Kỳ diệu sản phụ chạy thận nhân tạo sinh con an toàn
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:30, 13/10/2015
Bệnh nhân là Hoàng Ngọc Yến, 31 tuổi, ở Tuyên Quang bị suy thận nặng (độ 5) và phải chạy thận nhân tạo suốt 7 năm qua. Năm 2008, khi mang thai được 4 tuần, chị Yến mới biết mình bị suy thận, phải định kỳ lọc máu 3 lần 1 tuần, tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai |
Tuy nhiên sau đó, chị Yến bị sảy thai. Năm 2014, một lần nữa chị Yến mang thai trong sự lo lắng vì khi chạy thận nhân tạo, việc giữ thai hết sức khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng sản phụ. Tuy nhiên, trước khao khát được làm mẹ của chị Yến, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội chẩn giữa Khoa Thận nhân tạo và 6 khoa khác, tìm biện pháp giúp nữ bệnh nhân giữ được thai.
Để đảm an toàn cho sản phụ và thai nhi, Bệnh viện đã thay đổi phác đồ điều trị, nâng số lần lọc máu chu kỳ lên 6 lần 1 tuần, gấp đôi so với bình thường; thuốc điều trị cũng được điều chỉnh liều cho phù hợp. Suốt thời gian mang bầu chị Hoàng Ngọc Yến được điều trị nội trú và theo dõi sức khỏe sát sao.
Ngày 6/9 vừa qua, khi thai được 30 tuần tuổi, chị Yến có dấu hiệu chuyển dạ sớm nên được mổ đẻ. Cháu bé nặng 1,5kg và được chăm sóc và điều trị viêm phổi tại khoa Nhi. Đến nay, cháu bé dần ổn định sức khỏe, nặng hơn 2kg và dự kiến xuất viện trong tuần này.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Khi can thiệp y tế cho bệnh nhân này thì chi phí rất lớn. Với bệnh nhân chạy thận nhân tạo bình thường tốn 10 triệu đồng 1 tháng, thì bệnh nhân này là 40 triệu đồng/tháng vì phải áp dụng đúng tiêu chuẩn quốc tế, dây truyền, quả lọc chỉ dùng 1 lần, tất cả các thuốc phải chuẩn châu Âu và không gây hại cho thai nhi. Rất may Ban Giám đốc Bệnh viện và các Khoa chuyên môn và cơ quan Bảo hiểm xã hội ủng hộ”.
Trong 40 năm qua, tại Bệnh viện Bạch Mai có 5 trường hợp bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai, nhưng chỉ 2 trường hợp mẹ tròn con vuông. Trong đó, trường hợp bệnh nhân Hoàng Ngọc Yến vừa nêu trên là người duy nhất được lọc máu thai kỳ tại Bệnh viện, được theo dõi và chăm sóc thai nghén từ đầu đến khi sinh.
Một nghiên cứu tại một số nước châu Âu trong hơn 10 năm qua cũng cho thấy, chỉ có 23 bệnh nhân có thai trong khi chạy thận nhân tạo và chỉ hơn một nửa số trường hợp này “mẹ tròn, con vuông”./.