Lòng tin của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến dòng tiền đầu tư

Xã hội - Ngày đăng : 06:27, 18/10/2015

(HNM) - Năm 2015, việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra các thị trường mới, mọi thành phần doanh nghiệp có cơ hội phát triển hơn trước.



Nhiều đạo luật, nhất là Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi với những nội dung thể hiện tư duy mới trong lĩnh vực quản lý hoạt động đầu tư và kinh doanh có hiệu lực, đã tạo ra luồng sinh khí mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tạo bước ngoặt cho công cuộc cải cách cần phải có những đột phá đổi mới về tầm nhìn, về khát vọng và năng lực của con người Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân và cán bộ làm trong bộ máy quản lý đất nước. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Tiến sĩ Võ Trí Thành.


“Cú hích” cho doanh nghiệp

- Ông có thể cho biết đánh giá tác động của Luật DN và Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015?

- Luật DN và Luật Đầu tư 2014 là bước tiến dài với nhiều thay đổi theo hướng tích cực, thông thoáng hơn cho DN, chuyển từ cách tiếp cận chọn - cho sang chọn - bỏ. Trước đây, DN chỉ được đầu tư kinh doanh những gì Nhà nước cho phép thì nay ngoài 6 ngành nghề cấm và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, DN được tự do đầu tư kinh doanh những ngành nghề khác. Luật mới rất thoáng, chính sách nhà nước cũng thoáng là “cú hích” tạo thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh. Với tư tưởng chủ đạo của hai đạo luật này và việc thực thi Nghị quyết 19 của Chính phủ là đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian, DN có thể nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh của mình. Cùng với việc ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố, chắc chắn môi trường kinh doanh mới này sẽ giúp phục hồi và tăng thêm sinh lực cho nhà đầu tư và DN; mang đến các cơ hội, lòng tin và động lực mới để mở rộng và phát triển kinh doanh, giúp nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững hơn.

- Theo ông, đâu là kết quả bước đầu khi thực hiện hai đạo luật trên?

- Trong 50 ngày đầu tiên kể từ khi Luật DN, Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, số lượng DN đăng ký đã tăng hơn 13.000, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong những ngày đầu hai luật mới có hiệu lực, số lượng DN đăng ký lên tới 1.500-1.600 DN/ngày, trong khi trước đây mỗi ngày chỉ có 400-500 DN. Số lượng DN đăng ký tăng mạnh cũng có thể còn do kinh tế đang từng bước phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định. Nhưng rõ ràng, nhân tố cơ bản ở đây là việc thực thi hai đạo luật đó. Thủ tục tham gia thị trường đơn giản, minh bạch hơn. Qua điều tra mới đây tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thời gian đăng ký kinh doanh bình quân chung chỉ khoảng 2,6 ngày, tức chưa đến 3 ngày - thời gian quy định tối đa theo luật mới; trong khi trước đây thủ tục này là 6-7 ngày.

- Việc Quốc hội khóa XIII sửa đổi Luật DN, Luật Đầu tư 2014 với nhiều nội dung thông thoáng hơn cho thấy sự đổi mới tư duy trong lĩnh vực quản lý DN và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong thực tế DN vẫn gặp nhiều rào cản, khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

- Mặc dù hai đạo luật trên có hiệu lực là một bước đột phá trong việc hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh cho người dân và DN nhưng các quy định về điều kiện kinh doanh của Việt Nam hiện còn rất nhiều vấn đề cần phải loại bớt. DN phải mất không ít công sức để tiếp cận cơ hội kinh doanh. Việt Nam đang có nhiều điểm nghẽn về thể chế cản trở sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường... Chẳng hạn, cải cách thủ tục hành chính mặc dù đã có những bước tiến nhất định nhưng mới chỉ ở một vài khâu hoặc lĩnh vực. Mức độ minh bạch trong việc tiếp cận các tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý từ các cơ quan chính quyền còn thấp. Việc thực thi pháp luật tại các địa phương cũng chưa dễ dàng cho DN. Báo cáo tài chính minh bạch của DN ở Việt Nam vẫn yếu và thiếu. Đây cũng là rào cản lớn nhất cho ngân hàng mở “hầu bao” cho vay khi chỉ dựa trên tín chấp mà không có tài sản thế chấp.

Không nên quá lo ngại cạnh tranh

- Theo ông, điều đáng lo ngại trong quá trình hội nhập toàn cầu đối với chúng ta hiện nay là gì?

