Bộ GT-VT: Hà Nội vẫn còn ít trạm thu phí BOT (?)

Giao thông - Ngày đăng : 19:46, 13/10/2015

(HNMO) - Ngày 13-10, Bộ GT-VT đã tổ chức họp báo quý III-2015. Một trong những nội dung được đề cập nhiều nhất tại buổi họp báo liên quan đến vấn đề bất cập trong thu phí tại dự án BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ và khu vực vùng Thủ đô đang bị các trạm thu phí “bủa vây”.


Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Hiện Hà Nội và các khu vực trong vùng Thủ đô là ít trạm thu phí BOT nhất trên địa bàn cả nước, so với khu vực TP. Hồ Chí Minh chỉ mới bằng ¼. Sắp tới Bộ GT-VT sẽ phối hợp với Hà Nội triển khai đường vành đai 4 (cách vành đai 3 khoảng 10km), trong đó sẽ làm trước các đoạn nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với quốc lộ 1, đoạn nối Hà Nam-Đại lộ Thăng Long và đoạn nối Đại lộ Thăng Long với đường 32 phục vụ cho khu công nghiệp Láng-Hòa Lạc. Tuy nhiên còn đang giai đoạn kêu gọi nhà đầu tư, khả năng phải vài năm nữa mới triển khai bởi các ngân hàng còn đang rà soát hồ sơ. Tại Hà Nội hiện đang chỉ có 2 trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long-Nội Bài và Pháp Vân-Cầu Giẽ.

Với dự án cải tạo, nâng cấp Pháp Vân-Cầu Giẽ thành cao tốc, trước đây nhà tài trợ của Nhật Bản sử dụng vốn dư của một dự án ODA khác để đầu tư tuyến đường này. Phía Nhật Bản đưa ra 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nâng cấp đường đạt tốc độ từ 100-120km/h, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, xin thu phí trong 5 năm. Giai đoạn 2 (sau năm 2023), mở thêm làn thành cao tốc 6 làn xe, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ. Tổng cộng hai giai đoạn là 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó nhà đầu tư Nhật Bản xin rút.

Bộ GT-VT quyết định giao cho nhà đầu tư Việt Nam. Nhà đầu tư nội đưa ra phương án 6.000 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 nâng cấp 4 làn xe đã hoàn thành trong 14 tháng, đường đạt tốc độ lưu thông 120km/h, chất lượng tốt, không bị ùn tắc giao thông. Từ tháng 10-2015, nhà thầu thi công mở rộng thêm 2 làn và dự kiến hoàn thiện toàn bộ vào năm 2018. So với nhà đầu tư Nhật Bản rút được 5 năm và giảm 1.500 tỷ đồng. Bộ GT-VT khẳng định các mức thu và thời gian thu phí đều được Bộ Tài chính phê duyệt trên cơ sở tính toán tổng mức đầu tư, lưu lượng xe… chứ không phải muốn thu thế nào cũng được.

Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường nhận định, đến cuối năm nay, tuyến đường Nguyễn Trãi-Hà Đông sẽ cơ bản không còn ùn tắc nghiêm trọng vì Bộ GT-VT đã hoàn thành và thông xe hầm chui Thanh Xuân. Cùng với đó toàn bộ phần trụ dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã xong, chỉ còn thi công một số nhà ga.

Theo công văn hỏa tốc số 1237 do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký hôm 29-7-2015, yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá toàn bộ các dự án hạ tầng giao thông đường bộ đã, đang và sẽ triển khai theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).

Trong đó, cần rà soát đánh giá về thủ tục đầu tư, hình thức lựa chọn nhà đầu tư, năng lực nhà đầu tư, giá thành, chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư và báo cáo chính phủ trong tháng 9-2015.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện đề án quy hoạch trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ. Trong thời gian quy hoạch chưa được phê duyệt, Bộ GTVT và các tỉnh tạm dừng việc bố trí mới các trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70 km giữa hai trạm trên cùng một tuyến đường (trừ các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Trường hợp đặc biết Bộ GTVT và các tỉnh báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện.

Tuấn Lương