Đối phó với những thách thức mới
Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 20/10/2015
Các lực lượng Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ trong cuộc tập trận hải quân chung ở vịnh Bengal. |
Cuộc tập trận mang tên Malabar kéo dài 6 ngày còn nhằm củng cố năng lực chống tàu ngầm và thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cũng như các nhiệm vụ khác. Đây là lần đầu tiên trong 8 năm qua, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tiến hành tập trận trên Vịnh Bengal. Mỹ đã điều động tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và một tàu ngầm hạt nhân tới cuộc tập trận này. Nhật Bản triển khai một tàu khu trục trong khi Ấn Độ huy động một tàu ngầm cùng nhiều tàu chiến và máy bay giám sát hàng hải tới vịnh Bengal. Giới chức quân sự Mỹ khẳng định, đây là cơ hội lớn để tăng cường hợp tác hải quân giữa ba nước.
Cuộc tập trận Malabar bắt đầu được Mỹ và Ấn Độ tiến hành từ năm 1992, được xem như một hoạt động củng cố quan hệ hợp tác quốc phòng song phương. Năm 2007, Nhật Bản tham gia vào cuộc diễn tập quân sự này. Cuộc tập trận Malabar 2007 có ý nghĩa nhiều hơn khi trở thành biểu tượng của sự chuyển biến chính sách an ninh truyền thống Mỹ - Ấn từ thời Chiến tranh lạnh. Hơn nữa, cuộc tập trận bao hàm nhiều hạng mục chưa từng có như phòng không, chống tàu ngầm, trao đổi tác chiến giữa tàu chiến và máy bay. Tuy nhiên, Malabar 2007 đã khiến Trung Quốc tức giận và phản ứng hết sức dữ dội khi cho rằng đây là thỏa thuận hải quân nhằm vào nước này vì vịnh Bengal là tuyến đường mà 75% lượng dầu khí nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua. Có thể do bầu không khí chính trị tương đối dễ chịu vào thời điểm đó, Nhật Bản đã quyết định rút lui. Nhưng từ năm nay, Nhật Bản cùng Mỹ và Ấn Độ đã chính thức hóa vai trò của Tokyo trong cuộc tập trận này. Một số chuyên gia của đất nước Mặt trời mọc đã gọi sự kiện này là "thời điểm bước ngoặt" trong quan hệ hợp tác hải quân của Nhật Bản và Ấn Độ. Phó Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản, Phó Đô đốc Murakawa cho biết: "Mục đích của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản khi tham gia cuộc tập trận là nhằm tăng cường khả năng tác chiến cũng như phối hợp với hải quân Mỹ và Ấn Độ. Tôi cho rằng, chúng ta đang đứng trước thách thức chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đó là phải bảo đảm tự do và mở cửa, sự thịnh vượng của đại dương phải dựa trên luật pháp quốc tế. Theo chính sách của Nhật Bản về việc chủ động đóng góp tích cực cho hòa bình, lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác với Mỹ và Ấn Độ trên Ấn Độ Dương".
Malabar 2015 được giới phân tích quốc tế đánh giá, diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt vì vịnh Bengal có một vị trí chiến lược, là cửa ngõ nối Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông và biển Hoa Đông. Ấn Độ giữ thái độ trung lập trong những căng thẳng ở Biển Đông nhưng quốc gia này lại ủng hộ Mỹ trong việc kêu gọi tự do hàng hải trong khu vực tranh chấp. Hai chuyên gia Pushan Das và Sylvia Mishra thuộc Quỹ Nghiên cứu của nhà quan sát (Ấn Độ) phân tích, quá trình phát triển hải quân của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là một vấn đề địa - chính trị mà Ấn Độ phải quản lý. Muốn vậy, Ấn Độ phải phối hợp với các đối tác hải quân qua tập trận ba bên, bốn bên. Do đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang thực hiện một chính sách an ninh táo bạo hơn khi ông tìm cách thắt chặt mối quan hệ chiến lược với Mỹ và Nhật Bản trong khi vẫn giữ thái độ quyết đoán với Trung Quốc ở biên giới.
Theo nhận định của các nhà phân tích, cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thay đổi như thể xuất phát từ chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Năm 2013, Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông. Tháng 1-2014, Trung Quốc ban hành quy định mới về đánh bắt cá ở tỉnh Hải Nam, buộc mọi tàu nước ngoài phải có giấy phép của tỉnh Hải Nam mới được đánh bắt. Mới đây là kế hoạch bồi đắp các đảo nhân tạo nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông. Tất cả điều ấy đã tạo ra nỗi lo ngại về một khoảng trống trong khu vực trước những bước leo thang vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Cuộc tập trận Malabar 2015 với sự kiện Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn về mặt quân sự xuất phát từ những thực tế mới trong tình hình an ninh ở khu vực. Sau khi cuộc tập trận diễn ra, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã cảnh báo Ấn Độ không nên bị lôi kéo vào "một chiến dịch chống Trung Quốc" cho dù Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thể hiện quan điểm thận trọng của Bắc Kinh rằng, Trung Quốc có quan hệ tốt với cả Ấn Độ lẫn Mỹ và hy vọng những hoạt động của họ sẽ đóng góp cho ổn định khu vực.