Trách nhiệm của nhân dân với Đảng
Xã hội - Ngày đăng : 05:54, 19/10/2015
Đường lối đúng lại là sản phẩm tư duy sáng tạo vì sự phát triển đất nước của những con người cụ thể trong bộ máy lãnh đạo của Đảng. Thế nên, gọn lại, nhân sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định đường lối phát triển đất nước. Nói cách khác, sự phồn vinh của đất nước phụ thuộc nhiều vào tập thể nhân sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước vì họ là lực lượng có quyền lực chính trị xác định đường lối phát triển đất nước, có quyền lực pháp luật và thẩm quyền ban hành chính sách.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực, cũng như tình hình đất nước hiện tại thì vấn đề nhân sự Đại hội XII được xem là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Đại hội. Làm thế nào để Đại hội lựa chọn được những nhân sự theo những tiêu chuẩn mà Ban Chấp hành khóa XI đã xác định? Phải chăng, cần xác lập một kênh tham khảo ý kiến của nhân dân. Trong hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đầu tháng 10 vừa qua, ông Phạm Thế Duyệt (nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ) trăn trở nêu câu hỏi làm thế nào để có kênh cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về nhân sự Ban Chấp hành khóa XII. Đó là trăn trở có trách nhiệm.
Trong tôn chỉ, mục đích của Đảng đã chỉ rõ, ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Đảng lấy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm mục đích hoạt động. Thực tế, Đảng ta từ nhân dân, chiến đấu hy sinh vì sự giải phóng con người, là "công bộc" của dân nên phải gần dân, nghe dân, học dân và dựa vào dân để đổi mới.
Vì lẽ đó, việc dựa vào dân để thẩm định những ứng viên vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ XII là đúng tinh thần Đảng "là đội tiên phong của toàn thể nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam" và "là đại biểu trung thành lợi ích của nhân dân lao động và của toàn dân tộc". Những căn cứ thực tiễn và lý luận nêu trên là cơ sở để Đảng coi ý kiến nhân dân đối với nhân sự ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của Đảng là một kênh tham khảo quan trọng, là thể hiện sâu sắc tư tưởng "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân", vốn đã được Hiến định (Khoản 2, Điều 4, Hiến pháp 2013). Tinh thần này không phải Đảng ta không đề cập, nhưng mới dừng ở nhận thức, ở lý luận, chưa có thực tiễn, vì phương thức thu thập ý kiến nhân dân về vấn đề quan trọng này chưa được thiết lập. Và, như thế đã đến lúc ý kiến đánh giá, nhận xét của nhân dân càng cần được thể hiện trên thực tế.
Để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đã đến lúc tạo cơ hội để nhân dân tham gia xây dựng Đảng ngay trong quy trình chọn lựa nhân sự lãnh đạo Đảng dưới hình thức cung cấp thông tin để Đảng xử lý trước khi bầu cử. Những tiêu chuẩn nhân sự Ban Chấp hành khóa XII đã được công bố công khai. Nên chăng, Trung ương bổ sung tiêu chuẩn "được nhân dân tin yêu" vào tiêu chuẩn ứng viên Ban Chấp hành khóa XII thì mối quan hệ mật thiết của Đảng với nhân dân thể hiện được sự thống nhất cao về lý luận và thực tiễn. Để bảo đảm tính xác thực và độ tin cậy của các thông tin từ nhân dân, chi tiết về cách nhân dân nhận xét, đánh giá do Trung ương quy định và hướng dẫn.
Để Tiểu ban nhân sự và đại biểu đại hội có thêm thông tin về ứng cử viên từ nhân dân và để Đại hội XII bầu được một Ban Chấp hành gồm những đảng viên có đạo đức trong sáng, có năng lực tư duy sáng tạo, có bản lĩnh dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân và đất nước thì Trung ương phải thiết lập kênh thu thập thông tin từ nhân dân.
Vấn đề là Đảng thiết lập kênh thu thập thông tin như thế nào để nắm được ứng viên có được nhân dân tin yêu hay không? Có thể có nhiều cách thu thập ý kiến của nhân dân, nhưng tôi thiển nghĩ rằng, sau quy trình làm nhân sự vòng 2, Trung ương nên công bố công khai danh sách ứng viên cho nhân dân biết thông qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, như thế là thông qua hệ thống tổ chức rộng rãi nhất của nhân dân, trong đó, Đảng cũng là một tổ chức thành viên. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức đánh giá, nhận xét về những ứng viên cư trú trên địa bàn.
Ở đây, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố không nhất thiết phải có nhận xét, đánh giá tất cả ứng viên, mà chỉ giới hạn trong các ứng viên sinh sống trên địa bàn. Nhân dân trên địa bàn có điều kiện nắm bắt được những biểu hiện về lối sống, đạo đức của ứng viên. Và sự vì dân của họ được đánh giá, xem xét qua trách nhiệm với dân, với nước, trong vị trí lãnh đạo, quản lý không gây ra những hệ lụy cho lợi ích của nhân dân, của đất nước. Dân trí, trí tuệ của nhân dân hôm nay đủ tầm nhận xét về đạo đức, năng lực, bản lĩnh của các ứng viên thông qua kết quả, trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của họ được thể hiện ở nhiều văn bản, nhiều diễn đàn thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao của đất nước.
Kết quả nhận xét được tổng hợp gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để báo cáo Tiểu ban nhân sự trình Bộ Chính trị trước đại hội. Dù phương thức thu thập ý kiến nhân dân như thế nào chăng nữa, thì logic Đảng là đội tiên phong, là đại biểu trung thành lợi ích của nhân dân thì dân không thể đứng ngoài cuộc, mà nhân dân phải có trách nhiệm tham gia xây dựng nhân sự bộ máy lãnh đạo Đảng. Mặt khác, đây cũng là quyền tiếp cận thông tin và xử lý thông tin của nhân dân với tư cách dân là chủ, dân làm chủ đất nước.
Có thể nói rằng lý luận về Đảng và lý luận về quan hệ của Đảng với nhân dân khá sâu sắc. Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ ràng, cụ thể về vai trò của quần chúng nhân dân. Và, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân cũng nhận rõ tinh thần tiên phong, gương mẫu chiến đấu, hy sinh vì dân, vì nước của Đảng bằng những tấm gương cụ thể. Đảng ta cần hiện thực hóa nhiều hơn nữa những chủ trương rất đúng đắn của mình về quan hệ Đảng - Dân. Thực tiễn cuộc sống đất nước 30 năm đổi mới, nhân dân đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần làm thay đổi diện mạo, vóc dáng và tạo thế và lực đất nước ngày một được nâng cao. Song, quyền con người có nơi không được bảo vệ, luật pháp có nơi kém hiệu lực, khiến công dân vô tội phải chịu đựng oan sai. Đành rằng, những hiện tượng vô cảm với dân là của một bộ phận cán bộ quản lý, nhưng Đảng ta lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Cho nên, muốn có đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong sạch, vững vàng, có tâm vì dân, vì nước thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng. Và đây cũng chính là trách nhiệm cao cả của dân đối với Đảng của mình. Giá như, vấn đề thiết lập kênh thu thập ý kiến của dân về nhân sự lãnh đạo Đảng được triển khai ngay từ đại hội cấp cơ sở trở lên thì lòng dân gắn bó với Đảng ngày thêm sắt son. Tuy vậy, chẳng bao giờ muộn, nếu Trung ương áp dụng ngay cho Đại hội XII sẽ đem lại luồng gió tiên phong đổi mới Đảng và chắc chắn niềm tin nơi dân sẽ có sức lan tỏa mãnh liệt và rộng lớn hơn.