Truyện tranh Việt có thể vươn ra tầm khu vực
Văn hóa - Ngày đăng : 07:17, 18/10/2015
Sắp tới sẽ tiếp tục diễn ra một số sự kiện ra mắt tác phẩm mới của các họa sĩ trẻ. Với mong muốn cùng bạn đọc có thêm cái nhìn rõ hơn về một cộng đồng họa sĩ, tác giả trẻ tâm huyết với truyện tranh, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với kỹ sư công nghệ Nguyễn Khánh Dương, sáng lập Comicola, đồng thời là thành viên nhóm vẽ Phong Dương Comic - nhóm vẽ truyện tranh hàng đầu Việt Nam hiện nay.
Các họa sĩ truyện tranh Việt Nam trong cộng đồng Comicola. |
- Với hàng loạt sự kiện vừa xuất hiện trước công chúng, có vẻ như các họa sĩ, tác giả truyện tranh Việt bắt đầu ý thức rõ hơn về việc tập hợp đội ngũ?
- Truyện tranh Việt Nam đã có 10 năm âm thầm phát triển và ít nhiều các họa sĩ, tác giả truyện tranh Việt Nam cũng có những đóng góp nhất định cho sự định hình lĩnh vực sáng tạo này. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết tác giả vẫn còn e ngại trong việc xuất hiện trước công chúng, tổ chức các buổi ra mắt sách... Một phần vì xã hội chúng ta vẫn chưa coi "vẽ truyện tranh" là một nghề nghiêm túc. Một ví dụ điển hình là nhiều phụ huynh, các họa sĩ trẻ đã tìm đến chúng tôi để bày tỏ băn khoăn về con đường mà các bạn ấy đã chọn. Cũng rất may là sau đó với những tác phẩm xuất bản được bạn đọc đón nhận, chính cha mẹ các họa sĩ trẻ lại là những người đầu tiên ghi nhận những thành công ấy.
Việc tập hợp đội ngũ những người viết, vẽ truyện tranh trong ngày hội Comics Day vừa qua ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể xem như là một cuộc "biểu dương lực lượng" của những người mê sáng tạo truyện tranh. Bên cạnh việc giới thiệu với độc giả về các tác giả, đây còn là dịp để công chúng có cơ hội giao lưu, tiếp xúc hiểu và ủng hộ nhiều hơn các họa sĩ truyện tranh Việt Nam.
- Anh có thể chia sẻ về Comicola và những chuyển động của cộng đồng họa sĩ, tác giả truyện tranh Việt sau những sự kiện trên?
- Có một điều đáng mừng là sau sự kiện trên, cộng đồng truyện tranh được bạn đọc quan tâm nhiều hơn; các tác phẩm đã và sắp ra mắt có thêm nhiều sự chú ý, chờ đón. Nhưng thành công mà theo tôi là quan trọng nhất lại nằm ở việc chính cộng đồng Comicola đã kêu gọi được những người bạn từng say mê sáng tác từ 10 năm trước, tưởng chừng đã "bỏ cuộc chơi", nay có thêm động lực, quyết định cầm cọ trở lại. Nhiều nhân tố mới - những tác giả mà trước đây chỉ âm thầm sáng tác trong "thế giới riêng" của mình nay cũng xuất hiện, mạnh dạn, tự tin bước ra trước công chúng, công bố tác phẩm của mình.
Như chúng tôi đã chia sẻ, Comicola là cộng đồng những người yêu thích sáng tạo truyện tranh trên nền tảng online. Nhưng đây không phải là một nền tảng để... chỉ thỏa mãn vui thích của riêng bản thân. Mục đích cuối cùng là các tác phẩm xuất hiện trên Comicola sẽ được xuất bản đến với đông đảo công chúng, mang lại lợi ích và động lực sáng tạo cho họa sĩ. Chúng tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng mặc dù truyện tranh online đang bùng nổ, nhưng truyện tranh truyền thống in thành sách vẫn có chỗ đứng riêng với một lượng không nhỏ độc giả trung thành.
- Theo nhận định của chính những người trong cuộc, truyện tranh Việt hiện đang phát triển ở mức nào? Để phát triển nền truyện tranh mang thương hiệu Việt Nam thì yếu tố nào đóng vai trò quyết định hiện nay?
- Truyện tranh Việt Nam có thể nói mới nổi lên trong 1-2 năm trở lại đây. Trong đó có thể kể tới những gương mặt như Thành Phong với các tác phẩm "Orange", "Long Thần Tướng" luôn tạo nên cơn sốt trong phát hành; Tạ Lan Hạnh (họa sĩ từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện tranh "Nét Rồng thiêng" chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... Bên cạnh đó là những gương mặt đáng chú ý khác như Vũ Đình Lân, Thành Trí, Bùi Đình Thăng, Kawa Chan...
Nhưng chúng ta vẫn cần nhiều hơn những tác phẩm chất lượng để có thể vươn ra tầm khu vực. Yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển truyện tranh Việt Nam không có gì ngoài tác giả - tác phẩm. Tôi tin độc giả, các nhà phát hành, các cơ quan quản lý nhà nước luôn ưu tiên cho các ấn phẩm của người Việt. Và nhìn về tiềm năng, chúng ta hoàn toàn có khả năng vươn ra tầm khu vực và có khả năng cạnh tranh với các nền truyện tranh của các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Philippines.
- Quy trình xuất bản truyện tranh Việt Nam thông qua Comicola đang diễn ra như thế nào? Đã có sự phối hợp giữa các NXB với các tác giả, đại diện nhóm tác giả, thưa anh?
- Vai trò của Comicola giống như một đơn vị không chỉ tập hợp các tác giả mà còn đại diện cho tác giả trong các giao dịch xuất bản, công bố tác phẩm. Chúng tôi hiểu rõ các NXB, công ty sách luôn cần nguồn bản thảo chất lượng, còn tác giả thì luôn có mong muốn công bố tác phẩm, nhưng hai bên luôn gặp khó khăn trong việc "tìm đến với nhau".
- Đâu là đề tài mà các họa sĩ đang quan tâm đầu tư nhiều nhất hiện nay?
- Cũng cần nói rõ, quan niệm "truyện tranh" của chúng tôi là các tác phẩm dành cho người trưởng thành, không phải truyện tranh thiếu nhi. Và đề tài học đường với những câu chuyện về tình bạn, tình yêu, ứng xử trong giới trẻ đang là đề tài được đầu tư nhiều nhất. Có thể nói, tác giả truyện tranh cũng cần có những trải nghiệm cuộc sống nhất định mới có thể sáng tác. Với một lực lượng gồm đa phần là những gương mặt trẻ, thì cũng không khó hiểu khi câu chuyện mà các họa sĩ đề cập chủ yếu đều thuộc về mảng đề tài này. Một số tác phẩm mà chúng tôi dự kiến ra mắt cuối năm nay cũng vậy, đó là "50 sắc màu" của Dương Thạch Thảo, "Truyện cực ngắn" của Nhóm máu O...
- Chân thành cảm ơn anh!