Đầu tư đúng hướng và hiệu quả

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:59, 15/10/2015

(HNM) - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, góp phần đáng kể trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.


Những năm gần đây, một trong những công trình quan trọng góp phần khẳng định sự đầu tư đúng hướng và hiệu quả là Cụm công nghiệp (CCN) Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Đây là một tổ hợp liên hoàn, khép kín và có sự bổ trợ lẫn nhau để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, góp phần đáng kể trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia.

Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Ảnh: Thanh Dũng


Vận chuyển an toàn khí PM3

Nằm trong CCN này có Công ty Khí Cà Mau thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas - Tập đoàn PVN). Kể từ thời điểm dòng khí PM3 đầu tiên được đưa vào bờ (tháng 5-2007), đến đầu năm 2015, Công ty Khí Cà Mau đã cấp hơn 10,86 tỷ mét khối khí cho Nhà máy Điện Cà Mau, Đạm Cà Mau để sản xuất hàng nghìn tấn ure và hơn 57 tỷ KWh điện, chiếm 7% sản lượng điện và 40% sản lượng phân đạm của cả nước. Trong hơn 8 năm hoạt động, PV Gas và Công ty Khí Cà Mau không để xảy ra một tai nạn lao động hay sự cố nghiêm trọng nào trên toàn bộ hệ thống khí PM3 - Cà Mau. Mỗi năm, lợi nhuận từ hoạt động vận chuyển khí PM3 - Cà Mau đạt 400-600 tỷ đồng.

Mới đây, tại CCN Khí - Điện - Đạm Cà Mau, dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy xử lý Khí Cà Mau, do PV Gas làm chủ đầu tư đã được khởi động. Theo ông Lê Như Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PV Gas, khi dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau được vận hành sẽ cung cấp ra thị trường khoảng gần 600 tấn LPG/ngày (tương đương 200.000 tấn LPG/năm), cung cấp 35 tấn Condensate/ngày (khoảng 12.000 tấn Condensate/năm), doanh thu trung bình 210 triệu USD/năm (tương đương 4.484 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế là 30,3 triệu USD/năm (tương đương 647 tỷ đồng), đóng góp cho ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 3 triệu USD/năm (tương đương 65 tỷ đồng). Ngoài ra, dự án này sẽ giúp cân đối cung cầu về khí tại khu vực Tây Nam Bộ, đa dạng hóa các sản phẩm dầu khí có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu sản phẩm khí hóa lỏng và hóa dầu tại tỉnh Cà Mau, khu vực Tây Nam Bộ và trên toàn quốc…

Hơn 57 tỷ KWh đã phát lên lưới điện quốc gia

Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau (PV Power CM - Chi nhánh của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - Tập đoàn PVN) được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành 2 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) khí chu trình hỗn hợp Cà Mau 1&2 có tổng công suất 1.500MW (750MW x 2), sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới do Tập đoàn Siemens CHLB Đức sản xuất. Ông Hồ Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc công ty cho biết, NMNĐ Cà Mau 1, phát điện lên lưới quốc gia ngày 4-4-2007, vận hành thương mại tháng 3-2008. NMNĐ Cà Mau 2, phát điện lên lưới quốc gia vào tháng 8-2008, vận hành thương mại tháng 12-2008. Sản lượng điện sản xuất hằng năm khoảng 7-8 tỷ kWh (chiếm 7% sản lượng điện cả nước, mùa khô chiếm hơn 8%). Do ở vị trí cuối cùng của đất nước, cũng như điểm cuối của hệ thống điện nên NMNĐ Cà Mau 1&2 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và hệ thống điện miền Nam nói chung.

Kể từ khi vận hành đến nay, NMNĐ Cà Mau 1&2 đã phát lên lưới điện quốc gia với tổng sản lượng đạt hơn 57 tỷ KWh, doanh thu lũy kế đạt hơn 83.600 tỷ đồng, nộp NSNN 1.980 tỷ đồng. Riêng 9 tháng năm nay, tổng sản lượng điện sản xuất đạt 5,79 tỷ KWh (đạt 106% kế hoạch), doanh thu đạt khoảng 6.930 tỷ đồng (78%). Mặc dù sản lượng điện sản xuất tăng, nhưng doanh thu giảm là do giá khí giảm thấp hơn so với kế hoạch. Từ nay đến cuối năm, mặc dù còn gặp khó khăn do phải giảm tải các tổ máy, do áp suất khí cấp trên các đường ống giảm, nhưng PV Power CM vẫn phấn đấu hoàn thành kế hoạch SXKD cả năm đạt trên 7,6 tỷ KWh, tổng doanh thu đạt hơn 8.660 tỷ đồng, nộp NSNN 420 tỷ đồng…

Những "hạt ngọc" cho "mùa vàng"

Trong CCN này còn có Nhà máy Đạm Cà Mau, thuộc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PV CFC), sử dụng công nghệ của các hãng chế tạo Snamprogetty (Italia); Haldor Topsoe (Đan Mạch) và TEC (Nhật Bản). Đây là những công nghệ hiện đại, an toàn và được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Đức Thành chia sẻ, cuối tháng 1-2012, Nhà máy Đạm Cà Mau đã cho ra lò những dòng sản phẩm thương mại đầu tiên. Kết quả đáng mừng là đạm hạt đục do nhà máy sản xuất đã đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành với chất lượng cao.

Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn/năm đi vào hoạt động đã góp phần đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu ure cả nước với 40% thị phần toàn thị trường. Dòng sản phẩm nội địa này sẽ làm bình ổn thị trường, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, PV CFC đã đạt sản lượng ure quy đổi hơn 602 nghìn tấn, tiêu thụ hơn 581,6 nghìn tấn, đạt doanh thu hơn 4.245 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 430 tỷ đồng… Kết quả này đã góp phần hạn chế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Ngoài việc tổ chức sản xuất, PV CFC đang tranh thủ mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đưa sản phẩm đạm hạt đục tiêu thụ tại các thị trường ở ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên một cách nhanh nhất, chi phí thấp nhất.

CCN Khí - Điện - Đạm Cà Mau được vận hành đã mở ra một trang mới, thúc đẩy nền KT-XH Cà Mau vươn lên tầm cao mới, từ tỉnh thuần nông, Cà Mau đã trở thành tỉnh có tốc độ công nghiệp phát triển đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL và thứ 17 của cả nước.

Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 776/QĐ-TTg (ngày 26-6-2001) và giao Tập đoàn PVN làm chủ đầu tư, khi hoàn thành, đưa vào hoạt động đã làm thay đổi diện mạo vùng đất bạt ngàn rừng tràm. Khu công nghiệp hiện đại, năng động này góp phần đáng kể làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Cà Mau, thúc đẩy tỷ trọng cơ cấu công nghiệp xây dựng và dịch vụ tăng với tốc độ khá nhanh.

Địa điểm xây dựng CCN này là xã Khánh An, huyện U Minh, với diện tích quy hoạch hơn 1.200ha. Các hạng mục chính được xây dựng, gồm công trình đường ống dẫn khí PM3, Nhà máy Điện Cà Mau, Nhà máy Đạm Cà Mau, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình phụ trợ. Theo đó, một lượng lớn khí đốt sẽ dùng để phát điện cho NMNĐ Cà Mau 1&2; đồng thời, lượng khí đó cũng được dùng làm nguyên liệu cho Nhà máy Đạm Cà Mau chế biến phân ure hạt đục.

Mai Châu