay từ năm 2009, gia đình tôi đã phải mua máy lọc nước về sử dụng cho an toàn, chứ dùng nước này lâu dài chắc không chịu nổi!".

Sống chung với bụi

Giữa trưa, một cụ ông chừng 80 tuổi hì hụi xếp củi nhóm bếp. Hỏi thì ông cụ bảo, tuổi già kiếm việc làm thêm cho đỡ buồn chân, buồn tay. "Thế cụ không ngủ trưa à?". Một tay phe phẩy chiếc quạt giấy, tay kia chỉ về phía những tiếng re ré phát ra từ xưởng gỗ bên cạnh, ông cụ lắc đầu đáp: "Ồn quá! Tôi không ngủ nổi".

Suốt thời gian dài, các loại máy móc hoạt động liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, cả với những hộ gia đình không làm nghề. Thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng ồn, bụi bặm, các loại sơn gỗ độc hại khiến họ phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm phế quản, viêm da dị ứng… Để đối phó với bụi, người dân đã phải căng bạt, nilông quanh nhà, thậm chí nhiều hộ gia đình tự trang bị các loại máy thổi bụi nhưng hiệu quả dường như không đáng kể. Anh Nguyễn Đình Chuẩn, chủ một cơ sở chuyên làm các loại đồ thờ, thẳng thắn nhìn nhận: "Mùn cưa thì cứ cách vài ngày lại có người đến thu mua, còn bụi của nhà nào, nhà ấy tự xử lý. Bình thường tôi làm đến khoảng 6 rưỡi chiều là nghỉ, nhưng có khi hàng vội, công việc nhiều, chúng tôi phải làm tranh thủ cả buổi tối. Biết là ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng nhưng đây là nghề kiếm cơm nên chúng tôi vẫn phải làm và đành chấp nhận sống chung".

Những năm gần đây, số người mắc và chết vì ung thư ở Canh Nậu ngày càng gia tăng. Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Thôn 3 lo lắng: "Có những năm tổng số người mắc ung thư của cả xã lên tới gần 20 người. Đa số họ đều giấu bệnh, chỉ đến khi bệnh nặng, phải đi viện thì bà con làng xóm mới biết. Nguyên nhân có phải do ảnh hưởng của làng nghề hay không chưa được xác định rõ, nhưng ô nhiễm môi trường mà cụ thể là nguồn nước đang là nỗi lo thường trực của người dân".

Được biết trong thời gian qua, UBND xã Canh Nậu đã tích cực đẩy mạnh các biện pháp nhằm giảm thải ô nhiễm môi trường, tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ví như, năm 2010, Khu công nghiệp Canh Nậu đã được thành lập, song trên thực tế không phải hộ gia đình nào cũng có thể rời xưởng ra đây vì số tiền bỏ ra để thuê đất và xây xưởng là khá lớn. Thậm chí, ngay trong chính khu công nghiệp, công tác vệ sinh môi trường cũng chưa được chú trọng, các đống gỗ nằm ngổn ngang hai ven đường trong khi bụi, mùn cưa tràn lan khắp mặt đường. Thời gian tới, Canh Nậu rất cần được hỗ trợ để có thêm các biện pháp dài hơi nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng quê này…

Tuấn Nguyên