Những cuộc hồi sinh chật vật sau thảm họa
Chuyện đó đây - Ngày đăng : 16:06, 13/10/2015
Malawi
Đầu năm 2015, những trận lụt kinh hoàng và có sức tàn phá lớn đã gây ảnh hưởng tới hơn một nửa lãnh thổ Malawi và khiến khoảng 250.000 người mất nhà cửa. Một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất là huyện Nsanje ở phía Nam đất nước này.
Lucia White (trại Khulubvi, huyện Nsanje)
Lucia là một phụ nữ góa chồng. Khi ngôi nhà bị trận lụt cuốn trôi, cô đã tìm đến sự giúp đỡ của những người họ hàng. Nhưng những con người nghèo khổ ấy cũng không đủ sức cưu mang Lucia và 3 đứa con nhỏ. Bởi vậy, cô quyết định lên đường đến Khulubvi – một khu trại dành cho những người bị mất nhà cửa.
“Tôi chẳng có gì ngoài bộ quần áo đang mặc trên người. Trận lụt đã lấy đi tất cả, 3 bao hạt giống ngô, 30 con gà và 10 con vịt. Chiếc xe đạp duy nhất của nhà chúng tôi cũng đã bị cuốn đi. Tôi chỉ là một người phụ nữ với hai bàn tay trắng. Hiện chúng tôi sống trong một căn lều cùng với 7 gia đình khác”.
Tại khu trại, Lucia tiếp tục chăm sóc các con và nuôi hy vọng về một ngày được trở về nhà đoàn cùng với người thân và trồng lại mảnh ruộng đã bị lũ cuốn trôi.
Messy Gomani (trại Mchere, huyện Nsanje)
Trong những nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi trận lũ kinh hoàng, Messy cùng gia đình đã phải tìm cách trèo lên mái nhà. Thuyền cứu hộ không thể chở được tất cả mọi người, bởi vậy chồng của Messy đã quyết định ở lại.
Một chiếc thuyền khác trở lại để cứu anh ấy nhưng đã quá muộn. Người chồng ra đi để lại Messy cùng những trẻ mồ côi cha. Khi biết tin những người khác đang dựng trại tại các trường học, họ quyết định đến đó tìm nơi trú ẩn.
“Cuộc sống tại đây rất khốn khổ, và trong lòng tôi lúc nào cũng cảm thấy lo lắng. Liệu điều gì sẽ xảy ra, gia đình chúng tôi sẽ phải làm thế nào khi không có nơi để ở”.
Nepal
Tháng 4/2015, một trận động đất làm rung chuyển Nepal và san bằng nhiều làng mạc. Cùng với dư chấn dữ dội, thảm họa này đã khiến khoảng 8.000 người thiệt mạng. Gần 3 triệu người dân trông chờ vào các trợ giúp nhân đạo.
Sua Tamang (huyện Dolakha)
“Con trai và tất cả tài sản của tôi đã bị trận động đất cướp đi. Công sức của mọi người biến mất chỉ trong nháy mắt. Chúng tôi từng có một cuộc sống bình yên trước thảm họa ấy. Tôi sợ rằng mình sẽ không bao giờ có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc một lần nữa”.
Khi trận động đất xảy ra, Sua đang ở trong khách sạn của mình tại làng Singati. Cô và chồng may mắn thoát được khỏi đống đổ nát khi tòa nhà sụp xuống, nhưng họ không thể tìm thấy cậu con trai Ningma. Đêm hôm đó, thi thể của Ningma được phát hiện.
Niv và Shanti Shrestha (huyện Dolakha)
Trong suốt nhiều năm, Niv và Shanti đã làm việc cật lực để nuôi sống gia đình. Trước trận động đất, Niv là một thợ điện và thợ sửa ống nước, còn Shanti có một cửa hàng may khá đông khách. Tất cả những nỗ lực của họ, nhà cửa và của cải, đã bị trận động đất xóa sạch.
“Những gì chúng tôi tích cóp được trong suốt 15 năm đã bị phá hủy hoàn toàn. Tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất trong đầu: Chúng tôi sẽ phải mất 15 năm nữa để lấy lại mọi thứ”.
Philippines
Năm 2013, siêu bão Hải Yến đổ bộ vào Philippines khiến hơn 6.000 người thiệt mạng. Không chỉ vậy, khoảng 5 triệu người đã phải lâm vào cảnh nhà cửa bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.
Roy Ascura (đảo Polopina)
Cơn bão Hải Yến đã phá hủy nhà cửa và dụng cụ kiếm sống của Roy – vốn là một thợ câu mực. Ban đầu, Roy phải sống dựa vào nguồn trợ cấp lương thực và quần áo của chính quyền địa phương. Hiện tại anh đã được cấp một chiếc thuyền mới và hy vọng mình có thể tự trang trải cho cuộc sống.