- Tôi nghĩ, điều đáng lo ngại không phải là các DN mà là một bộ phận công chức nhà nước. Trong hội nhập, thị trường có thể loại bỏ đến cả trăm nghìn DN nhưng hàng trăm nghìn DN mới sẽ được thành lập. Còn với công chức thì khác, không dễ gì, nếu nói đúng hơn là không thể “loại” được với số lượng lớn. DN khi tham gia hội nhập có thị trường dẫn dắt cơ bản bằng các “luật chơi”; song câu chuyện với công chức “lằng nhằng” hơn rất nhiều vì tính ì ở đây rất lớn.

- Trong quá trình hội nhập, do gặp không ít thách thức phải vượt qua nên nhiều DN rất lo ngại khi phải cạnh tranh với các DN nước ngoài. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Hội nhập có cái rất hay là sẽ biết năng lực thực sự của từng DN, biết mình thắng “thật” hay thắng “giả” vì phải đối mặt với cạnh tranh và “ô” bảo hộ, hỗ trợ nhà nước không còn hay giảm mạnh. Hội nhập nhằm phát huy lợi thế so sánh, xuất khẩu tăng trưởng. Những gì gặt hái nhờ sự bảo hộ hay đặc quyền sẽ khó tồn tại, còn những gì mà chúng ta có lợi thế sẽ có cơ hội phát triển mạnh.

Trước đây, nhiều DN Việt Nam rất lo về việc đưa hàng vào Hoa Kỳ ở thời điểm hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương BTA năm 2000. Nhưng chỉ sau một năm hiệp định có hiệu lực, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Và sau 15 năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đã tăng gấp 30 lần. Và quan trọng hơn, dư địa cho các DN của chúng ta vẫn rất lớn. Do vậy, các DN không phải quá lo ngại cạnh tranh và cần tự tin hơn. Tất nhiên phải có tính toán chu đáo và học hỏi.

- Vậy cơ hội với các DN Việt trong quá trình hội nhập hiện nay là gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng, DN có cơ hội rất lớn trong việc tăng cường xuất khẩu sản phẩm của các ngành có lợi thế so sánh như dệt may, da giày, đồ gỗ, gạo, cà phê, thủy sản… Không chỉ vậy, DN có thể phát triển mạnh các ngành khác như phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí; phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics; phát triển các ngành công nghiệp mới nổi như công nghiệp xanh, công nghệ thông tin và thương mại điện tử; các mảng sản xuất, dịch vụ kết nối với mạng - chuỗi sản xuất...

Công nghệ không nhất thiết phải là cái gì vĩ đại. Thùng rác mở bằng giậm chân, cái kéo riêng cho người thuận tay trái hay dùng giấy tái chế thay cho nilon khó phân hủy để bọc tuýp kem đánh răng trong khách sạn…, những ý tưởng đơn giản đó có thể góp phần không nhỏ vào sức cạnh tranh, khả năng tìm kiếm và tiếp cận thị trường của DN.

- Như vậy, để tồn tại và phát triển, DN không còn cách nào khác là phải tự xem lại mình, tự thay đổi để vượt lên chính mình, đặc biệt là khi chúng ta tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và thực hiện các cam kết trong TPP?

- Đúng vậy! Hội nhập còn có quá trình chuyển đổi nhằm giảm bớt tổn thất, nó đòi hỏi nỗ lực của bản thân DN, cũng như những định hướng chính sách từ Nhà nước. Hầu hết DN nhỏ và vừa của Việt Nam chưa lồng ghép vấn đề hội nhập vào chiến lược, kế hoạch kinh doanh. Về vốn, so với nhiều nước, DN Việt Nam có tỷ lệ trích lợi nhuận để tái đầu tư thấp nhất. Hội nhập về tổng thể ở tầm quốc gia là “trò chơi cùng thắng” (dù tỷ lệ có thể không như nhau). Song đối với từng DN và có thể cả ở cấp ngành, vẫn có thể là bài toán thắng - thua. Muốn thành công, các DN cần nhanh chóng tìm hiểu và nắm bắt về AEC, TPP và các hiệp định FTA khác để không chỉ “chờ cờ đến tay rồi phất” mà còn biết ứng xử hiệu quả khi gặp rủi ro. Trước khi định hướng sản xuất, kinh doanh, DN phải nghiên cứu đầy đủ môi trường bên ngoài và đối thủ cạnh tranh cũng như đối tác. Và điều quan trọng là DN phải xác định là chúng ta tham gia vào các hiệp định thương mại là để “chơi” với các đối tác phát triển hơn, qua đó tiếp thu được kỹ năng, công nghệ chứ không hoàn toàn chỉ là câu chuyện cạnh tranh trên thị trường.

