Bài 24: Trung tâm tài chính - ngân hàng mang tầm quốc tế trong tương lai

Kinh tế - Ngày đăng : 06:32, 21/10/2015

(HNM) - Với sự có mặt của hàng trăm chi nhánh, điểm giao dịch từ các ngân hàng thương mại (NHTM), hệ thống ngân hàng Hà Nội đang thể hiện rõ vai trò là


Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hà Nội đã làm tốt vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cùng một số quận, huyện, sở, ngành tổ chức đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn 1-1,5%/năm. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các DN tham gia các chương trình hỗ trợ của thành phố: Tối đa 7%/năm đối với cho vay ngắn hạn, không vượt quá 9%/năm với cho vay trung, dài hạn. Tính đến nay, có hơn 80 NHTM và chi nhánh NHTM trên địa bàn cam kết dành vốn ưu đãi cho vay 65.200 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 49.538 tỷ đồng, tăng 69% so với cuối năm 2014 (gồm 30.155 tỷ đồng điều chỉnh lãi suất và 19.383 tỷ đồng ký kết hạn mức tín dụng mới), cho 2.890 lượt DN.

NHNN Chi nhánh TP Hà Nội đã chủ động phối hợp với Sở Công thương tham mưu cho UBND thành phố triển khai chương trình bình ổn thị trường, hướng dẫn các TCTD đăng ký tham gia chương trình và tiếp cận các DN bình ổn trên địa bàn. Đồng thời tổ chức cho DN và một số TCTD gặp gỡ, bàn thảo các biện pháp để các DN được vay vốn, tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa khách hàng và các TCTD. NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cũng đã yêu cầu các chi nhánh của 19 ngân hàng trên địa bàn tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, rà soát, báo cáo tình hình, đề xuất những tồn tại, hạn chế và cơ chế chính sách liên quan đến cho vay hỗ trợ nhà ở.

Các TCTD đã sử dụng nhiều biện pháp đẩy mạnh huy động vốn, triển khai nhiều sản phẩm tiền gửi dành cho khách hàng là các tổ chức và cá nhân, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút nguồn tiền gửi của dân cư và tiếp cận những khách hàng là tổ chức có nguồn vốn nhàn rỗi để tăng nguồn vốn huy động..., nhờ đó nguồn vốn huy động của Hà Nội chiếm tỷ trọng 30% tổng nguồn vốn của cả nước. Tính đến hết tháng 9-2015, tổng nguồn vốn huy động đạt 1.321 nghìn tỷ đồng (tăng 16,19% so với cùng kỳ năm trước). Hoạt động tín dụng được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng trưởng tốt ngay từ những tháng đầu năm. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng đạt 1.196 nghìn tỷ đồng, tăng 25,39%, trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 871.536 tỷ đồng, chiếm 72,87% tổng dư nợ, dư nợ ngắn hạn chiếm 50,1%. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực cả về tỷ trọng trong tổng dư nợ và tốc độ tăng trưởng, dự kiến cả năm 2015, dư nợ tín dụng của ngành Ngân hàng Hà Nội sẽ đạt và vượt mục tiêu định hướng của toàn ngành.

Hết tháng 9, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn: 64.085 tỷ đồng, DN nhỏ và vừa: 382.256 tỷ đồng, xuất khẩu: 89.745 tỷ đồng, bất động sản: 79.458 tỷ đồng... Tính thanh khoản của các TCTD được bảo đảm, các TCTD chú trọng quản trị rủi ro thanh khoản, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống. Kết quả kinh doanh của các TCTD trên địa bàn được cải thiện, chênh lệch thu nhập - chi phí, lũy kế những tháng đầu năm 2015 đạt 12.346,4 tỷ đồng. Các ngân hàng đã xử lý được 32.336 tỷ đồng nợ xấu, trong đó tự xử lý 11.793 tỷ đồng, đạt 76,9%. Hệ thống ngân hàng Hà Nội đang nỗ lực mở rộng dịch vụ, đưa ra các chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN vay vốn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố dành quỹ đất phát triển mạng lưới các tổ chức tín dụng ngân hàng, sẽ hình thành những trung tâm tài chính - ngân hàng tầm cỡ khu vực. Theo NHNN Chi nhánh Hà Nội, phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng thương mại là một trong những ưu tiên của thành phố trong tương lai nhằm tái cơ cấu kinh tế theo hướng cung cấp dịch vụ chất lượng cao. Ngành Ngân hàng đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính nhằm hỗ trợ vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Với tất cả những gì sẵn có, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để phát triển trung tâm tài chính, ngân hàng lớn của đất nước nói riêng, cũng như của khu vực nói chung.

Đức Anh