Kéo tỷ lệ nợ xấu về mức 3% vào cuối năm: Mục tiêu khả thi?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 13/10/2015
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang cố gắng đưa nợ xấu về mức 3% vào cuối năm 2015. Ảnh: Hải Anh |
Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh
Tính đến giữa tháng 9, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã phát hành trái phiếu đặc biệt để mua 11.108 khoản nợ của 37 tổ chức tín dụng (TCTD), tương ứng với 75.553 tỷ đồng, giá mua là 69.070 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2013, VAMC đã phát hành 204.228 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu, giá mua nợ 177.722 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VAMC cũng thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản bảo đảm đạt 13.320 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 2 năm hoạt động, VAMC đã giúp các TCTD giảm 210.717 tỷ đồng nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất, tiếp cận vốn vay của TCTD.
Trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi như kinh tế vĩ mô kém ổn định, tăng trưởng kinh tế chậm, thị trường bất động sản trầm lắng, chậm phục hồi và không sử dụng ngân sách nhà nước cho tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD… NHNN vẫn quyết tâm kéo tỷ lệ nợ xấu về 3% vào cuối năm 2015. Ngay từ đầu năm, NHNN đã yêu cầu các TCTD lập kế hoạch xử lý nợ xấu, áp dụng chế tài gắn việc cấp phép, kiểm soát tăng trưởng tín dụng với tiến độ xử lý nợ xấu. NHNN cũng yêu cầu các TCTD dành mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu như giảm chi phí hoạt động, hạn chế chia cổ tức bằng tiền để tăng năng lực tài chính, tăng vốn điều lệ (có 33 TCTD không được chia cổ tức), thực hiện cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.
Thông qua việc ban hành các chuẩn mực mới về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro dần tiệm cận với các thông lệ quốc tế, hạn chế việc TCTD giấu nợ xấu, đến nay về cơ bản, số liệu nợ xấu do TCTD báo cáo đồng nhất với số liệu nợ xấu do NHNN đánh giá. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 4,83%, tháng 12-2014, xuống còn 3,72%; các TCTD đã xử lý được 388,66 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tương đương 83,6% tổng số nợ xấu tại thời điểm tháng 9-2012.
"Chu kỳ luẩn quẩn"
Đánh giá về tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cho rằng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng trong thời gian qua đã có tiến triển tốt. Biện pháp mua bán nợ của VAMC và mua lại một số ngân hàng của NHNN với giá trị 0 đồng, được Ngân hàng Thế giới nhận định là sáng kiến chưa có tiền lệ. Nợ xấu được mua có thể tăng giá khi thị trường bất động sản ấm dần, khả năng thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại không khó khăn như trước. Thời gian tới, hệ thống ngân hàng cần được tiếp tục tái cơ cấu từ gốc, bằng việc sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD và quy định về hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hưởng, việc tăng trưởng tín dụng có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế và trong tầm kiểm soát của NHNN, nhưng cần thận trọng đề phòng "chu kỳ luẩn quẩn". "Chu kỳ luẩn quẩn" bắt đầu từ lạm phát, lãi suất cao bất ngờ, phải khoán huy động vốn, sau đó giảm phát lại khoán cho vay, thi nhau chào lãi suất thấp; sau giảm phát thừa nguồn sẽ dẫn đến kịch bản các ngân hàng thi nhau ký hợp đồng tín dụng, khoán cho vay dẫn đến thừa nguồn, tăng lãi suất, lạm phát và tỷ giá bị đe dọa, bẫy thanh khoản xuất hiện…
Theo lãnh đạo của NHNN, cùng với việc tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại các TCTD, kết quả xử lý nợ xấu góp phần cải thiện thanh khoản, giảm mặt bằng lãi suất, mở rộng khả năng tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp xử lý nợ xấu ngân hàng được triển khai công khai, minh bạch, không trực tiếp sử dụng tiền của ngân sách nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, TCTD và các bên liên quan, bảo đảm an toàn hệ thống và tăng cường phòng ngừa, kiểm soát nợ xấu phát sinh mới. Lãnh đạo NHNN khẳng định, việc đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3% vào cuối năm 2015 là khả thi.