Mua căn hộ cao cấp để... sống cùng nước thải!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:31, 15/10/2015
Sống cơ cực dưới 4… nhà vệ sinh
Báo Hànộimới nhận được phản ánh từ bà Phạm Thị Kim Anh, chủ căn hộ A1-6, khu phố Hưng Vượng 2, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng về tình trạng xuống cấp trầm trọng tại căn hộ mà bà đang sử dụng. Căn hộ có diện tích hơn 142m2, gia đình bà Kim Anh ký hợp đồng chuyển nhượng vào tháng 4-2009 với giá 3,8 tỷ đồng. Dọn vào ở khoảng hai tháng thì… nước từ trần nhà thấm xuống phòng thờ và phòng ngủ. "Truy tìm" nguyên nhân, gia đình bà Kim Anh tá hỏa khi phát hiện phòng thờ và phòng ngủ của gia đình bà nằm dưới… 4 nhà vệ sinh của hai căn hộ tầng trên và vết thấm là do nước từ các nhà vệ sinh chảy xuống. Vết thấm trên tường có màu vàng, bốc mùi vô cùng khó chịu.
Ống nước thải lộ thiên được nối trực tiếp từ 4 nhà vệ sinh xả thẳng xuống hố phân dưới nền nhà. |
Bà Kim Anh cho biết, gia đình bà có 4 thế hệ gồm cha, vợ chồng bà, vợ chồng con trai bà và cháu nhỏ. Để được sống chung dưới một mái nhà, vợ chồng bà bán căn nhà của mình và cha chồng của bà - giáo sư Lâm Công Định cũng bán căn nhà ông đang ở để mua căn hộ. Dọn về ở thì căn hộ bị thấm dột. Do lớn tuổi, Giáo sư Lâm Công Định không đủ sức khỏe và không thể chịu đựng được mùi hôi thối đành ra ngoài thuê nhà ở riêng. "Chúng tôi đã động viên cha bán căn nhà của ông, nên khi nhà đầu tư phủi tay chúng tôi giống như người đã lừa gạt cha mình", bà Kim Anh bức xúc. Tự trách mình đã đưa cha vào tình cảnh phải đi ở nhà thuê, chồng bà lo lắng mất ngủ trong một thời gian dài. Vào một buổi sáng trong khi nước từ 4 nhà vệ sinh tiếp tục nhỏ giọt, hôi thối ngập ngụa, ông đã đột quỵ, bà Kim Anh kể và cho biết thêm: Chồng bà đột quỵ đã khiến căn bệnh suy thận nặng hơn. Bệnh viện khuyên nên mua máy chạy thận đặt trực tiếp tại nhà cho thuận tiện trong việc điều trị. "Nhưng khi họ đến nhà đặt máy (chạy thận), thấy 4 bức tường vàng khè, trần nhà ẩm thấp, nước tong tỏng chảy xuống. Khi biết nguyên nhân là do nước thấm từ 4 toilet bên trên, họ không cho đặt máy trong môi trường này", bà Kim Anh nói.
Chồng bà Kim Anh đã đột ngột qua đời tại chính căn hộ trên sau cơn suy thận cấp. "Vì nhà không thể đặt máy chạy thận, nên phải mất 4 giờ sau mới đến bệnh viện chạy thận được, nếu nhà đủ điều kiện đặt máy chạy thận, hỗ trợ kịp thời thì chồng tôi đâu có mất", bà Kim Anh cho biết. Đau lòng hơn, do Giáo sư Lâm Công Định đã hơn 90 tuổi nên gia đình không dám báo cho ông cụ biết con trai ông đã qua đời. "Gần hai tháng sau, cha chúng tôi hỏi tình trạng căn nhà đã giải quyết xong chưa, bao giờ ông mới được về để sum họp con cháu. Như phản xạ tự nhiên, tôi nói anh Đức mất rồi. Cha tôi cũng lặng lẽ nhắm mắt ra đi", bà Kim Anh thở dài ân hận.
Không chỉ bà Kim Anh khổ sở khi mua căn hộ này mà chủ nhân của 4 nhà vệ sinh bên trên cũng bị "vạ lây". Chủ 2 căn hộ phía bên trên nhà bà Kim Anh là bà Nguyễn Thị Phương Thảo (căn hộ A17) và Trịnh Hoài Châu (căn hộ A27) rất bức xúc vì năm nào nhà họ cũng bị đào lật nhiều lần để tìm nguyên nhân thấm nước khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Theo chủ căn hộ A27 Trịnh Hoài Châu, nguyên nhân thấm dột nhà bà Kim Anh là do chủ đầu tư thiết kế sai nguyên tắc, các nhà vệ sinh không đi theo cùng một hệ thống từ trên xuống dưới. Kinh khủng hơn, từ sự cố của nhà bà Kim Anh, cư dân khu phố này đã phát hiện 2 ống nhựa PVC (một ống dẫn phân, một ống dẫn nước thải) được lắp đặt… lộ thiên chạy dọc các đầu hồi. Đơn xác nhận của bà Phương Thảo khẳng định, chủ đầu tư đã thiết kế hai ống phân lộ thiên chạy thẳng từ nhà vệ sinh của bà xuống ống cống chung của toàn khu dân cư, khi trời mưa nước ngập sân thì cư dân phải lội trong dòng nước ô nhiễm. Quan sát khu nhà, phóng viên cũng nhận thấy hai ống dẫn lộ thiên được cho là ống dẫn phân và nước thải ngay sân chơi của trẻ em.