Tầm nhìn và khát vọng

- Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa được hoàn thiện nên chưa phát huy được sự sáng tạo của người dân và DN. Ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế chuyển đổi từ tư duy Nhà nước quyết định sang nền kinh tế mở rộng quyền, cơ hội lựa chọn cho người dân. Những năm qua, chúng ta đã nhìn nhận rõ những thành tựu, kết quả đạt được và cả những yếu kém của mình. Cải cách và đổi mới thể chế kinh tế thực sự là một cuộc cách mạng vì nó thay đổi về chất cách ứng xử nhà nước - thị trường... Nếu nhìn nhận như vậy, rõ ràng chúng ta đã có nỗ lực và gặt hái được không ít kết quả tích cực, song khoảng cách để có được một cơ chế thị trường đầy đủ, một bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch, có khả năng giải trình cao còn rất lớn. Giờ là lúc chúng ta rất cần cải cách mạnh mẽ, tổng thể. Cải cách lần này phải là những đột phá trong đổi mới về tầm nhìn, về khát vọng và đằng sau đó là về năng lực thể chế, năng lực doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là các cán bộ làm trong bộ máy quản lý đất nước.

- Thể chế kinh tế thị trường phải tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế nhưng các DN tư nhân cho rằng họ không được ưu ái như DN nhà nước. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Nếu chúng ta chỉ nhìn vào các văn bản pháp lý Việt Nam thì không dễ tìm ở đó bằng chứng các DN nhà nước có ưu thế hơn các thành phần kinh tế khác... Nhưng về bản chất, việc coi DN nhà nước có ưu ái hơn là thực tế. Thứ nhất, đó chính là “con đẻ” của Nhà nước, cách thức can thiệp, suy nghĩ về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường khó tránh khỏi sự ưu ái hơn. Thứ hai, theo một số điều tra trong tiếp cận đất đai, tiếp cận các nguồn nhân lực, tín dụng..., khu vực tư nhân rõ ràng yếu thế hơn DN nhà nước. Vì vậy, một mặt chúng ta vẫn phải rà soát vấn đề pháp lý, song quan trọng nhất là thay đổi cách ứng xử trên thực tế cho công bằng. Mặt khác, việc thực hiện cam kết quốc tế đòi hỏi cạnh tranh bình đẳng hơn giữa các loại hình DN và thành phần kinh tế sẽ tạo lòng tin cho các DN. Lòng tin của DN là yếu tố hàng đầu quyết định ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân.

- Theo ông, yếu tố nào cần ưu tiên thực hiện để hoàn thiện thể chế kinh tế?

- Thời gian qua, Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận rằng động lực tăng trưởng kinh tế của thời kỳ trước đã ít còn phát huy tác dụng và cần phải cải cách mạnh mẽ... Nền kinh tế đang có 3 điểm nghẽn cần tháo gỡ, đó là cơ sở hạ tầng, thể chế và nhân lực. Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 chính là động lực, là giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam.

- Với tư cách là một chuyên gia về kinh tế, ông có đóng góp ý kiến gì về sự phát triển của Hà Nội?

- Tôi mong muốn, Hà Nội thực sự trở thành đầu tàu, nơi khởi nguồn về cải cách, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho các khu vực khác trên khắp đất nước Việt Nam. Hà Nội có nhiều lợi thế là nơi tập trung trí tuệ, tinh hoa, bản sắc, truyền thống, nơi giao thoa, cửa ngõ của đất nước... vừa là bộ mặt vừa là hình ảnh của Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Việc đổi mới, đột phá cải cách thể chế của Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó có sức lan tỏa rất lớn đến các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Nhưng để cải cách ở siêu đô thị như Hà Nội không dễ. Với năng lực của Hà Nội thì có thể dễ cảm nhận, hấp thụ, học hỏi được những cái tinh túy, tinh hoa của thế giới. Trong hội nhập đi sau chưa hẳn là bất lợi. Nếu có tư duy, ý tưởng tốt, có khát vọng, cách làm tốt thì hoàn toàn chúng ta sẽ có tốc độ vượt trội để dần dần đi cùng, rồi vượt lên trước.

- Cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!

Vương Tuấn Anh