Làm rõ các đường dây "chạy công chức" giáo dục
Pháp luật - Ngày đăng : 15:11, 13/10/2015
Những nội dung này đã được báo Phụ nữ TP.HCM đã phản ánh trong hai loạt bài viết đăng tải vào tháng 9/2015.
Đại tá Dương Văn Giáp thông tin tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ chiều 13/10 |
Trong thời gian ngắn, GĐ CATP chỉ đạo phòng PC 45 phối hợp CA huyện làm rõ toàn bộ nội dung vụ án.
Trước đó, ngày 31/12/2014, UBND huyện Sóc Sơn có ra thông báo về việc cắt toàn bộ hợp đồng đối với 185 giáo viên đã ký hợp đồng năm học 2014-2015. Ngày 13/7/2015, UBND huyện đã tổ chức họp và thông báo nội dung trên đến những người có liên quan. Sau khi nhận được thông báo, một số giáo viên bị cắt hợp đồng có ý định làm đơn khiếu nại, một số người có nguyện vọng làm hồ sơ để thi tuyển công chức và tìm mọi quan hệ để lo xin vào công chức nhà nước.
CA TP đã xác minh, làm rõ vào khoảng giữa tháng 8/2015, anh Đỗ Văn Triệu (SN 1980, trú tại Hồng Kỳ, Sóc Sơn) là CA viên xã Hồng Kỳ nhờ anh Nguyễn Văn Hải (SN 1982, trú tại Phù Ninh, Sóc Sơn) xin vào công chức ngành giáo dục huyện cho chị vợ mình là Nguyễn Thu Hà (SN 1981, là giáo viên mầm non ở xã Bắc Sơn vừa có thông báo của UBND huyện hết hợp đồng).
Khi được cho biết giá để "chạy công chức" là từ 150-170 triệu đồng, chị Hà không có khả năng lo được nên hứa sẽ giúp giới thiệu cho Hải những người khác có nhu cầu. Người mà Hà giới thiệu là chị Giang (là PV báo Phụ nữ TP.HCM cải trang làm người muốn xin cho con nuôi vào công chức mầm non) đến Hải.
Ngày 25/8/2015, Hải đã liên lạc, tiếp tục giới thiệu chị Giang cho Đàm Hữu Dũng (SN 1972, trú tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, là giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự). Dũng đã hẹn Hải và Giang gặp nhau tại quán cà phê số 236 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy. Tại đây, Dũng cho Giang biết bản thân có khả năng chạy vào công chức với giá 200 triệu đồng. Giang đồng ý và đi rút tiền, nhưng sau đó không quay trở lại gặp Dũng.
Tại CQĐT, Hải khai nhận do Dũng làm trong ngành quân đội và làm giảng viên nên nghĩ Dũng có quan hệ có thể xin vào làm công chức huyện Sóc Sơn. Ngoài ra, các đối tượng Hải, Triệu, Hà, Duyên chưa nhờ Dũng xin vào công chức cho ai trước đó.
Dũng khai nhận bản thân không có quan hệ và khả năng xin chạy vào công chức. Do khó khăn về kinh tế nên khi thấy Hải nhờ chạy công chức Dũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.
Về loạt bài thứ hai trên báo Phụ nữ TP.HCM với nội dung hai người là bà Ngô Thị Toàn (SN 1960, là giáo viên trường Tiểu học Bắc Sơn A, Sóc sơn (đã nghỉ hưu) và Trần Văn Ánh (SN 1969, là nhân viên quản lý chợ Nỉ, Sóc Sơn) làm cò công chức.
CQĐT đã làm rõ, năm 2014, bà Toàn nhận 120 triệu đồng để lo chạy công chức cho 2 trường hợp và chuyển 100 triệu đồng để Ánh lo chạy công chức. Sau kỳ thi tuyển, cả hai người này đều đã đỗ vào công chức.
Tiếp đó, tháng 7/2015, bà Toàn nhận 270 triệu đồng để lo chạy công chức cho 5 trường hợp khác và đã chuyển 220 triệu đồng để Ánh lo liệu.
Ánh khai nhận, bản thân không có khả năng chạy xin vào công chức nhưng vẫn tạo niềm tin, lừa dối với những người có nhu cầu để chiếm đoạt tiền. Tổng số tiền mà cả hai đã chiếm đoạt là 380 triệu đồng, và đã nộp lại cho CQĐT để khắc phục hậu quả.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 24/9/2015, Cơ quan CSĐT CATP đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Văn Ánh và Ngô Thị Toàn với tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bà Toàn là giáo viên nghỉ hưu, vẫn làm môi giới chạy viên chức. Ảnh Phunuonline |
Ngoài 2 vụ việc trên, Phòng PC 45 cũng đã xác minh, làm rõ một vụ lừa đảo khác liên quan đến việc chạy công chức trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Cụ thể, ngày 13/9/2015, Phòng PC 45 đã nhận được đơn trình báo của chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1985, ở thị trấn Sóc Sơn) là giáo viên trường mầm non thị trấn Sóc Sơn) tố cáo bị Nguyễn Văn Thuyết (SN 1989, trú tại Xuân Giang, Sóc Sơn) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua xác minh đã làm rõ Thuyết đã cho chị Hằng biết bản thân có quen biết ông Sơn, là Phó Phòng nội vụ, UBND huyện Sóc Sơn nên có khả năng chạy công chức. Trong thời gian từ tháng 5/2014 đến tháng 8/2014, Hằng đã trực tiếp nhận tiền để lo chạy công chức cho 9 trường hợp để chuyển cho Thuyết 530 triệu đồng.
Khi chị Hằng nói muốn gặp ông Sơn, Thuyết đã nhờ Nguyễn Văn Long (SN 1976, trú tại Phù Ninh, Sóc Sơn) đóng giả làm ông Sơn để Hằng gặp. Thuyết cũng đã bàn bàn và thống nhất sẽ chuyển tiền cho Long với mỗi trường hợp chạy công chức là 20 triệu đồng. Tổng số tiền Thuyết đã chuyển cho Long là 210 triệu.
Tiếp đó, chị Hằng tiếp tục nhờ Thuyết chạy việc cho một số trường hợp khác với tổng chi phí 430 triệu đồng.
Tháng 9/2014, do không xin được việc cho những người chị Hằng nhờ, Thuyết đã trả lại cho chị Hằng 434 triệu đồng và nợ lại 536 triệu đồng, sau đó bỏ trốn.
Tại CQĐT, chị Hằng đã tự nguyện giao nộp 7 giấy biên nhận tiền do Thuyết với tổng số tiền đã nhận là 960 triệu đồng. Qua khám xét khẩn cấp nhà Thuyết, CQĐT đã thu giữ một quyển sổ ghi tên và số tiền đã nhận của chị Hằng.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 24/9/2015, cơ quan CSĐT, CATP đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Thuyết, Nguyễn Văn Long về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
"Qua xác minh rất kỹ, các bài viết trên báo Phụ nữ TP.HCM là có cơ sở, tuy nhiên, quá trình điều tra chưa phát hiện có dấu hiệu tiêu cực liên quan đến việc "chạy công chức" ở lĩnh vực giáo dục trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Các đối tượng bị bắt giữ đã lợi dụng nhu cầu thi tuyển công chức của các cá nhân, tự nhận mình có quan hệ với lãnh dạo các phòng ban của huyện Sóc Sơn và UBND TP để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản." - Đại tá Dương Văn Giáp khẳng dịnh.