Hết hạn bảo hành, người mua tự chịu?
Lá đơn khiếu nại đầu tiên được bà Kim Anh gửi đến chủ đầu tư vào tháng 5-2010. Sau đó, Công ty Phú Mỹ Hưng đã cử nhân viên kỹ thuật xuống ghi nhận, sửa chữa. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau trần nhà bà lại xuất hiện thêm những điểm thấm mới, bốc mùi khó chịu hơn. Bốn tháng sau, bà Kim Anh tiếp tục gửi khiếu nại đến chủ đầu tư và cũng không được giải quyết thỏa đáng. Đến ngày 28-9-2010, ông Nguyễn Bửu Hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng đã ký Công văn số 1268-2010/PMH-HM trả lời bà Kim Anh. Trong công văn phản hồi này, Công ty Phú Mỹ Hưng cho rằng, khu nhà Hưng Vượng 2 được công ty xây dựng và bàn giao cho khách hàng mua đầu tiên vào tháng 4-2004. Sau đó, qua hai lần chuyển nhượng lại hợp đồng thì đến lượt bà Kim Anh mua lại. Như vậy, tính đến thời điểm bà Kim Anh phát hiện tình trạng xuống cấp, căn hộ đã được sử dụng 7 năm. Căn cứ theo Luật Nhà ở cũng như các quy định liên quan về quản lý chất lượng công trình xây dựng thì chủ đầu tư đã hoàn thành công tác bảo hành. Mặt khác, trong hợp đồng mua bán, bà Kim Anh đã ký xác nhận "Bên B đồng ý mua bán căn hộ theo như hiện trạng đã khảo sát. Bên A không có nghĩa vụ bảo hành".
Bà Kim Anh đã cậy nhờ các chuyên gia, kỹ sư, kiến trúc sư đến khảo sát hiện trạng căn hộ của bà và văn bản của các kỹ sư cũng cho rằng việc xử lý thấm căn hộ của bà không triệt để là do lỗi thiết kế của chủ đầu tư. Trong đơn kiện gửi lên Tòa án nhân dân (TAND) Quận 7, bà Kim Anh cho rằng, việc thiết kế 4 nhà vệ sinh với ống dẫn chôn kín trong sàn bê tông cốt thép tách biệt với hệ thống nhà vệ sinh chung của toàn lốc nhà A là bất hợp lý, bởi khi xảy ra sự cố như thấm, nứt, vỡ đường ống sẽ rất khó sửa chữa, dẫn đến ô nhiễm vệ sinh môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân có liên quan, mà căn hộ của bà là minh chứng. Trong đơn kiện, bà Kim Anh đã đề nghị làm rõ cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm về sự cố trên từ ngày đầu đưa vào sử dụng tới nay; yêu cầu chủ đầu tư phải đổi cho gia đình bà một căn hộ khác với diện tích tương đương bảo đảm tiêu chuẩn căn hộ cao cấp; trả lại tiền thuê nhà cho cha bà phải ra ở thuê vì không chịu đựng được ô nhiễm môi trường; đồng thời trả tiền thuốc men cấp cứu, chi phí đi lại để chạy thận tại bệnh viện cho chồng bà.
Ngày 21-12-2012, TAND Quận 7 đã triệu tập bà Kim Anh lên để hòa giải. Tuy nhiên, phía tòa vẫn lập luận như phúc đáp từ phía Công ty Phú Mỹ Hưng. Phía chủ đầu tư còn khẳng định, việc thiết kế và bố trí nhà vệ sinh bên trên căn hộ của bà Kim Anh là một giải pháp đối với căn hộ áp mái mà không hề vi phạm quy định về thiết kế. Đến thời điểm này, tức sau hơn 5 năm mòn mỏi đòi lại quyền lợi, phía chủ đầu tư vẫn chưa giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến căn hộ của bà Kim Anh. TAND Quận 7 cho đến nay vẫn… chưa đưa vụ kiện này ra xét xử. Trong văn bản gửi đến TAND Quận 7 mới đây về trường hợp của bà Kim Anh, Công ty Phú Mỹ Hưng giải thích, dự án Hưng Vượng 2 được công ty bán cho khách hàng theo dạng nhà thô. "Trong quá trình thực hiện hoàn thiện nội thất, khách hàng phải bảo đảm thực hiện đúng kỹ thuật, phải bảo đảm vấn đề chống thấm để không làm ảnh hưởng đến các căn hộ kế cận. Công ty không can thiệp vào công tác hoàn thiện này của khách hàng mà khách hàng tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Do vậy, để xảy ra tình trạng thấm dột đối với căn hộ A1-6 không phải là lỗi của công ty", văn bản nêu. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về trường hợp của bà Kim Anh, đại diện Công ty Phú Mỹ Hưng cho biết, công ty cũng đang nóng lòng muốn TAND Quận 7 giải quyết nhanh vụ việc này.
Trong khi đó, bà Kim Anh cũng kiên quyết: "Cũng có người khuyên tôi nên bán căn hộ đi cho bớt khổ nhưng lúc sinh thời cha chồng tôi đã không cho, ông bảo căn nhà này khuyết tật rồi, mình ở không được bán cho người khác là lừa họ. Vì vậy, tôi không bán mà tiếp tục kiến nghị chủ đầu tư phải giải quyết thỏa đáng cho tôi". Hiện bà vẫn mòn mỏi theo đuổi vụ kiện dù chồng và cha đã mất, bà chỉ còn lại một mình.