Du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi

Du lịch - Ngày đăng : 07:31, 17/10/2015

(HNM) - Chín tháng năm 2015, mục tiêu đón 41 triệu lượt khách nội địa của ngành Du lịch đã cán đích (đạt 48,8 triệu lượt).

Khách du lịch nước ngoài tham quan đền Ngọc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt



- Trong 3 tháng liên tiếp 7, 8, 9, lượng khách quốc tế tới Việt Nam tăng trở lại, kết thúc chuỗi 13 tháng suy giảm liên tục từ cuối năm 2014. Vậy theo ông, từ nay đến cuối năm, ngành Du lịch Việt Nam liệu có đạt được mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách quốc tế?

- Tình hình kinh tế thế giới suy thoái, đồng ruble Nga mất giá mạnh, căng thẳng ở Biển Đông đã dẫn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam suy giảm suốt 7 tháng cuối năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên, 3 tháng gần đây, khách quốc tế đến nước ta đã phục hồi trở lại. Nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như 3 tháng vừa qua thì lượng khách 3 tháng cuối năm có thể bù đắp sự sụt giảm trong 6 tháng và giữ được ở mức như năm 2014. Tôi kỳ vọng vào đà tăng trưởng này bởi thị trường Nga, Trung Quốc đã phục hồi. Bên cạnh đó, chính sách miễn visa đối với công dân 5 nước Châu Âu và Belarus bắt đầu phát huy hiệu quả. Ngoài ra, nhiều dự án có quy mô lớn của các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch (Vingroup, SunGroup, Mường Thanh, FLC...) được triển khai, góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại và cao cấp tại nhiều địa phương như: Chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang (3.000 phòng), Vinpearl Phú Quốc (1.500 phòng), hệ thống cáp treo và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp tại Đà Nẵng, Cảng du lịch quốc tế Tuần Châu, hệ thống khách sạn Mường Thanh tại 20 tỉnh, thành trên cả nước... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

- Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 82/2015/NĐ-CP về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo ông, chính sách này sẽ tác động thế nào đến lượng khách quốc tế?

- Chúng tôi tin tưởng rằng, chính sách này sẽ có nhiều tác động tích cực đến việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Điều này thể hiện ở hai góc độ. Thứ nhất là tăng được lượng khách du lịch là người gốc Việt về Việt Nam, nhất là khi lượng khách này chủ yếu ở các nước Châu Âu, Mỹ. Thứ hai là cũng sẽ tác động gián tiếp đến việc tăng cường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Bởi lẽ, khi Việt kiều về nước thăm thân hoặc đi tham quan du lịch thuần túy thì đây sẽ là kênh thông tin rất quan trọng góp phần quảng bá du lịch Việt Nam. Trên thực tế, trong thời gian qua, cộng đồng Việt kiều đã thực hiện rất nhiều chương trình quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam, đặc biệt cộng đồng người Việt ở Tây Âu đã rất thành công trong việc xây dựng chương trình tour đưa khách du lịch từ các thị trường đặc biệt là Tây Âu và Mỹ vào Việt Nam.

- Được biết, Tổng cục Du lịch vừa thực hiện video clip dài 30 giây nhằm quảng bá du lịch Việt Nam và dự định sẽ phát trên kênh truyền hình Travel Channel (Anh). Ông có thể chia sẻ đôi nét về việc này?

- Trước đây, quảng bá du lịch Việt Nam đã phát sóng trên các kênh truyền hình quốc tế như BBC và CNN rồi. Lần này, chúng tôi quyết định quảng bá trên Travel Channel vì đây là kênh chuyên về du lịch, hướng tới đối tượng khách du lịch. Kênh này chủ yếu phát ở Anh, một trong những thị trường trọng điểm của Việt Nam. Về nội dung, video clip đã được các chuyên gia tư vấn quốc tế lựa chọn hình ảnh phù hợp với từng thị trường. Những hình ảnh tiêu biểu về các sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa, du lịch biển đảo, du lịch gắn với thiên nhiên đặc trưng nhất của Việt Nam đã được chúng tôi tích hợp trong video clip này. Video sẽ được phát 300 lần trong 3 tháng, trong đó 20% là phát vào giờ vàng.

- Theo kế hoạch, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành cuối năm 2015. Sự kiện này đặt ra những cơ hội, thách thức gì đối với du lịch Việt Nam, thưa ông?

- Đây là sự kiện lớn tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Cộng đồng kinh tế ASEAN vừa tạo ra cơ hội lại vừa tạo ra những thách thức. Bản thân các nước ASEAN là thị trường lớn, khi tham gia cộng đồng này, chúng ta có thể khai thác lượng khách tiềm năng rất lớn. Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng tạo ra sân chơi, đòi hỏi mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Hơn nữa, nó cũng tạo cơ hội luân chuyển lao động giữa các nước. Chúng ta vừa có cơ hội đưa lao động của nước ta đến làm việc tại các nước trong khu vực, nhưng chúng ta cũng có thể bị mất một số vị trí việc làm, đặc biệt là vị trí quản lý cao cấp. Người lao động Việt Nam năng động, sáng tạo, thông minh nhưng vẫn còn có những hạn chế về trình độ, kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kỷ luật lao động. Chính vì vậy, nếu không nhanh chóng nâng cao năng lực của mình, chúng ta sẽ bị thua trên sân nhà.

Về phía ngành Du lịch, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho hội nhập vào ASEAN thông qua thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong nghề du lịch MRA-TP. Các nội dung chúng tôi tập trung đầu tư chuẩn bị, gồm: Nâng cao nhận thức tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp, người lao động có thể hiểu được yêu cầu đặt ra, cơ hội và thách thức khi hội nhập; hoàn thiện 8 bộ tiêu chuẩn nghề để được thừa nhận trong ASEAN; hình thành thể chế nghề lao động trong du lịch...

- Xin cảm ơn ông!

Lâm Vũ