Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Trà Vinh, Bình Định, Hậu Giang, Cao Bằng

Chính trị - Ngày đăng : 06:21, 16/10/2015

(HNM) - Ngày 15-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc với sự có mặt của 350 đại biểu chính thức đại diện cho 49.556 đảng viên trong toàn Đảng bộ.


Chủ đề đại hội, đồng thời cũng là mục tiêu, động lực phấn đấu của TP Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2015-2020 là: "Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, phát huy sức mạnh đồng thuận, huy động mọi nguồn lực để phát triển TP Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại". Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Đà Nẵng qua các thời kỳ đã dự đại hội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN


Phát biểu tại đại hội, đồng chí Trương Tấn Sang thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, nhân dân TP Đà Nẵng đạt được trong thời gian qua. Đồng chí Trương Tấn Sang nêu rõ, bên cạnh niềm tự hào về những thành quả đã đạt được, Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI cũng cần nghiêm túc đánh giá đúng mức những yếu kém, khuyết điểm trên các lĩnh vực trong nhiệm kỳ qua.

Với vai trò là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng phải đi đầu trong phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển trong vùng. Thành phố cần đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, viễn thông, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ có giá trị gia tăng cao, phát huy tốt vai trò trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục và đào tạo của khu vực.

Thành phố phát triển nhanh du lịch, coi đây là mũi nhọn kinh tế; phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp; xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến; nâng cao chất lượng, kết quả xây dựng nông thôn mới; đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển, nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, phấn đấu trở thành một trung tâm kinh tế biển của khu vực và cả nước. Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại, sánh vai với các thành phố trong khu vực Đông Nam Á.

* Ngày 15-10, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Tham dự đại hội có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện các ban, bộ, ngành trung ương và 344 đại biểu đại diện cho hơn 38.800 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh đã đạt được trong 5 năm qua, đồng thời cũng chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua của Đảng bộ tỉnh Trà Vinh. Đồng chí nhấn mạnh một số yêu cầu để Đảng bộ Trà Vinh đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đột phá chiến lược, đó là: Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, như: Lúa gạo, trái cây, thủy sản...

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: Trà Vinh là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo, vì vậy tỉnh cần thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; chăm lo đời sống các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biển; tăng cường xây dựng Đảng, thường xuyên xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, gắn với Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về
tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

* Ngày 15-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) đã khai mạc trọng thể, với chủ đề "Tiếp tục xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung". 349 đại biểu ưu tú đại diện cho trên 58 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ đã về dự đại hội.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo đại hội, nêu rõ: Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Bình Định đã có những bước phát triển mới, khá toàn diện, thế và lực của tỉnh ngày càng được tăng cường. Đồng chí Tòng Thị Phóng cho rằng, để tỉnh Bình Định thực hiện đạt các mục tiêu, kế hoạch mà đại hội tỉnh đề ra trước hết tỉnh cần căn cứ vào tiềm năng lợi thế và tình hình thực tế của địa phương, đề ra những giải pháp đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất cạnh tranh; xác định các vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong 5 năm tới.

Đồng chí Tòng Thị Phóng lưu ý, bên cạnh phát huy tiềm năng, thế mạnh trong nông nghiệp, nhất là đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, tỉnh cần tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế về nguồn nguyên liệu theo hướng tăng tỷ trọng các mặt hàng tinh chế, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tỉnh cần tập trung đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu phát triển các dịch vụ vận tải có lợi thế, nhất là dịch vụ cảng biển; tập trung phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và Khu kinh tế Nhơn Hội thu hút đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm, tạo bước phát triển đột phá; đồng thời phát triển hài hòa hơn nữa các vùng đô thị, vùng biển, vùng ven biển, vùng đồng bằng, trung du và miền núi để giảm dần khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn tỉnh...

* Sáng 15-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc trọng thể, với chủ đề: "Phát huy sức mạnh đoàn kết, tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nhất là nông nghiệp, nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phấn đấu đến năm 2020 Hậu Giang trở thành tỉnh thành khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; nguyên lãnh đạo tỉnh Hậu Giang qua các thời kỳ; cùng 320 đại biểu đại diện cho hơn 30.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Phát biểu tại đại hội, đồng chí Đinh Thế Huynh ghi nhận thành tựu, kết quả đạt được của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí Đinh Thế Huynh lưu ý nhiệm kỳ tới Hậu Giang cần tập trung cho sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng tốt, gắn với công nghiệp chế biến để đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nhằm không ngừng nâng cao giá trị sản xuất. Hậu Giang cần tiếp tục huy động, khai thác các nguồn lực để từng bước đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển. Tỉnh cần có những giải pháp thật quyết liệt, năng động, sáng tạo, vận dụng cơ chế chính sách của Trung ương, đồng thời xúc tiến cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến sản xuất và kinh doanh trên địa bàn.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế, các hoạt động văn hóa, thể thao, thực hiện chính sách an sinh xã hội; trong đó việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là khâu đột phá chiến lược. Đồng thời Hậu Giang cần quan tâm công tác đào tạo nghề cho người lao động để cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật, có tay nghề cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng an ninh; tăng cường đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa và đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội.

* Ngày 15-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc với chủ đề "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư, đưa Cao Bằng trở thành tỉnh năng động, phát triển". Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và chỉ đạo đại hội. Dự đại hội còn có đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 350 đại biểu đại diện cho hơn 47.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Cao Bằng. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã gửi lẵng hoa chúc mừng đại hội.

Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Ngô Xuân Lịch đánh giá cao những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đạt được trong 5 năm qua. Đồng chí Ngô Xuân Lịch đề nghị, tại đại hội này, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng cần nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực chất các hạn chế để tìm ra nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan và đề ra các biện pháp khắc phục, nhất là trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để có những căn cứ quan trọng xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. 

HNM