Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực: Vì sao sụt giảm mạnh?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:20, 13/10/2015
Sản xuất cá tra xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long.Ảnh: Mạnh Hà |
Bất lợi do tỷ giá
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, mức tăng này đến từ nhóm doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài - với kim ngạch đạt 85,21 tỷ USD (kể cả dầu thô), tăng 15,8% so với cùng kỳ. Còn kim ngạch từ nhóm doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 35,49 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ.
Đáng lo ngại hơn, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều giảm mạnh. Đáng chú ý, khối lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng chỉ đạt gần 970 nghìn tấn, trị giá 1,98 tỷ USD; so với cùng kỳ năm 2014, giảm gần 31% về khối lượng, giảm gần 32% về giá trị. Kim ngạch 9 tháng của thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ. Xuất khẩu gạo ước đạt hơn 4,5 triệu tấn, trị giá đạt gần 2 tỷ USD, giảm 8,7% về khối lượng, giảm hơn 14% về giá trị. Một số mặt hàng khác như cao su dù lượng xuất khẩu tăng 9,5% so với cùng kỳ nhưng giá trị giảm gần 12%. Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 10,6% nhưng đây cũng là mức tăng thấp so với nhiều năm qua (năm 2014 tăng 18,5%).
Nguyên nhân sụt giảm cả về khối lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, theo Bộ Công thương là do nguồn cung các nước dồi dào, dẫn đến cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Ngoài ra, đồng đô la Mỹ lên giá so với các đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có những đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu với Việt Nam như Ấn Độ (tôm), Brazil (cà phê)… đã tạo nhiều sức ép với xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Đồng thời, nhiều quốc gia có xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, như gần đây Ấn Độ áp thuế tự vệ 20% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu; 3 thị trường Đông Nam Á là Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thép, tôn lạnh Việt Nam khiến xuất khẩu càng khó khăn.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nhận định, xuất khẩu khó khăn là do đồng tiền Việt Nam tăng giá trong khi các nước, như Indonesia chẳng hạn, đang phá giá mạnh đồng tiền. Chính vì vậy, giá hàng xuất khẩu Việt Nam đắt hơn các nước khác. Ở thị trường Mỹ, giá tôm Indonesia và tôm Ấn Độ hiện bán với mức giá rẻ "không tưởng tượng nổi" vì đồng tiền rupiad của Indonesia mất giá 42%, còn đồng rupee của Ấn Độ mất giá 20%; riêng giá tôm Việt Nam so với các nước khác trong khu vực đang đắt hơn đến 20%. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao cũng cho rằng, năm nay DN xuất khẩu gặp khó khăn là do tỷ giá. Hiện cà phê đã vào vụ mới nhưng lượng hàng tồn kho còn đến 1/3.
Chưa tận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do
Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, hiện các DN rất khó chủ động trên thị trường thế giới. Chẳng hạn, ngành cao su xuất khẩu nguyên liệu thô đến 80% nên phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới về giá. Chính vì vậy, để hỗ trợ DN xuất khẩu thì cần xử lý các vướng mắc nội bộ trước. Chẳng hạn, DN xuất khẩu vẫn còn vướng hoàn thuế giá trị gia tăng, dù "kêu" nhiều lần nhưng ngành cao su vẫn chưa được gỡ. Điều này tăng thêm gánh nặng tài chính không đáng có đối với DN...
Theo ông Lê Phước Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, chưa bao giờ DN có nhiều thách thức như hiện tại bởi Việt Nam đã hội nhập sâu vào thị trường thế giới. Trong khi áp lực hội nhập trên các doanh nghiệp hiện rất lớn thì Việt Nam vẫn chưa vận dụng tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Thậm chí, khi các nước tham gia vi phạm các cam kết trong hiệp định thì Việt Nam lại không có hành động cần thiết để đấu tranh, vô hình trung tạo ra tiền lệ đối với vi phạm. Thực tế cho thấy, để hạn chế hàng Việt Nam nhập khẩu, các nước thường dựng lên những hàng rào kỹ thuật quá cao. Để đáp ứng, DN phải bỏ ra 10%, 20%, thậm chí 30% chi phí giá thành.
Ghi nhận các ý kiến của DN, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành vẫn rất tích cực đấu tranh, hỗ trợ DN trong đàm phán cũng như việc thực thi các FTA. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là khi hội nhập sâu thì Nhà nước không thể làm thay DN nên các DN cần chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.