Bài 22: Phát triển công nghiệp trên nền tảng tri thức

Kinh tế - Ngày đăng : 06:08, 19/10/2015

(HNM) - Với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 20%/năm, trong 5 năm qua, ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin (CNTT)... đóng góp trên 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện tử, viễn thông và CNTT, sản phẩm từ công nghệ mới đã được triển khai thực hiện nhằm từng bước xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố có nền công nghiệp hiện đại, dựa trên nền tảng tri thức và trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Sản xuất bo vi mạch tại Công ty TNHH Điện tử Meikô, Khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh: Hải Ninh


Hiệu quả từ những chính sách hỗ trợ

Cùng với những thành tựu phát triển chung của Hà Nội, trong 5 năm qua, công nghiệp Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Xác định rõ tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp nói chung và những lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn nói riêng, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực này, từ đó tập trung phát triển nhanh một số ngành, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Đối với các sản phẩm công nghiệp chủ lực, DN không chỉ được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, mà còn được ưu tiên bố trí vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), được đầu tư mới, đầu tư chiều sâu và được bố trí mặt bằng sản xuất. Các DN được ưu đãi về thuế, được thành phố hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm; đồng thời được ưu tiên hỗ trợ 100% kinh phí với những đề tài nghiên cứu ứng dụng, dự án sản xuất thử nghiệm liên quan đến sản phẩm công nghiệp chủ lực…

Với những chính sách hỗ trợ thiết thực, nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Hà Nội đã có bước tiến vượt bậc. Bên cạnh việc "gọi" đầu tư, bảo đảm đủ nguồn vốn để hoàn thiện các KCN, CCN hiện có, Hà Nội đã xây dựng mới và mở rộng một số KCN, CCN như: CCN Quang Minh II, Sóc Sơn, KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, các KCN công nghệ thông tin Sài Đồng - Long Biên, Đông Anh. Với những chính sách hỗ trợ thiết thực, trong 5 năm qua lĩnh vực công nghiệp Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong bối cảnh kinh tế cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu, ngành công nghiệp tại Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 5 năm (2010-2015) ước tăng 9%. Bên cạnh việc hình thành một số khu công nghệ cao hoạt động hiệu quả, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin cũng phát triển mạnh, chiếm hơn 14% giá trị sản xuất công nghiệp, tăng trung bình trên 20%/năm, đóng góp trên 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Các KCN, CCN tạo ra khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp, 45% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội. Năm 2014, thành phố đã công bố 32 sản phẩm của 28 DN là các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Bên cạnh những sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu lâu năm như: Cáp điện Trần Phú, đèn huỳnh quang Rạng Đông, săm lốp Sao Vàng, khóa Việt - Tiệp… nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực có giá trị về mặt kỹ thuật và công nghệ như: Nhóm chi tiết cỡ nhỏ trong xe máy (Công ty CP Xích líp Đông Anh), động cơ điện và máy biến áp phân phối 3 pha (Công ty CP Chế tạo điện cơ Hà Nội), cột đo nhiên liệu điện tử SEEN và hệ thống thiết bị, công nghệ xử lý nước thải (Công ty CP Kỹ thuật SEEN), máy biến áp điện thế (Tổng công ty Thiết bị Đông Anh)… đã vượt qua cuộc đánh giá, xét chọn nghiêm ngặt của thành phố và được công nhận là sản phẩm chủ lực. Chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của thành phố đã góp phần quan trọng giúp các DN đổi mới nền tảng công nghệ, phát triển sản xuất, từ đó đóng góp tích cực vào tốc độ tăng GDP của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Xây dựng trung tâm công nghiệp hiện đại


Để thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, nhiều chương trình hành động cụ thể đã được Hà Nội xây dựng và triển khai. Tại Chương trình số 124/CTr-UBND về hỗ trợ sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn có chất lượng, sức cạnh tranh cao, các DN có sản phẩm thuộc các lĩnh vực như: Cơ khí chế tạo; điện tử, viễn thông và CNTT; sản phẩm từ công nghệ mới... sẽ được hỗ trợ khảo sát, tìm kiếm thị trường, tham gia hội chợ triển lãm, giao thương với các tổ chức, DN trong và ngoài nước nhằm phát triển thương hiệu DN. Mục tiêu được Hà Nội xác định là: Phát triển công nghiệp Thủ đô dựa trên nền tri thức, từ đó hình thành các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm mới, từng bước xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Kinh tế trung ương, dựa trên đề án "Định hướng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2035", để có thể xác định được các ngành mũi nhọn, cần phải dựa trên cơ sở phân tích thực trạng, tiềm năng của nền kinh tế quốc dân trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Trên cơ sở tập hợp những ý kiến từ các nhà khoa học, đại diện một số DN, Ban Kinh tế trung ương cho rằng: Tới đây, bên cạnh việc tập trung phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng chế biến nông sản, thủy sản đi đôi với việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, thì dệt may và da giày sẽ là những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó nên tận dụng cơ hội phát triển ngành sản xuất lắp ráp điện tử tin học, bởi lĩnh vực này đang đạt đến độ tích lũy cao khi thu hút được một lượng lớn các nhà sản xuất, lắp ráp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ…

Vấn đề quan trọng lúc này là tạo dựng môi trường thuận lợi để khuyến khích các DN tiếp tục đầu tư chiều sâu. Đây chính là nền tảng quan trọng để phát triển công nghiệp cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng theo hướng bền vững, dựa trên nền tảng tri thức.

Hương Ly