Jonel Marana (đảo Igbon)
Jonel là một ngư dân ở đảo Igbon. Sau khi cơn bão đi qua, Jonel đã làm thợ mộc tại một xưởng tàu địa phương trước khi được cấp một chiếc thuyền mới.
“Thật may mắn khi cuộc sống đã dần trở nên dễ chịu. Tôi có thể bắt được nhiều cá hơn nhờ chiếc thuyền mới và cung cấp cho gia đình một cuộc sống đầy đủ”.
Sierra Leone
Đại dịch Ebola bắt đầu vào tháng 3/2014 và nhanh chóng bùng phát thành một trong những mối lo ngại lớn nhất của toàn nhân loại – với hơn 25.000 ca nhiễm bệnh và ít nhất 10.000 người tử vong. Tại Sierra Leone – một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Ebola đã khiến hệ thống y tế vốn đã vô cùng yếu kém bởi những xung đột và bất ổn trước đó trở nên chao đảo.
Patrick MJ Bassie (thủ đô Freetown)
Patrick – một nhân viên mai táng – là một trong những người ở “tiền tuyến” trong cuộc chiến chống lại Ebola. Không chỉ phải đối mặt với khó khăn trong công việc hàng ngày, Patrick và các đồng nghiệp còn phải chịu đựng sự xa lánh từ phía cộng đồng.
“Mọi người sợ rằng tôi sẽ lây bệnh cho họ. Một người bạn cùng phòng đã nhìn thấy tôi làm nhiệm vụ. Anh ấy kể với tất cả mọi người và yêu cầu tôi thu dọn đồ đạc ngay lập tức. Không một ai muốn ở gần tôi bởi công việc mà tôi đang làm”.
Nhiều chiến dịch đã được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và xóa bỏ những nghi kỵ về dịch bệnh, đồng thời trợ giúp tâm lý cho những người làm công tác phòng chống dịch bệnh.
Alpha Jolloh (huyện Tonkolili)
Tám người trong gia đình Alpha, bao gồm anh trai, em gái, cháu gái và đứa con mới sinh của cô đã chết do nhiễm Ebola. Ông và những người còn lại trong gia đình bị cách ly trong một thời gian tại một trường học ở địa phương.
“Khi chúng tôi bị cách ly, không còn một ai chăm sóc mùa màng. Gà và dê đều bị bắt trộm”.
Các tổ chức cứu trợ đang tích cực cung cấp hạt giống và dụng cụ nông nghiệp cho những người nông dân gặp phải hoàn cảnh tương tự như Alpha, đồng thời tập huấn và đưa ra những lời khuyên để giúp họ đạt được năng suất cao hơn.
Uganda
Các cuộc xung đột diễn ra triền miên trong giai đoạn 1987 – 2006 tại miền Bắc Uganda đã buộc hàng triệu người rời bỏ nhà cửa. Tuy nhiên những tiến triển mới đây nhất về an ninh khu vực đã cho phép hàng trăm ngàn người quay về và xây dựng lại cuộc sống.
Mặc dù vậy, khu vực này đang phải đối mặt với vấn đề phát sinh do có khoảng 180.000 dân tị nạn di chuyển đến đây bởi cuộc xung đột tại quốc gia láng giếng Nam Sudan.
Một vài trung tâm sức khỏe đã đi vào hoạt động nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em đến từ Nam Sudan và giúp những người dân địa phương khôi phục lại cuộc sống.
Nancy Baako (huyện Adjumani)
Nancy đã dành gần như cả 20 năm cuộc đời mình sống trong các trại tị nạn ở Uganda, sau khi mẹ cô bỏ đi khỏi khu trại trong cuộc nội chiến đẫm máu tại Sudan.
Tháng 10/2014, Nancy sinh hạ đứa con đầu lòng, Cathred. Ngay hôm sau, cô nghe tin chồng mình đã chết trên đường đến Nam Sudan tìm việc. Nancy chỉ kiếm được chút ít tiền từ việc trồng rau và chăn gia súc, và cô phải rất vất vả để có thể nuôi sống mình và con gái.
Cathred hiện đã được gần 1 tuổi và bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Những biện pháp chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt đã giúp cô bé dần phục hồi và ngăn ngừa những vấn đề về sức khỏe.
“Bạn có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt. Trước đây, con gái tôi trông rất yếu ớt và thiếu sức sống. Hiện giờ, con bé đã có những chuyển biến tích cực”.
Debora Adum (huyện Adjumani)
Debora Adum và 4 đứa con đã thực hiện hành trình đi bộ dài gần 600km đến Uganda để thoát khỏi cuộc nội chiến tại Nam Sudan. Cuối cùng, họ cũng đặt chân được đến một khu trại tị nạn gần Adjumani – “ngôi nhà” của hơn 5.000 dân tị nạn Nam Sudan.
“Tôi rất mừng khi không còn phải giật mình vì nghe thấy tiếng súng đạn lúc nửa đêm. Hiện sức khỏe của con gái tôi – Nyibol - đã được cải thiện rất nhiều”.