Phát triển điện hạt nhân: Công chúng còn thiếu thông tin

Công nghệ - Ngày đăng : 06:14, 15/10/2015

(HNM) - Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), thông tin, tuyên truyền là một trong 19 vấn đề cần thiết cơ bản của phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân (ĐHN). Công tác tuyên truyền và thông tin đại chúng về ĐHN phải đi trước một bước khi triển khai dự án và phải tiếp tục thực hiện thường xuyên

Thiếu thông tin

Theo kết quả khảo sát mới đây của IAEA, ở Mỹ, 90% công chúng có xu hướng ủng hộ đa dạng hóa năng lượng, 63% ủng hộ sử dụng năng lượng hạt nhân. Tuy là quốc gia số 1 thế giới về sản lượng ĐHN mỗi năm nhưng chỉ có 25% người dân nước này tin vào mức độ an toàn của năng lượng hạt nhân tới môi trường. Điều đó cho thấy, đại đa số công chúng chưa có nhận thức đầy đủ về năng lượng hạt nhân, dẫn đến không ủng hộ kế hoạch phát triển ĐHN.

Người dân xem quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.



Theo các chuyên gia, nguyên nhân tạo nên mối lo âu của công chúng là do nguy cơ các tai nạn lò phản ứng hạt nhân nghiêm trọng cho dù công nghệ an toàn ngày nay đã tốt hơn trước rất nhiều; sự liên tưởng kết hợp giữa ĐHN và vũ khí hạt nhân; nhất là giải pháp xử lý chất thải phóng xạ. Đặc biệt, sự cố tại Nhà máy ĐHN Fukushima Daiichi (Nhật Bản) xảy ra ngày 11-3-2011 có tác động lớn đến kế hoạch phát triển ĐHN toàn cầu. Nhiều quốc gia tạm dừng vô thời hạn hoặc xem xét lại kế hoạch phát triển ĐHN dẫn đến hoài nghi trong cộng đồng gia tăng.

Ian Hore-Lacy, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Hạt nhân thế giới (WNA) cho biết: ĐHN vẫn cần thiết bởi một số nhân tố không thay đổi: Nhu cầu về một nguồn cung cấp điện năng liên tục và đáng tin cậy, sự cần thiết của việc giảm phát thải CO2 trong sản xuất điện… và ĐHN đáp ứng rất tốt những nhân tố kể trên. Chỉ có than và khí tự nhiên có thể cạnh tranh với ĐHN về giá thành sản xuất cũng như sự tin cậy cũng như tính liên tục. Tuy nhiên, việc sản xuất điện bằng than đã phát thải lượng CO2 khổng lồ vào môi trường. Vì vậy, mục tiêu chủ yếu hiện nay là tăng tính an toàn của ĐHN. Nhiều quốc gia đã đề cập đến việc xem xét lại các tiêu chuẩn về an toàn hạt nhân sau tai nạn tại Fukushima. Đây là điều rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên chúng cũng sẽ không thể khác nhiều so với những tiêu chuẩn hiện tại trong thiết kế lò phản ứng và kiểm soát an toàn hạt nhân, vốn khắt khe hơn nhiều so với những năm 1960 khi Nhà máy Fukushima Daiichi được thiết kế.

Tuyên truyền phải đi trước một bước

Ngày 28-2-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển ĐHN ở Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 370/QĐ-TTg và giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là tỉnh Ninh Thuận tổ chức thực hiện Đề án này một cách tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên đến nay, người dân nơi đặt Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 đang rất băn khoăn về việc dự án phải lùi tiến độ, kéo theo đời sống dân sinh gặp nhiều khó khăn. Điều đó cho thấy công tác thông tin tuyên truyền về vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Nguyễn Phi Long, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận cho biết: Tiến độ xây dựng nhà máy ĐHN tại Ninh Thuận bị chậm và hiện chưa xác định được thời điểm khởi công, dẫn tới xuất hiện thông tin "nhiễu", không chính thống nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người dân tại vùng dự án. Ngoài ra, chức năng quản lý nhà nước về hoạt động thông tin, tuyên truyền ĐHN trên địa bàn tỉnh chưa thống nhất, chưa hình thành một cơ quan thống nhất về lĩnh vực này để tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Thuận.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm thông tin Năng lượng nguyên tử Hà Mạnh Thư cho biết, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm (nằm trong khuôn viên của Thư viện Tạ Quang Bửu thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội - PV) đã đón hàng chục nghìn lượt học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu về ĐHN. Tuy nhiên, hoạt động của đơn vị đã và đang gặp phải khó khăn. Đó là phần lớn các trường phổ thông công lập do phải tuân thủ khung chương trình của ngành Giáo dục - Đào tạo nên nếu không có chỉ đạo hoặc chủ trương chung thì không chủ động trong việc đưa học sinh đến Trung tâm tìm hiểu. Đối tượng tham quan đông đảo đến thời điểm này vẫn là học sinh các trường dân lập, trường quốc tế hoặc phụ huynh muốn bổ sung các hoạt động ngoại khóa cho con ngoài việc học tập tại trường…

Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển ĐHN trên thế giới đã chỉ ra rằng, một trong những thách thức lớn nhất của việc phát triển ĐHN thành công chính là sự "thiếu hụt nhận thức" và sự ủng hộ của công chúng. Do vậy, công tác tuyên truyền về lợi ích cũng như những khó khăn đang gặp phải trong công tác ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình nói chung, phát triển ĐHN nói riêng ở nước ta trong thời gian tới rất cần được đẩy mạnh.

Ian Hore-Lacy, chuyên gia cao cấp của WNA: Nâng cao nhận thức của người dân về ĐHN là trách nhiệm của từng nước và các tổ chức như WNA có thể giúp cung cấp thông tin. Với Việt Nam, chủ đầu tư dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và bộ chủ quản phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, đồng thời nhận phản hồi từ người dân để biết họ quan ngại những điều gì. Đó phải là quá trình trao đổi hai chiều. Nhận thức của người dân là yếu tố rất quan trọng trong kế hoạch phát triển điện hạt nhân. Cần phải chủ động tiếp cận với người dân để giúp họ hiểu nhà máy ĐHN trong tương lai của đất nước sẽ như thế nào, giúp họ ít nhất có những hiểu biết cơ bản để có thể đánh giá thông tin nào đúng, thông tin nào sai.


Hương Chi