Thủ tục rườm rà, gây khó doanh nghiệp

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:48, 20/10/2015

(HNM) - Hiện có trên 200 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành với khoảng 100.000 dòng hàng hóa. Điều này đã đẩy doanh nghiệp (DN) vào thế khó khăn khi có mặt hàng thuộc diện kiểm tra của cả Bộ Y tế và Bộ Công thương.

Áp dụng triệt để việc thông báo hải quan điện tử sẽ rút ngắn đáng kể thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.Ảnh: Xuân Hương


Quá nhiều thủ tục thanh tra, kiểm tra

Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Nam Đô cho biết, mỗi năm, công ty phải chi từ 700 triệu cho tới 1 tỷ đồng đối với các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho mặt hàng vải nhập khẩu. Theo quy định hiện hành, phải kiểm tra chất lượng toàn bộ đối với tất cả các mẫu vải nhập khẩu, ngay cả với các mẫu cùng loại. "Mỗi ngày có ít nhất 6-10 mẫu kiểm tra chất lượng, lặp đi lặp lại trong một tuần. Ngoài ra, việc kiểm định không phân biệt giá trị và khối lượng, mỗi lần kiểm tra phải trả chi phí cho hàng chục loại, khiến DN vừa mất thời gian vừa tốn kém rất nhiều chi phí" - bà Trịnh Tú Anh nói. Theo bà, tình trạng buôn lậu vải ngày càng tăng một phần xuất phát bởi các DN buôn bán nhỏ lẻ không đủ thời gian và chi phí để tiến hành những quy định cứng nhắc như trên.

Cũng liên quan đến thủ tục thanh, kiểm tra, Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu quan điểm, bằng việc cải cách khai báo hải quan điện tử, thời gian thông quan hàng hóa đã được rút ngắn đáng kể. Tuy nhiên, đối với những lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành liên quan đến các bộ, ngành khác vẫn chưa được cải thiện, chi phí khá cao. Các DN dệt may, kêu nhiều nhất về thủ tục kiểm dịch, hun trùng với nguyên liệu dệt may. Phản ánh từ các đơn vị cho thấy, hiện DN kinh doanh bông nhập khẩu phải mất ít nhất 10 ngày mới xong thủ tục kiểm dịch, hun trùng. Quy trình dài như sau: Gửi công văn lên Cục Bảo vệ thực vật để xin giấy phép kiểm dịch thực vật, tính từ khi gửi công văn đến khi có chứng nhận kiểm dịch là 5-7 ngày. Làm thủ tục xin đăng ký kiểm dịch hun trùng tại cửa khẩu mất 1-2 ngày và 24 giờ sau khi nộp kiểm dịch, hàng mới được thông quan. Với mặt hàng đặc biệt là lông thú, lông vũ, khi nhận được kết quả kiểm dịch hun trùng, DN gửi mẫu lên Viện Sinh thái môi trường lấy kết quả xác định tên gọi và gửi kết quả xuống chi cục hải quan (2-3 ngày), phí giám định 3 triệu đồng/lần. Thời gian hoàn thiện thủ tục lấy được hàng mất khoảng 10-15 ngày. Như vậy DN sẽ phải trả phí lưu kho, lưu bãi tới 15-20 triệu đồng/lô hàng nhập.

Ngoài thủ tục trên, ông Trương Văn Cần, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các DN xuất khẩu hàng dệt may đều "khóc dở mếu dở" với quy định về kiểm tra formaldehyt, được quy định tại Thông tư 32/2009/TT-BCT của Bộ Công thương về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may. Ông Trương Văn Cần cho biết, riêng quy trình kiểm tra hàm lượng formaldehyt với các sản phẩm dệt may và nguyên phụ liệu dệt may, yêu cầu tới 10 loại chứng nhận, trong đó, 7 loại chứng nhận là bắt buộc. Chỉ riêng quy trình này đã chiếm tới 72% toàn bộ thủ tục thông quan của lô hàng, khiến DN vất vả và mất nhiều thời gian.

Cần sớm khắc phục vướng mắc, bất cập

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) nhận định, không ít phản ánh của DN có cơ sở. Qua khảo sát, hiện tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rất cao, khiến thời gian thông quan hàng hóa vẫn còn chậm. Tại hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành chiếm 30-35% tổng số hàng xuất nhập khẩu. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, số lượng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chiếm 70-80% số lượng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành của cả năm 2014. Trong khi đó, tình hình quản lý hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành chưa được cải thiện, thậm chí phức tạp hơn.

Ông Phạm Thanh Bình đưa ra hai giải pháp chính để tạo chuyển biến căn bản cho việc kiểm tra hàng hóa chuyên ngành, gồm kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức kiểm tra; rà soát lại danh mục hàng hóa phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành để giảm bớt thủ tục hành chính, loại trừ những mặt hàng không nhất thiết phải kiểm tra hơn nữa. "Thực tế cho thấy tuy kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ các trường hợp không đạt yêu cầu xuất nhập khẩu rất ít, luôn dưới mức 1% tổng số lô hàng xuất nhập khẩu. Kết quả này chứng minh, việc kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu như hiện nay là "quá mức cần thiết" - ông Phạm Thanh Bình nhận định.

Không chỉ mệt mỏi vì thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các DN cũng lên tiếng về tình trạng một mặt hàng chịu sự điều chỉnh chồng chéo của nhiều quy định khác nhau, thuộc thẩm quyền của nhiều bộ khác nhau. Ngành sản xuất sữa là một trong những lĩnh vực điển hình chịu sự quản lý chồng chéo, khi mà hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành; trong đó, 2/3 các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành của từ hai cơ quan trở lên, tạo gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí rất lớn.
Trước hàng loạt thắc mắc của DN về việc kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, ông Ngô Minh Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cũng phải thừa nhận, hệ thống văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành hiện có quá nhiều, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế, thông lệ của quốc tế.

Cụ thể, ông Hải cho biết, hiện có 259 văn bản về quản lý chuyên ngành, trên 200 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành với khoảng 100.000 dòng hàng hóa. Theo các quy định này, có mặt hàng thuộc diện kiểm tra của cả Bộ Y tế và Bộ Công thương. Làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm triệt để các quy định chồng chéo, cứng nhắc là bài toán Chính phủ đang đặt ra, Tổng cục Hải quan ghi nhận ý kiến của các DN và sẽ đề xuất sửa đổi những vướng mắc, bất cập ngay trong đề án "Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu" cơ quan này đang xây dựng.

Lý Hồng Phong