Tăng mức thu phí đường bộ tuyến quốc lộ 5: Phù hợp với thực tế

Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 12/10/2015

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) được phép tăng mức thu phí đường bộ trên tuyến quốc lộ 5 lên gấp đôi so với hiện nay.


Trục giao thông quan trọng

QL5 được cải tạo, nâng cấp từ năm 1998 với 4 làn xe và nhiều năm qua đã ở trong tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH và đầu tư nước ngoài của toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Từ cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã giao VIDIFI làm chủ đầu tư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), trong đó, VIDIFI được quyền thu phí sử dụng đường bộ tại QL5 đến hết thời gian kinh doanh BOT để thu hồi vốn của dự án cao tốc.

Đến nay, VIDIFI đã thông xe được 75/105,5km tuyến cao tốc theo tiêu chuẩn quốc tế. Phần còn lại, VIDIFI và các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành và thông xe vào cuối năm nay. Khi đó, dự án cao tốc này sẽ thực sự trở thành trục giao thông quan trọng kết nối Thủ đô Hà Nội với Hải Phòng, Quảng Ninh, nối liền vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện - cụm cảng lớn nhất miền Bắc). Cùng với các tuyến đường cao tốc khác, tuyến Hà Nội - Hải Phòng góp phần hình thành và hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc phía Bắc, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí và thời gian vận chuyển cho doanh nghiệp… Dù mới đưa vào khai thác được 75km từ địa phận tỉnh Hưng Yên đến TP Hải Phòng song dự án đã được Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đánh giá chất lượng tốt. Tổng mức đầu tư của dự án đã được các Bộ GTVT, Tài chính, Xây dựng và Kế hoạch Đầu tư thẩm định; được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán...

Tăng phí là bất khả kháng

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án hạ tầng giao thông rất quan trọng, có hiệu quả KT-XH rất lớn, song theo đánh giá của các cơ quan chức năng, chủ đầu tư sẽ rất khó khăn trong việc thu hồi vốn. Ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT VIDIFI cho biết, mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ 39% tổng mức đầu tư (trong đó chủ đầu tư phải đầu tư các khu công nghiệp, khu đô thị được giao để thu được 16% từ tiền sử dụng đất); thu phí QL5 theo trần Thông tư 159/2013/TT-BTC và thu phí đường cao tốc với mức tương đương đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để hoàn vốn nhưng vẫn phải đến 30 năm mới thu hồi được vốn đầu tư. Theo dự toán, ở giai đoạn đầu vận hành dự án, mỗi ngày chủ đầu tư phải trả lãi ngân hàng 9 tỷ đồng và sẽ tăng dần trong 5 năm đầu; đến năm thứ 16, việc thu phí mới có thể cân bằng với các khoản trả lãi và dư nợ mới giảm dần. Tổng công ty đã cố gắng hết sức để tăng các nguồn thu khác và bảo đảm thu phí ở mức hợp lý, nhưng việc tăng phí QL5 là bất khả kháng trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn không thể hỗ trợ thêm.

Nếu VIDIFI không được tăng phí đường bộ tại QL5 thì phương án tài chính của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa được phê duyệt có thể "phá sản".

Cũng để chống xuống cấp QL5, ngay từ năm 2012, VIDIFI đã trích kinh phí từ nguồn thu phí gần 400 tỷ đồng để trả 50% vốn vay đầu tư Dự án cải tạo, khôi phục mặt đường QL5 nhằm bảo đảm ATGT và duy trì khả năng khai thác của tuyến đường (dự án này do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư).

Đánh giá về chủ trương này, một số chuyên gia cho rằng, mức phí VIDIFI xin điều chỉnh là phù hợp mức phí và lộ trình tăng phí sử dụng đường bộ được quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Bởi lẽ, mức thu phí sử dụng đường bộ trên QL5 được giữ nguyên từ năm 2005 (đến nay đã 10 năm không điều chỉnh) và là mức phí thấp nhất toàn quốc. Trong khi đó, phí sử dụng đường bộ tại các tuyến QL khác đều đã tăng gấp 2-3 lần so với mức phí QL5 đang thu (như Trạm thu phí Tân Đệ - QL10, Trạm thu phí Đại Yên - QL18, Trạm thu phí Mỹ Lộc - QL21B…). Việc điều chỉnh tăng phí QL5 theo phương án tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cũng là thực hiện đúng cam kết với đối tác nước ngoài (nhà đầu tư Ấn Độ) đang dự kiến nhận chuyển nhượng một phần hợp đồng BOT dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tuy nhiên, sau khi chính thức được bàn giao quản lý và khai thác QL5, VIDIFI cần làm tốt công tác sửa chữa, bảo trì để tương xứng với khoản phí người tham gia giao thông phải bỏ ra. Nếu tăng phí nhưng chất lượng đường sá không tăng, chắc chắn người dân sẽ không đồng thuận.

Bắt đầu từ ngày 1-1-2016, Bộ GTVT sẽ chuyển QL5 sang cho VIDIFI quản lý, khi đó nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí. Nếu vẫn áp dụng mức thu quá thấp như hiện nay, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc dành nguồn kinh phí duy tu tuyến đường trong khoảng 3 năm tới, khi thời điểm phải đại tu toàn tuyến đường đang đến rất gần.

Tuấn Khải