Tại chung cư C4, phố Đỗ Nhuận (P.Xuân Đỉnh, Q.Bắc Từ Liêm): Giá điện, nước cao ngất
Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 13/10/2015
Chung cư C4, phố Đỗ Nhuận, do Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội (tên viết tắt là HACC1) đầu tư xây dựng. Năm 2011, sau khi hoàn thiện đã bàn giao cho 40 hộ dân sử dụng, từ đó đến nay số hộ dân chuyển về gần kín tòa nhà, cỡ chừng gần 70 hộ. Tháng 9-2013, UBND huyện Từ Liêm đã có quyết định công nhận BQT tòa nhà C4 gồm 5 thành viên, trong đó có một thành viên đại diện CĐT.
Tháng 1-2014, HACC1 và BQT C4 đã thống nhất bàn giao - tiếp nhận công tác quản lý và vận hành tòa nhà trên phương án CĐT rút toàn bộ trách nhiệm quản lý và vận hành, trao quyền BQT tự quyết các hoạt động chung của tòa nhà. Khi đó, còn một trạm biến áp phục vụ cấp điện cho chung cư C4 do HACC1 đầu tư từ khi khởi công xây dựng tòa nhà chưa bàn giao xong cho Điện lực huyện Từ Liêm (nay là Điện lực Bắc Từ Liêm) nên CĐT và BQT thống nhất sẽ bổ sung vào phụ lục bàn giao sau này. Ngày 15-6-2015, sau khi hoàn thành công tác bàn giao Trạm biến áp C4 sang Điện lực Bắc Từ Liêm, HACC1 có Công văn số 712/HACC1-KHĐT gửi BQT C4 thông báo nội dung, công việc bàn giao trạm biến áp đã hoàn tất, để bảo đảm quyền lợi sử dụng điện cho các hộ dân, đề nghị BQT C4 sớm liên hệ với điện lực để được hướng dẫn triển khai thực hiện hồ sơ ký hợp đồng trực tiếp. Tuy nhiên, khi nhận được công văn này, BQT C4 không đồng ý với đề nghị của HACC1 vì cho rằng, CĐT bán nhà cho hộ dân thì phải có trách nhiệm liên hệ cấp điện, nước đến từng căn hộ. Việc đưa ra công văn này là CĐT đang "đá" quả bóng trách nhiệm sang cho BQT. BQT cũng "tố" CĐT không tích cực nên đến nay người dân C4 đang phải trả giá điện, nước ở mức cao, không được tính giá sinh hoạt theo mức lũy tiến bậc thang như quy định của Nhà nước.
Tìm hiểu về mức giá điện, nước ở C4 đang cao "ngất ngưởng", PV biết được nguyên do: Khi bắt tay vào xây dựng tòa nhà, HACC1 ký hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước trên danh nghĩa là đơn vị kinh doanh, sản xuất. Vì thế giá điện, nước được cung cấp ở mức kinh doanh, sản xuất với mức hơn 7.000 đồng/kWh điện và 7.500 đồng/m3 nước sinh hoạt.
Từ khi bàn giao căn hộ đầu tiên năm 2011, đến nay người dân đã sinh sống ổn định trong thời gian dài, hơn nữa công tác bàn giao quyền quản lý tòa nhà đã hoàn tất, cần thiết phải thay đổi mục đích sử dụng điện, nước sang mức sinh hoạt để người dân được hưởng giá quy định. Theo hướng dẫn của cả Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm và Công ty Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng điện, nước sinh hoạt không quá khó khăn. Chỉ cần đại diện người dân tổng hợp danh sách các hộ đã về sinh sống, kèm theo các giấy tờ quy định như hợp đồng mua nhà hoặc "sổ đỏ", chứng minh nhân dân, mẫu đơn theo quy định gửi đến đơn vị quản lý để được phê duyệt phương án triển khai bán điện trực tiếp đến hộ dân. Vấn đề nước sạch cũng được Công ty Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy nêu quan điểm, công ty vẫn bán nước tới đồng hồ tổng cấp vào C4, nhưng khi có danh sách các hộ dân đã đến ăn ở ổn định tại C4 thì sẽ tính phương pháp giảm trừ nước từ mục đích sản xuất sang thành sinh hoạt. Có thể nói, thủ tục hành chính của ngành điện, nước không mấy khó khăn, phức tạp nhưng tại sao gần 5 năm chuyển về sống ở chung cư C4, người dân vẫn phải chịu tiền điện và nước giá cao?
Ông Võ Thanh Hà, đại diện CĐT HACC1, đồng thời là Phó ban Quản trị C4 cho biết, sau khi bàn giao cơ sở hạ tầng và công tác quản lý vận hành tòa nhà cho BQT, CĐT đã rút hết công việc khỏi tòa nhà, nên để BQT đại diện người dân làm các thủ tục điện, nước là hợp lý. Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Tuấn Anh, Trưởng ban Quản trị C4 cho rằng, nếu xét về khía cạnh hợp đồng mua bán nhà thì CĐT phải bảo đảm đầy đủ các tiện ích và dịch vụ cho người dân, chứ không phải bàn giao xong công tác quản lý và vận hành C4 là CĐT hết trách nhiệm.
Thực tế cho thấy, tuy BQT tòa nhà đã được thành lập, CĐT đã bàn giao toàn bộ cơ sở hạ tầng cũng như công tác quản lý vận hành tòa nhà cho BQT nhưng luật pháp đã quy định trong BQT có một thành viên đại diện CĐT để cộng đồng trách nhiệm. Nên sự cần thiết hiện nay là BQT và CĐT phải gặp gỡ, họp bàn, trao đổi cụ thể công việc với nhau, phân công trách nhiệm rõ ràng trong việc triển khai các thủ tục cần thiết để bảo đảm quyền lợi của người dân được hưởng mức giá điện và nước sinh hoạt theo quy định nhà nước; tránh trường hợp cùng là thành viên BQT nhưng "không có thời gian" gặp gỡ giải quyết các vấn đề cư dân thắc mắc dẫn đến sự bất hợp lý trong cách tính giá điện, nước tại đây kéo dài.