Xe bọc thép của phát xít Đức nguyên vẹn sau 70 năm dưới lòng sông

Xã hội - Ngày đăng : 10:01, 15/10/2015

(HNMO) - Một chiếc xe bọc thép bán xích thuộc biên chế quân đội Wehrmacht - phát xít Đức - vừa được tìm thấy dưới lòng sông Pilica đoạn chảy qua làng Gorki (Ba Lan). Cỗ máy chiến tranh này đã nằm im dưới lớp cát đáy sông trong suốt 70 năm qua nhưng lại còn nguyên vẹn.


Việc trục vớt được Bảo tàng công nghệ quân sự Ba Lan thực hiện và dự kiến chiếc xe sẽ được trưng bày vào năm tới. Mang số hiệu kĩ thuật Sd. Kfz. 250, chiếc xe được tìm thấy có nhiều nét tương đồng với mẫu Sd. Kfz. 251 do Hanomag thiết kế. Dù được hoàn tất thiết kế vào năm 1939 để hỗ trợ cho các mẫu xe bán xích tiêu chuẩn, phải tới giữa1941, lô 250 chiếc Sd. Kfz. 250 đầu tiên mới xuất hiện trên chiến trường do trì hoãn trong việc sản xuất.


Về mặt kĩ thuật, Sd. Kfz. 250 sở hữu động cơ Maybach 6 xy lanh, làm mát bằng chất lỏng, dung tích 4,17 lít (chạy xăng) cho công suất 100 mã lực. Xe sử dụng hộp số bán tự động với bảy cấp số tiến và ba cấp số lùi. Điểm độc đáo nhất nằm ở chỗ Sd. Kfz. 250 sử dụng thân cứng (như thân tàu) thay vì khung như xe hơi thông thường. Đây được xem là thiết kế độc nhất vô nhị chỉ có ở xe bán xích của Đức và cực kì bền bỉ.


Bản thân Sd. Kfz. 250 được quân đội Đức sử dụng rộng rãi trong suốt giai đoạn thế chiến thứ II với nhiều biến thể phục vụ các mục đích từ vận chuyển quân cơ bản, bọc thép phục vụ cho việc trinh sát, chiến đấu, tiếp tế. Xe thường được trang bị một hoặc hai súng máy MG34 trong giai đoạn đầu có mặt. Về sau, súng này được thay thế bằng loại 20mm, 37mm hoặc thậm chí pháo 75mm cùng giáp hạng nhẹ trong vai trò xe hỗ trợ tiền tuyến.



Đáng nể hơn cả là việc chiếc xe được vớt lên gần như trong tình trạng hoàn hảo về ngoại hình. Thậm chí bánh trước của xe vẫn quay, xích còn nguyên vẹn, lốp vẫn còn rõ chữ Continential và ngay cả lớp sơn nguyên gốc vẫn còn rõ nét - những điều dường như chỉ có thể là hệ quả của ngành công nghiệp cơ khí huyền thoại nước Đức!


HNMO xin gửi tới bạn đọc bộ ảnh về chiếc xe mới được trục vớt - vốn được xem là một trong những biểu tượng của ngành công nghiệp quốc phòng Đức trong thế chiến thứ II này.







Hoàng Linh