Hiệu quả đến đâu?

Xã hội - Ngày đăng : 05:45, 19/10/2015

(HNM) - Từ ngày 15-11, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn. Đây là việc làm cần thiết, bởi lâu nay công tác quản lý lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở cấp cơ sở tỏ ra không hiệu quả.


Khó về nhân lực

Tại hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP được tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình ATTP ngày càng có diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ từ trung ương đến cấp cơ sở. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này mới chỉ đề cập tới thanh tra chuyên ngành ATTP cấp tỉnh, thành phố trong khi hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lại nằm ở cơ sở và bởi vậy, hiệu quả giám sát, quản lý, thanh - kiểm tra còn hạn chế. Thêm vào đó, ở tuyến xã/phường, các đoàn thanh - kiểm tra liên ngành về ATTP chủ yếu làm nhiệm vụ "nhắc nhở", phổ biến quy định, tuyên truyền là chính, việc ra quyết định xử phạt không được thực hiện kịp thời, đầy đủ nên thiếu tính răn đe. Trong bối cảnh đó, quyết định thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã, xa, phường, thị trấn là hết sức đúng đắn.

Các ngành chức năng kiểm tra ATVSTP tại khu chợ Thành Công (Hà Nội). Ảnh: Văn Chiến



Theo quyết định nói trên, Hà Nội đã thống nhất chọn 10 phường, xã và 5 quận, huyện (gồm phường Quán Thánh, Thành Công của quận Ba Đình; phường Phương Liệt, Láng Hạ thuộc quận Đống Đa; phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 của quận Nam Từ Liêm; xã Uy Nỗ, Kim Chung thuộc huyện Đông Anh; thị trấn Thường Tín và xã Tô Hiệu của huyện Thường Tín) và dự kiến ở mỗi xã, phường sẽ có 5 cán bộ thanh tra chuyên ngành về ATTP; mỗi quận, huyện có 8 cán bộ tham gia công tác này. Tất cả đều là cán bộ tại chỗ, không tăng biên chế. Tương tự, TP Hồ Chí Minh cũng đã chọn 5 quận, huyện (gồm Quận 3, Quận 5, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn) và mỗi quận, huyện sẽ chọn 2 xã, phường để thí điểm triển khai kế hoạch nói trên.

Đề cập khó khăn khi triển khai kế hoạch này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, quyết định không cho phép cơ sở tăng biên chế, việc triển khai thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP tại xã, phường dựa trên nguồn cán bộ sẵn có, theo hình thức kiêm nhiệm, vấn đề đặt ra là ai sẽ quản lý, phân công nhiệm vụ cho các tổ thanh tra, kiểm tra cấp cơ sở? Việc triển khai cụ thể ở cấp cơ sở nên được thực hiện thế nào để tránh hiện tượng chồng chéo về nhiệm vụ khi một người vừa phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên vừa phải tham gia công tác thanh tra ATTP?

Đại diện một trong 10 xã, phường của Hà Nội được chọn thí điểm triển khai kế hoạch nói trên - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung (huyện Đông Anh) Hoàng Khang cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác quản lý ATTP là nguồn nhân lực. Ngoài nỗi lo bố trí lực lượng vì đội ngũ cán bộ ở cấp xã rất hạn chế, nhất là thiếu cán bộ chuyên trách, điều khiến nhiều người đau đầu là làm sao loại bỏ tâm lý "chỉ làm thí điểm, tạm thời" nên không thực sự chuyên tâm ở cán bộ được cử làm nhiệm vụ thanh tra.

Tránh lạm dụng quyền hạn

Trong nội dung của Quyết định số 38 có quy định rằng lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở cơ sở sẽ được giao toàn quyền thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn có vi phạm.

Một thanh tra xã, phường hay quận, huyện có thể xử phạt vi phạm ATTP trong cả 3 lĩnh vực (gồm y tế, nông nghiệp và công thương). Toàn bộ số tiền xử phạt sẽ được giữ lại tại địa phương.

Về vấn đề này, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần phải hình thành ngay hệ tiêu chí liên quan trước khi thực hiện kế hoạch nói trên, mục tiêu là để đánh giá chính xác hiệu quả công tác thanh - kiểm tra. Nếu việc thí điểm cho kết quả tốt thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định triển khai nhân rộng, còn không thì phải tiếp tục tìm giải pháp khả thi. "Việc giao quyền cho lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở chắc chắn sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh - kiểm tra ATTP tại địa phương, có sức răn đe mạnh hơn so với hiện nay. Tuy nhiên, việc tổ chức đoàn thanh tra cấp cơ sở đòi hỏi phải nâng cao công tác quản lý đội ngũ này, tránh việc cán bộ thanh tra lạm dụng quyền hạn được giao, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", ông Lê Bá Anh nêu ý kiến.

Trước những băn khoăn nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý ATVSTP hiện nay là vấn đề nhân lực cũng như cơ chế, chế tài xử lý vi phạm. Tuy nhiên, theo Quyết định số 38, tiêu chuẩn đặt ra với cán bộ tham gia đoàn thanh tra cấp quận, huyện, xã, phường là công chức, viên chức am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm ít nhất một năm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý ATTP, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho địa phương trong việc chọn nhân sự kiêm nhiệm. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, điều quan trọng là việc thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, không được lạm dụng quyền hạn, gây bức xúc cho người dân.

Thu Trang