Từ vụ hỏa hoạn tại chung cư CT4 Xa La: Cháy nhà… ra sai phạm
Đời sống - Ngày đăng : 06:47, 15/10/2015
Việc để tồn tại những công trình chưa đủ tiêu chuẩn về PCCC mà vẫn được đưa vào hoạt động như chung cư CT4 Xa La cho thấy, công tác quản lý nhà nước và việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực PCCC chưa thực sự nghiêm minh. Và chắc chắn tại các công trình, khu dân cư chưa xảy ra hỏa hoạn không có nghĩa là ở những nơi đó đã làm tốt công tác PCCC.
Cảnh sát PCCC kiểm tra hệ thống chiếu sáng, đèn thoát hiểm. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN |
Phạt cho... tồn tại?
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, luôn quán triệt phương châm lấy phòng ngừa là chính, ngay từ đầu năm, Cảnh sát PC&CC thành phố đã chỉ đạo các đơn vị triển khai 10 kế hoạch, chuyên đề về công tác phòng ngừa, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân PCCC. Với chức năng nhiệm vụ được giao là quản lý nhà nước trong lĩnh vực PCCC, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, phúc tra 14.709 lượt đơn vị, cơ sở về công tác PCCC, qua đó phát hiện, yêu cầu các đơn vị, cơ sở khắc phục 50.384 tồn tại, thiếu sót về PCCC. Cảnh sát PC&CC đã xử phạt vi phạm hành chính 1.691 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền hơn 3 tỷ đồng...
Số cơ sở được kiểm tra, phúc tra không nhỏ, vi phạm được xử lý khá nhiều. Cảnh sát PC&CC cũng đánh giá là ý thức về PCCC của người đứng đầu đơn vị, cơ sở và cả người dân có phần được nâng cao. Tuy nhiên, thực tế là không ít công trình vi phạm, đã được kiến nghị khắc phục, đã bị xử phạt nhưng không có động thái sửa chữa, khắc phục và để hoạt động bình thường. Khi đánh giá các vụ cháy, ngoài những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cháy nổ do sự cố thì cơ quan chức năng cũng cho biết, việc chữa cháy khó khăn, cứu hộ phức tạp, hiệu quả không như mong muốn đều do những bất cập của công trình đã được phát hiện, yêu cầu khắc phục trước đó.
Điều đó cho thấy, để xảy ra các vụ cháy còn vì biện pháp xử lý vi phạm chưa nghiêm. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính chưa thực sự đạt hiệu quả cao trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về PCCC. Dù có nhiều cố gắng, song Cảnh sát PC&CC cũng thừa nhận tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCC cho quần chúng nhân dân chưa được lực lượng Cảnh sát PC&CC cũng như các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức... Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới phạt thì cứ phạt, khắc phục được thì tốt, không thì... thôi cho tới khi xảy ra hỏa hoạn. Về vấn đề này, Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PC&CC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) nhìn nhận, dẫn đến tình trạng đó cũng có phần trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PC&CC khi chưa kiên quyết thực hiện việc ngăn chặn.
Không được phép xuê xoa, dễ dãi
Về phía chủ quan, lãnh đạo Cảnh sát PC&CC thành phố tự nhận, để xảy ra tồn tại, hạn chế trên là do chất lượng cán bộ thực hiện hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC chưa cao, quá trình kiểm tra an toàn PCCC chủ yếu dựa vào nhận thức cảm quan của cá nhân. Hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC chưa đầy đủ. Về khách quan, sự phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PC&CC với các đơn vị khác trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC còn lỏng lẻo. Về hành lang pháp lý, chưa có những chế tài cụ thể, có sức răn đe mạnh mẽ về việc cưỡng chế thi hành việc chấp hành nộp phạt khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC...
Những hạn chế trên khiến cho hiệu lực pháp luật ở lĩnh vực PCCC không hiệu quả để ngăn chặn và giảm thiệt hại do cháy nổ. Minh chứng rõ nhất là Cảnh sát PC&CC phát hiện, xử lý vi phạm nhưng không ngăn được chủ đầu tư tiếp tục giao dịch, bán căn hộ để người mua sử dụng công trình dù chưa bảo đảm các yếu tố về PCCC. Mức xử phạt thấp nên không đủ sức răn đe. Không ít chủ cơ sở, đơn vị chậm hoặc cố tình phớt lờ yêu cầu thực thi quy định thì riêng Cảnh sát PC&CC không đủ năng lực cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như cưỡng chế yêu cầu khắc phục vi phạm.
Để quản lý về PCCC thực sự hiệu quả, công tác kiểm tra, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC cần phải được thực hiện nghiêm minh. Về phía mình, Cảnh sát PC&CC thành phố cho rằng đơn vị xác định rõ yêu cầu phải nâng cao hơn nữa năng lực, hoàn thiện tổ chức lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC. Bên cạnh đó, Cảnh sát PC&CC đưa ra một số kiến nghị, trong đó đáng chú ý là phải làm sao tổ chức có hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát PC&CC thành phố với các cơ quan quản lý nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC, để việc xử lý vi phạm thực sự có hiệu lực, biểu thị được sức mạnh của pháp luật... Phát hiện ra những thiếu sót trong an toàn về PCCC là quan trọng, song phát hiện và kiến nghị khắc phục không phải chỉ để thể hiện trên giấy tờ, văn bản mà điều cần là những tồn tại đó phải được khắc phục kịp thời, bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân.
An toàn về PCCC là yếu tố liên quan đến tính mạng con người, tài sản xã hội và nhân dân. Vì vậy, việc thực thi pháp luật trên lĩnh vực này không thể xuê xoa, dễ dãi. Yêu cầu đặt ra là xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC nhằm bảo đảm an toàn PCCC phải là công cụ để bảo vệ và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, giữ vững trật tự kỷ luật nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân về PCCC. Để làm việc đó, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ về PCCC.