Bài 17: Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa

Văn hóa - Ngày đăng : 06:32, 14/10/2015

(HNM) - Trong giai đoạn 2010-2015, Hà Nội đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình văn hóa; từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về văn hóa…


Phát triển đời sống văn hóa

Trước đây, người dân xã Yên Trung (Thạch Thất) không thể sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều đặn vì thiếu điểm sinh hoạt và cũng không thể hòa tấu cồng chiêng, bởi không còn nhạc cụ, không có người khởi xướng. Quan tâm đến đời sống của đồng bào, từ năm 2010 đến nay, TP Hà Nội đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng thêm 6 nhà văn hóa ở các điểm tập trung đông dân cư. Huyện Thạch Thất trang bị 2 bộ cồng chiêng cho Thôn Lặt và thôn Đồng Tơi để kéo "hồn Mường" trở lại với cộng đồng người Mường ở Yên Trung. Cùng với Yên Trung, đồng bào Mường ở xã Tiến Xuân, Yên Bình (Thạch Thất), Đông Xuân (Quốc Oai) đón luồng văn hóa mới từ khi hệ thống nhà văn hóa phủ kín thôn, làng. "Một thời không có điểm sinh hoạt, người dân bán hết nhạc cụ cồng chiêng và dường như bỏ quên "món đặc sản" tinh thần này. Nay khác rồi, hầu hết phụ nữ độ tuổi trung niên ở các thôn, bản đều tham gia sinh hoạt cồng chiêng và biết chơi chiêng. Thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng ấy, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền về tổ chức việc cưới sao cho trang trọng, tiết kiệm; tổ chức đám tang sao cho văn minh và thực hiện sinh đẻ kế hoạch để có cuộc sống no ấm, hạnh phúc" - bà Bùi Thị Bích Thìn, nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng ở Thạch Thất cho biết.

Phụ nữ dân tộc Mường xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất luyện tập cồng chiêng. Ảnh: Thiên Tú


Về việc đầu tư của TP Hà Nội cho các thiết chế văn hóa trong 5 năm qua, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho rằng: Đây là giai đoạn có tính chất đột phá. Hiện tại, 74/74 thôn, làng trên địa bàn huyện Thanh Trì có nhà văn hóa khang trang, trang thiết bị tương đối đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, rèn luyện thân thể cho mọi tầng lớp nhân dân. Trên bình diện chung, Hà Nội có hệ thống thiết chế văn hóa hoàn thiện bậc nhất cả nước, gồm 7 trung tâm, nhà văn hóa cấp thành phố, 27 nhà văn hóa cấp huyện, 222 nhà văn hóa xã, phường; hơn 3.000 nhà văn hóa thôn, bản.

Một vài ví dụ trên cho thấy, trong 5 năm qua, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cả về vật chất lẫn tinh thần cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đời sống văn hóa có sự phát triển tương đối đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực. Đến nay, thành phố có 85% số hộ, 55% số làng, 70% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa…

Đổi mới phương pháp quản lý

Một thực tế ở nhiều địa phương là tình trạng mạnh ai nấy làm trong việc vận hành, khai thác công năng của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Một số nơi đã cho các tổ chức, cá nhân thuê một phần nhà văn hóa để kinh doanh, có nơi giao cho cán bộ thôn, xóm quản lý mà không kèm theo chế độ trông coi, khiến nhiều nhà văn hóa thường xuyên trong tình trạng cửa đóng, then cài, trong khi người dân thiếu điểm sinh hoạt, vui chơi. Tệ hơn, một số nhà văn hóa còn bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, gây ra sự lãng phí không thể đong đếm…

Trước thực trạng này, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai xây dựng đề án "Khảo sát, đánh giá và đề xuất mô hình hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Hà Nội", nhằm xây dựng hệ thống văn bản pháp quy về đầu tư, quản lý và khai thác hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Hiện tại, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã thực hiện xong công tác điều tra xã hội học về thực trạng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, phát huy giá trị di sản văn hóa hoàn thiện nội dung để từng bước triển khai thực hiện. Ngành Văn hóa Thủ đô cũng đang phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nghiên cứu xây dựng chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở… Trong tương lai gần, những bất cập về công tác quản lý văn hóa cơ sở nói chung, hệ thống thiết chế văn hóa nói riêng ở Hà Nội sẽ được khắc phục.

Trong khi chưa có mô hình quản lý, vận hành thống nhất, quận Long Biên đã khai thác công năng nhà văn hóa bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các phường thành lập câu lạc bộ văn hóa, thể thao. Hiện 14/14 phường ở quận Long Biên đều duy trì hoạt động ba câu lạc bộ văn hóa, thể thao và một câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời, nên các điểm nhà văn hóa hiếm khi vắng người. Các câu lạc bộ văn hóa, thể thao ở phường Bồ Đề, Đức Giang, Ngọc Thụy, Thạch Bàn… còn tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân trong các ngày lễ lớn hoặc phát hành các ấn phẩm thơ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương… Ở thời điểm hiện tại, cách thức vận hành hệ thống thiết chế văn hóa của quận Long Biên là kinh nghiệm quý cho nhiều địa phương khác học tập.

Minh Ngọc