“Gỡ khó” cho nhà thu nhập thấp

Bất động sản - Ngày đăng : 06:46, 14/10/2015

(HNM) - Dù được TP Hồ Chí Minh khuyến khích, nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vẫn không mặn mà chung tay với thành phố phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Do đó, chiến lược này nhiều năm qua vẫn giậm chân tại chỗ mặc dù nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn.


Doanh nghiệp "ngó lơ"

Khoảng 2 năm trước, khi thị trường BĐS "xuống đáy", nhằm gỡ khó cho thị trường này, hàng loạt giải pháp được tung ra như gói cho vay 30.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, cho phép chia nhỏ căn hộ, miễn giảm tiền sử dụng đất, tăng hệ số quy hoạch lên 1,5 lần, khuyến khích giảm giá thành... Từ những giải pháp này, thị trường nhà ở đã khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, cũng từ đây, nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp lại dần dần bị đánh bật khỏi thị trường, nhường chỗ cho nhà ở thương mại, nhà dành cho "người có tiền".

Nhiều dự án nhà ở thương mại không tiêu thụ được nhưng vẫn không thể chuyển sang nhà ở xã hội.



Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính được cho là do thị phần nhà ở dành cho người thu nhập thấp không hấp dẫn doanh nghiệp tham gia đầu tư, chính sách chưa đủ "sức bật" trong khi lợi nhuận thấp, rủi ro lại cao. Đơn cử, tại một dự án nhà ở thu nhập thấp tại phường Thảo Điền (Quận 2) có diện tích khoảng 1.900m2 đất được chủ đầu tư mua lại quyền sử dụng đất của dân vào năm 2004 với giá khoảng 2,5 triệu đồng/m2. Tại thời điểm này, giá đất theo quy định của thành phố ở khu vực trên khoảng 12 triệu đồng/m2, còn giá thị trường khoảng trên 20 triệu đồng/m2, nếu lấy giá cũ 2,5 triệu đồng/m2 của năm 2004 để tính giá thành dự án nhà ở thu nhập thấp sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), phần lớn doanh nghiệp hiện nay không mặn mà đầu tư phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp mặc dù chính quyền khuyến khích đầu tư vào loại hình nhà ở này. Hiện nay, thị trường BĐS đã phục hồi lại càng khó thu hút doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. TS Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch HoREA cho biết, nhằm khuyến khích tạo lập nguồn cung dồi dào cho nhà ở thu nhập thấp, nhà nước cho phép chuyển từ căn hộ diện tích lớn sang căn hộ diện tích nhỏ. Tuy nhiên, sau nhiều năm "đóng băng", tồn kho căn hộ quá nhiều mà phần lớn có diện tích lớn. Do vậy, đối với những căn hộ đã xây rồi thì chuyển đổi sang diện tích nhỏ không được, vì vướng những vấn đề kỹ thuật phức tạp. Trong khi đó, đối với những căn hộ đang xây hoặc chuẩn bị xây khi thiết kế căn hộ nhỏ cũng bị vướng rào cản khống chế quy mô dân số, nhằm tránh gia tăng áp lực hạ tầng. Sau khi chuyển đổi xong vẫn không được hưởng ưu đãi chính sách nhà ở thu nhập thấp. "Chính vì vậy, xét cho cùng, hiệu quả kinh doanh không cao nên nhiều doanh nghiệp e ngại", TS Lê Chí Hiếu nhấn mạnh.

Đó là về phía doanh nghiệp, còn về phía người mua cũng rất khó tiếp cận với nhà thu nhập thấp do thủ tục rất nhiêu khê. Theo HoREA, các cá nhân mua nhà có giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn hộ hiện rất khó tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng do trước đây Bộ Xây dựng quy định phải chứng minh thu nhập và phải thuộc đối tượng người có thu nhập thấp đô thị. "Vừa qua, Bộ Xây dựng đã cho phép người thu nhập thấp không cần phải chứng minh thu nhập khi mua nhà ở thương mại, nhưng đối tượng mua nhà ở xã hội thì vẫn phải chứng minh thu nhập theo quy định của Nghị định 188/2013/NĐ-CP nên vẫn khó tiếp cận", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.

Gỡ cách nào?

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, ngày 8-10-2015, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất các giải pháp thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp trên địa bàn thành phố. Qua đó, HoREA đề xuất người mua nhà ở xã hội không cần phải chứng minh thu nhập. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, đối tượng mua nhà ở xã hội phần lớn là người thu nhập thấp đô thị, hộ nghèo, cận nghèo. Và trên thực tế, khi mua nhà ở xã hội, người mua đã dùng chính căn hộ đó để thế chấp cho hợp đồng mua căn nhà. Đồng thời, dự án nhà ở xã hội hình thành trong tương lai khi chủ đầu tư bán cho người tiêu dùng vẫn phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng nên việc chứng minh thu nhập là không cần thiết. Để gỡ vướng về thủ tục, HoREA cũng đề nghị, Chính phủ giao toàn quyền cho UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định phê duyệt các dự án phát triển nhà ở xã hội của địa phương, không phải trình Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước để xét duyệt như hiện nay nhằm giảm thủ tục hành chính không cần thiết.

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại TP Hồ Chí Minh rất lớn. Tuy nhiên, địa phương lại đang đau đầu về phương án quy hoạch nhằm giảm áp lực quá tải về hạ tầng đô thị. Hiện thành phố cũng đã phủ kín quy hoạch phân khu chi tiết 1/2000. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, công tác quản lý nhà nước cần xác định phát triển nhà ở thu nhập thấp cũng phải theo dự án. Còn về phía doanh nghiệp, cần có quy định yêu cầu chủ đầu tư của tất cả các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển nhà ở thu nhập thấp cho người nghèo đô thị. Hiện TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện rà soát quy hoạch, nghiên cứu tạo lập quỹ đất, định hướng phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm trên tất cả các hướng nhằm tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phân khúc nhà ở thu nhập thấp.

Bài, ảnh: Nguyễn Lê