Quyết định khó khăn
Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 15/10/2015
Tranh cãi càng trở nên gay gắt khi Thủ tướng David Cameron đưa ra những đề xuất mới về quy chế thành viên của Anh trong EU - cơ sở quan trọng để nước Anh thương lượng với giới chức Châu Âu về tương lai của nước này trong EU cũng như tiến hành cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2017.
Đi hay ở lại EU sẽ tác động đến kinh tế Anh. |
Dù chưa rõ lãnh đạo Cựu lục địa sẽ phản ứng như thế nào, nhưng bản đề xuất mới gồm 4 điểm của Thủ tướng D.Cameron được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy một vai trò lớn hơn của Anh trong EU. Cụ thể, thứ nhất Anh đề xuất bồi thường cho các quyết định của EU dẫn tới hội nhập liên bang và các nghị viện quốc gia có quyền ngăn chặn văn bản luật của EU. Thứ hai là thiết lập một thị trường chung EU phù hợp hơn. Thứ ba là các biện pháp hạn chế di chuyển tự do giữa các nước thành viên EU và các thay đổi nhằm hạn chế phúc lợi xã hội cho các công dân EU mới tại Anh. Thứ tư là sự bảo đảm chặt chẽ rằng các nước không nằm trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) như Anh sẽ không phải chịu bất lợi trong quá trình hoạch định chính sách mà các nước Eurozone chiếm đa số.
Bản đề xuất nói trên được Thủ tướng Cameron đưa ra trong bối cảnh các cuộc thương lượng khởi động hồi tháng 7 vừa qua vẫn dừng lại ở mức "kỹ thuật" và cho đến nay chưa có tiến triển do sự thiếu rõ ràng từ phía Anh. Đây chưa phải là văn bản đàm phán chính thức với giới chức Châu Âu nhưng nó được đánh giá ít tham vọng hơn so với những yêu cầu trước đây của Thủ tướng D.Cameron. Các nhà ngoại giao Anh cho rằng, đây là đề xuất khả thi nhất cho đến thời điểm hiện tại, bởi rất khó để có thể tìm kiếm một giải pháp hoàn hảo tuyệt đối giữa Anh đối với cả 27 quốc gia thành viên EU, Ủy ban Châu Âu và Hội đồng Châu Âu.
Nhìn vào lịch sử, Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC) - tiền thân của EU - vào năm 1973. Năm 1975, một cuộc trưng cầu ý dân về việc rút khỏi EEC từng được tổ chức ở Anh và 67,2% người tham gia bỏ phiếu đã không ủng hộ việc rút lui. Tuy nhiên sau bốn thập niên gắn bó, vấn đề đi hay ở lại EU tiếp tục trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi trên chính trường cũng như trong dư luận nước Anh. Đặc biệt, trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng D.Cameron đã cam kết tiến hành trưng cầu dân ý về việc Anh có ở lại EU hay không trước cuối năm 2017. Sau khi giành được chiến thắng thuyết phục, ông đã công du các nước Châu Âu nhằm tranh thủ sự ủng hộ đối với chương trình cải cách của mình. Trên thực tế, đến nay Thủ tướng D.Cameron vẫn kiên quyết với lập trường nước Anh ở lại EU, nhưng với điều kiện phải nhận được sự bảo đảm về những cải cách liên quan đến nhập cư và phúc lợi xã hội… Thế nhưng, các nhà lãnh đạo chủ chốt trong EU, dù khẳng định sẵn sàng lắng nghe và thương thuyết với Anh, nhưng lại cảnh báo sẽ có "giới hạn đỏ" trong đàm phán với Anh chứ không chấp nhận bằng mọi giá.
Vì sao Anh lại muốn rời khỏi EU sau hơn 40 năm gia nhập? Câu trả lời nằm ở sự phát triển èo uột trong những năm gần đây của khối này. Sự quản lý không vững chắc, các chính sách ngặt nghèo, các vấn đề toàn cầu như di cư, nhập cư, căn bệnh trầm kha về kinh tế... cũng khiến nước Anh lưỡng lự. Đó là chưa kể đến sự sụt giảm đáng kể về vị thế và tiếng nói của người Anh trong khối. Dù Anh ra đi hay ở lại EU là câu chuyện của hai năm nữa, song rõ ràng các nhà lãnh đạo EU sẽ không thể vui vẻ nếu thiếu một cường quốc, bởi lẽ việc Anh ra đi chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả to lớn về kinh tế cho khối, đồng thời ảnh hưởng tới tâm lý của các nước thành viên còn lại khác. Nhiều nhà phân tích thậm chí cho rằng, Anh xem xét rút khỏi EU bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong lòng liên minh gồm 28 thành viên này và có thể đẩy EU đi đến những rạn nứt lớn.
Còn đối với nước Anh, việc thay đổi mối quan hệ Anh - EU có thể xoa dịu những người theo chủ nghĩa bài Châu Âu nhưng sẽ ảnh hưởng tới triển vọng ngoại giao của Anh nếu nước này xa rời các đồng minh tại Cựu lục địa. Anh sẽ mất đi vị thế trên trường quốc tế và phải đàm phán lại với EU một loạt hiệp định thuế và thương mại. Vì thế, đây không chỉ là quyết định khó khăn với cả đôi bên mà còn được xem là cuộc chiến "cân não" thực sự. Bởi nếu đàm phán thất bại, thì cả hai bên đều sẽ phải hứng chịu những cơn địa chấn không hề nhẹ.