Niềm vui không chỉ của người nhận giải
Văn hóa - Ngày đăng : 06:57, 12/10/2015
Năm nay, các hạng mục giải thưởng tiếp tục tìm được chủ nhân bằng cách đầy thuyết phục. Có cả những cây bút thuộc thế hệ đi trước, có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, nhà thơ Trúc Thông; những tác giả đã định hình tên tuổi như Nguyễn Bình Phương, Phan Huyền Thư, và có cả gương mặt trẻ lần đầu nhận giải như Đào Quốc Minh (sinh năm 1986)...
Các tác phẩm đoạt giải Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015. |
Nhà văn áo lính Nguyễn Bình Phương quả là cái tên đang ngày càng được đánh giá cao trong giới văn học, không chỉ ở Hà Nội mà còn trên toàn quốc. Hội đồng giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng "Mình và Họ" là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Bình Phương, khi vừa tiếp tục khai triển lối viết phức tạp đa tuyến, đa chiều của anh, vừa đẩy nghệ thuật viết tiểu thuyết của tác giả lên mức độ cao. Cuốn tiểu thuyết này đan xen nhiều nhân vật, song trùng quá khứ và hiện tại, bên này và bên kia, thực và ảo, chiến tranh và hòa bình. Nguyễn Bình Phương bắt người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm với sức mạnh của một nhà văn có tài kết cấu và sử dụng ngôn ngữ. Quả thật, "Mình và Họ" đầy cuốn hút, ám ảnh nhưng đúng như tác giả chia sẻ, tác phẩm không chú tâm hoàn toàn để ghi lại một cuộc chiến bởi cuộc chiến ấy đã được nhân dân khắc ghi, lịch sử đã khắc ghi. Nguyễn Bình Phương cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm cầm bút: "Một tác phẩm văn chương khi đặt ra câu hỏi thì không nhất thiết phải kèm ngay sau đó câu trả lời. Câu trả lời có thể nằm ở tác phẩm khác...".
Đọc tác phẩm của Nguyễn Bình Phương và hệ thống lại, dễ thấy một con người giản dị, gần gũi nhưng các trang viết lại rất nghiêm khắc, chỉn chu. Không có sự dễ dãi và đặc biệt là ít ồn ào. Các nhà văn dự buổi trao giải như Bảo Ninh, Phạm Ngọc Tiến... đều bày tỏ sự tin tưởng vào những trang viết của Nguyễn Bình Phương.
Mùa giải này, công chúng cũng có thêm những tác phẩm đáng chú ý khác để đọc như tập thơ "Sẹo độc lập" của nhà thơ Phan Huyền Thư - tác phẩm được đánh giá là "mới lạ trong tư duy thơ về cá nhân con người: Khi lọt lòng mẹ mang vết sẹo làm người trong một cõi nhân sinh nhiều lo âu và bất an...". Bên cạnh đó là dịch phẩm "Kiên ngạnh như thủy" của nhà văn Diêm Liên Khoa (Trung Quốc) - một cuốn tiểu thuyết "mang tính hài hước, giễu nhại về những thảm họa đau thương mà đất nước ông đã trải qua". Và bản dịch từ nguyên tác của dịch giả Minh Thương cho thấy nỗ lực lớn trong việc tìm cách chuyển tải chính xác, đầy đủ các sắc thái văn chương thâm thúy của tác giả.
Với hai gương mặt gạo cội nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015, "Trúc Thông thơ" - tuyển tập của nhà thơ Trúc Thông - khẳng định về một đời đam mê thơ và nghiêm cẩn với thơ. Trong khi đó, "Trên đường biên của lý luận văn học" của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử được xem như "một công trình khoa học về văn học nghiêm túc của một nhà lý luận văn học mác xít trước đòi hỏi của lý thuyết và thực tiễn đời sống văn học mang tính toàn cầu hiện nay". Điều thú vị là ở hạng mục này, năm ngoái Hội đồng giải thưởng vinh danh công trình của một nhà phê bình thế hệ 8X là "Không gian văn học đương đại" của Đoàn Ánh Dương.
Có thể nói, giải thưởng là nguồn động viên lớn với người cầm bút, nói như Nguyễn Bình Phương là "cho tôi được thở một hơi sảng khoái để bước những bước rạo rực tiếp theo", nhưng đáng nói hơn, nó còn là niềm vui của đồng nghiệp trong văn giới, của những người làm công tác xét giải, của đơn vị xuất bản đã "dám" in những đầu sách mà họ biết chắc là không "hot" như "gu" thị trường.