Diễn cảnh “nóng” Tiên Dung tắm tiên gặp Chử Đồng Tử bằng rối nước

Văn hóa - Ngày đăng : 14:10, 15/10/2015

(HNMO) – Trong Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ 4 diễn ra tại Hà Nội, Nhà hát múa rối Việt Nam khiến nhiều khán giả bất ngờ khi táo bạo tái hiện cảnh “nóng” Tiên Dung tắm tiên gặp Chử Đồng Tử bằng rối nước.

Vở rối "Chuyện tình Dạ Trạch" có cảnh con rối leo cột và bắn pháo hoa


Vở rối nước “Chuyện tình Dạ Trạch” do đạo diễn, NSƯT Lê Hồng Hà viết kịch bản và dàn dựng ra mắt khán giả Việt Nam đầu tháng 10 và là một trong những vở rối của Nhà hát múa rối Việt Nam tham gia Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ 4 tại Hà Nội diễn ra từ ngày 10 đến 16/10.

Vở rối khiến nhiều người xem thích thú không chỉ bởi tích truyện dân gian quen thuộc nói về chuyện tình của Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung mà nó còn gợi cho người xem trở về những cảnh thôn quê gần gũi.

Điều đặc biệt, nút thắt quan trọng của tích truyện này là cảnh Chử Đồng Tử nhường khố cho cha khi cha mất và cảnh Tiên Dung tắm tiên trên sông Nhị Hà, sau đó nàng găp Chử Đồng Tử đang vùi mình xuống cát đã được đạo diễn xử lý khéo léo khi kết hợp giữa múa rối cùng hoạt hình cắt giấy. Trong đoạn được là cho là lãng mạn này, các nghệ sĩ múa rối đã cố gắng để con rối thể hiện cảnh công chúa Tiên Dung tự múc gáo nước của dòng sông dội lên người sau bức rèm che tạo một hiệu ứng hình ảnh rất đặc biệt với người xem…

Một cảnh trong vở rối


Chia sẻ về vở rối, đạo diễn NSƯT Lê Hồng Hà cho biết: “Đây cũng là lần đầu tiên nghệ thuật truyền thống rối nước Việt Nam kết hợp với nghệ thuật sắp đặt và hoạt hình cắt giấy. “Chuyện tình Dạ Trạch” dựa trên câu chuyện cảm động về tình yêu thiêng liêng và lòng hiếu thảo của Chử Đồng Tử. Đầm Dạ Trạch đã ghi dấu mối tình tuyệt đẹp, lãng mạn của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái như những áng thơ bay bổng, ngọt ngào nhất và hóa thành bất tử. Chử Đồng Tử đi vào tâm thức người Việt và được tôn thờ là Thánh Chử Đạo Tổ - một trong “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người Việt. Tình yêu bất tử ấy là thông điệp mà tôi muốn chọn để chuyển thể để tham gia Liên hoan lần này”.

Nói về việc kết hợp giữa rối nước với các loại hình nghệ thuật khác, đạo diễn Hồng Hà cho biết, chị muốn thổi nét tươi mới vào rối nước, vì thế vở rối tuy vẫn trong không gian thủy đình nhưng qua cách thể hiện mới được phát triển lên với yếu tố đương đại như màn pháo sáng mở đầu, cảnh thuyền đuốc, chọi gà, bơi thi, đánh cá... Điệu múa bát tiên truyền thống của rối nước cũng được nâng cấp lên thành một nhóm múa cung đình mềm mại, uyển chuyển không khô cứng như những con rối trước đây.

Điều đặc biệt nữa ở rối nước này là phần âm nhạc. Nếu như trước kia những vở rối nước thường được diễn trên nền nhạc truyền thống thì ở “Chuyện tình Dạ Trạch” lạ là âm nhạc world music, khiến cho vở rối mang hơi thở và hấp dẫn hơn.

Vở rối “Chuyện tình Dạ Trạch” hiện đã ra mắt khán giả Thủ đô và hứa hẹn sẽ làm nên chuyện ở kỳ Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ 4.

Đạo diễn, NSƯT Lê Thị Hồng Hà là diễn viên múa rối duy nhất đạt học bổng của UNESCO, tham gia chương trình Giao lưu hợp tác với các nghệ sỹ múa rối quốc tế tại Viện múa rối Quốc tế Charleville - Mezieres năm 1998. Chị từng giành nhiều huy chương trong các kỳ Liên hoan múa rối quốc tế tại Hà Nội như: HCV vai vũ nữ trong vở “Chuyện cổ Andersen” tại LH Múa rối Quốc tế lần thứ 1 tại Hà Nội (2008); HCB đạo diễn chương trình "Hồn khí Thăng Long", tại Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ 2 tại Hà Nội năm 2010; giành giải vở diễn ấn tượng với tác phẩm "Sắc màu Tây Nguyên" tại Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ 3, tổ chức tại Hà Nội năm 2012.

Hoàng Quyên